Trường Vật liệu có gì “hot” mà sinh viên “say như điếu đổ”?

Thứ bảy - 01/06/2024 00:31
Qua nhiều mùa tuyển sinh, các chương trình đào tạo của Trường Vật liệu – Đại học Bách khoa Hà nội luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh bởi lộ trình chuẩn quốc tế và cơ hội việc làm rộng mở. Cùng lắng nghe những chia sẻ của cựu sinh viên Nhà trường để có thêm ý kiến tham khảo trong việc lựa chọn nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội nhé!

Kiều Thị Ánh Tuyết – CSV ngành Công nghệ Dệt May: “Dệt” kiến thức, “may” tương lai 

“Học may mà cũng đi học Đại học làm gì?”

“Học may là học may vá, ngồi cả ngày ở máy may à?”


Đó là những câu hỏi tôi đã từng nhận được khi đăng ký nguyện vọng vào ngành Công nghệ Dệt May, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
Trước khi lựa chọn ngành, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm, đồng thời xin ý kiến tư vấn của các thầy cô tại ngày hội tuyển sinh của Bách khoa Hà Nội, do đó tôi biết rằng, ngành Công nghệ Dệt May là ngành có tiềm năng lớn và cũng là ngành phù hợp với năng lực, sở thích của tôi.
 
z5491344338765 524ad3da9d3dc7abcd9d1aa383ea2cc1
Kiều Thị Ánh Tuyết – CSV ngành Công nghệ Dệt May
Thực tế đã chứng minh sự lựa chọn của tôi là đúng đắn. Học tại Bách khoa Hà Nội, tôi được tiếp cận từ những kiến thức cơ bản như may một sản phẩm cần trải qua những quy trình gì? Vải có cấu trúc như thế nào?... đến học sâu về các ứng dụng chuyên ngành như Gerber, Clo3D, AI,...

Ngoài ra, sinh viên Công nghệ Dệt May cũng được đi thực tập từ sớm qua các chương trình hợp tác của Nhà trường với doanh nghiệp, có cơ hội việc làm từ năm 2, năm 3. Tôi cũng là một trong những sinh viên tìm được công việc thông qua chương trình hợp tác đó. Trong giai đoạn làm đồ án tốt nghiệp, tôi có cơ hội được thực tập tại Công ty TNHH YIC – doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo chuyên dụng công nghệ cao. Hiện nay, tôi đã trở thành nhân viên chính thức của công ty, đảm nhiệm vị trí Nhân viên Quản lý Sản xuất.

Tại công ty tôi đang làm việc, sinh viên Bách khoa Hà Nội được đánh giá rất cao về khả năng tư duy, năng lực học hỏi và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Có nhiều bộ phận nhờ tôi giới thiệu “đồng môn” để vào làm việc nữa đó! 

Cảm ơn Trường Vật liệu, cảm ơn Bách khoa Hà Nội đã trang bị hành trang vững chắc và cho tôi nhiều cơ hội để thức sức bản thân, trưởng thành hơn qua từng ngày. Tôi tự hào là sinh viên Bách khoa Hà Nội!

Đỗ Thị Thu Trà – CSV ngành Kỹ thuật In: Đang làm đồ án, Trường đã “ngắm việc” cho sinh viên!

“Ai nghĩ học Kỹ thuật In là học cách sử dụng máy photocopy thì ngồi xuống tôi kể cho nghe này!

Ngành Kỹ thuật In của Đại học Bách khoa Hà Nội có hai hướng phát triển, đó là Kỹ thuật in và Đồ hoạ Truyền thông. Ngay từ năm nhất đại học, các thầy cô bộ môn đã định hướng cho chúng tôi về lộ trình học tập của mình, đặc biệt, chúng tôi được trải nghiệm tham quan tại doanh nghiệp từ sớm để biết được các vị trí việc làm mà mình có thể ứng tuyển trong tương lai, ví dụ như quản lý hệ thống sản xuất in, quản lý chất lượng sản phẩm in, thiết kế bao bì,... 

Bật mí cho các bạn: Tổng giám đốc Nhà máy in tiền Quốc gia là cựu sinh viên của ngành tôi đó! 
 
z5491344338766 64ba074e0e874a7bc62436c869732d76
Đỗ Thị Thu Trà – CSV ngành Kỹ thuật In
Ngoài ra, những buổi thực hành tại phòng thí nghiệm, tại xưởng cũng giúp tôi càng hiểu sâu hơn về những kiến thức lý thuyết đã được học. Những bài tập lớn, bài tiểu luận,... rèn sinh viên tinh thần tự giác, tính chủ động và đặc biệt là nâng cao kỹ năng tìm tòi nguồn tài liệu mới. Từ đó, chúng tôi có thể năng cao kiến thức, xác định thế mạnh của mình phù hợp hơn với hướng phát triển nào, để tập trung rèn giũa các kỹ năng cần thiết.

Đọc đến đây thì còn ai bảo học Kỹ thuật In chỉ để sử dụng máy photocopy nữa không nhỉ?

Đến giai đoạn làm đồ án, sinh viên sẽ được Nhà trường kết nối với các doanh nghiệp để đi thực tập. Tôi đã nắm bắt cơ hội để phát huy năng lực hết mình, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy tiềm năng của sinh viên Bách khoa Hà Nội và trở thành nhân sự của Công ty TNHH Công nghiệp Hoa Thái.”

Nguyễn Quốc Khánh – CSV ngành Công nghệ vật liệu Polyme & Compozit: Việc làm xịn sò ngay sau khi tốt nghiệp!

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đại học danh tiếng Việt Nam đào tạo về các ngành kỹ thuật mũi nhọn, là ngôi trường có bề dày truyền thống, sinh viên có tinh thần hiếu học cao và cũng là nơi hội tụ của các bạn học sinh xuất sắc cả nước. Vì vậy mà từ hồi còn là học sinh cấp 3 tôi đã có quyết tâm để vào mái trường này. 

Đam mê kỹ thuật từ nhỏ, thường tò mò về cấu tạo các thiết bị thường ngày từ các thiết bị điện tử, đồ dùng dân dụng đến những sản phẩm kỹ thuật cao như chất bán dẫn, vi mạch, UAV, vỏ các thiết bị quân sự công nghệ cao là lý do tôi lựa chọn theo học ngành Công nghệ vật liệu Polyme & Compozit. 
 
z5491344338683 7c321b56358539188b434f16e4a57d0d
Nguyễn Quốc Khánh – CSV ngành Công nghệ vật liệu Polyme & Compozit
Theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được truyền đạt kiến thức từ những người thầy là  “cây đa, cây đề” của ngành, được thực hành trong các phòng nghiên cứu hiện đại, đưa kiến thức học được ra thực tiễn một cách trực quan giúp tôi không bị bỡ ngỡ khi đi làm thực tế. Chương trình học tại Bách khoa Hà Nội cũng luôn được cập nhật theo từng năm theo tiêu chuẩn đào tào thế giới, nhờ đó mà chúng tôi không bị tụt hậu, luôn bắt kịp với xu hướng của ngành.

Với nền tảng kiến thức vững chắc từ Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi trúng tuyển vào vị trí Kỹ sư Công nghệ Vật liệu - Bộ phận UAV của Tập đoàn Viettel ngay sau khi tốt nghiệp. 

Cao Văn Thư – Cựu sinh viên Ngành Kỹ thuật Vật Liệu: Từ Bách khoa Hà Nội vươn ra thế giới

Nhà tôi có truyền thống học Bách khoa, tính sơ cũng có khoảng 5 anh chị em họ từng mặc “long bào”, vì vậy từ ngày còn học cấp 3, tôi đã đặt mục tiêu thi đỗ Bách khoa Hà Nội để tiếp tục thực hiện truyền thống ấy.

Vốn có nền tảng về các môn tự nhiên từ cấp dưới, tôi mạnh dạn “đầu quân” cho ngành Kỹ thuật Vật liệu. Càng học tập, nghiên cứu, tôi càng say mê ngành học của mình. 

Tôi thích những giờ thực hành trong phòng thí nghiệm để phân tích đặc tính của các loại vật liệu. Tôi thích cùng bạn bè mày mò giải những bài toán khó mà thầy cô đưa ra, để rồi tự “vỡ” thêm nhiều kiến thức mới. 
 
MS1 Cao Van Thu
Cao Văn Thư – Cựu sinh viên Ngành Kỹ thuật Vật Liệu
Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là nơi chắp cánh đam mê của tôi, mà còn cho tôi cơ hội để khám phá thế giới. Sau khi hoàn thành xong chương trình đại học, tôi được thầy cô giới thiệu, hướng dẫn để ứng tuyển học bổng du học. Khi tham gia xét duyệt hồ sơ, tôi càng cảm thấy may mắn khi mình là sinh viên Bách khoa Hà Nội, bởi một số giáo sư nước ngoài đã có ấn tượng tốt hơn khi biết tôi là sinh viên Nhà trường.

Ngày vẫn là HUSTer, tôi không quá chú ý đến chương trình học nhưng khi đi du học thạc sĩ tại Trường Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) tôi mới thấy những kiến thức mà mình đã được tiếp thu tại Bách khoa Hà Nội rất đầy đủ và không có nhiều khác biệt với trường hiện tại. Đó cũng là lý do giúp tôi không gặp khó khăn gì trong quá trình học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, và càng thêm trân trọng khoảng thời gian quý giá khi còn học tại Bách khoa Hà Nội. 

Nguyễn Khánh Huyền – Cựu sinh viên Chương trình Tiên tiến Khoa học và Kỹ thuật Vật Liệu: Bước đệm chinh phục học bổng danh giá

Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã rất hứng thú với máy móc và lắp ghép mô hình lego. Vì vậy, tôi đã nuôi dưỡng đam mê trở thành kỹ sư và quyết tâm thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội - nơi đào tạo kỹ sư hàng đầu Việt Nam. Mỗi ngành học ở Bách khoa Hà Nội đều có sức hấp dẫn riêng nhưng lựa chọn ngày đó của tôi là ngành Khoa học và Kỹ thuật Vật Liệu. Khoa học vật liệu là nền tảng phát triển của những ngành khoa học khác, việc nghiên cứu những nguyên lý hoạt động từ những phần tử nhỏ nhất của vật liệu đến ứng dụng nghiên cứu vào thực tế là điều hấp dẫn tôi theo đuổi ngành học này. 

Ở Bách Khoa, các bạn sinh viên đều mang trong mình năng lượng và mục tiêu mạnh mẽ, tôi đã học hỏi và tự thúc đẩy bản thân rất nhiều trong môi trường toàn "siêu nhân" này. Trong quá trình học tập, thầy cô Trường Vật Liệu như những người chỉ đường giúp tôi đi đúng hướng, tận dụng được nguồn lực của bản thân để đi xa trên con đường sự nghiệp sau này.
 
c41d352ae1c1419f18d0
Nguyễn Khánh Huyền – Cựu sinh viên Chương trình Tiên tiến Khoa học và Kỹ thuật Vật Liệu
Cũng nhờ sự giới thiệu của giảng viên hướng dẫn, tôi có cơ hội tham gia chương trình trao đổi khoa học Sakura tại Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản. Thông qua chương trình này, tôi hiểu rõ hơn về mục đích của bản thân khi tham gia nghiên cứu và xây dựng lộ trình cho việc học lên cao. Sau này, tôi đã giành được học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản (MEXT) cho bậc Thạc sĩ nghiên cứu ngành Khoa học vật liệu. 

Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn và may mắn khi nhận được sự hỗ trợ tận tình của Thầy, Cô trong Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội trong quá trình apply học bổng này. Sau khi kết thúc khoá học thạc sĩ tại Nhật, tôi đạt học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Vật lý IEMN, University of Lille tại Pháp. Tôi rất hi vọng vào những điều thú vị trong những năm học tiến sĩ tới đây!

Ảnh: NVCC

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây