“Bách khoa Hà Nội - điểm khởi đầu may mắn của tôi!”

Thứ tư - 05/02/2025 19:00
PGS. Lê Minh Thuỳ - Giảng viên Trường Điện - Điện tử, ĐHBK Hà Nội. Ảnh: Kim Chi
PGS. Lê Minh Thuỳ - Giảng viên Trường Điện - Điện tử, ĐHBK Hà Nội. Ảnh: Kim Chi
Đây là chia sẻ của PGS. Lê Minh Thùy - Giảng viên Trường Điện - Điện tử, 1 trong 3 nhà giáo tiêu biểu của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024. Hơn 10 năm công tác tại Đại học, PGS. Lê Minh Thuỳ luôn kiên định con đường mình đã chọn, âm thầm chứng minh bằng rất nhiều công trình khoa học thành công và không ít giải thưởng danh giá.

Khi điểm bắt đầu là đích đến

Cô giáo Lê Minh Thuỳ là CSV K46 Kỹ thuật đo và Tin học Công nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là 1 trong 3 ngành thuộc Chương trình Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử).

Lần đầu tiên xa gia đình, cô sinh viên Minh Thuỳ sống cùng 9 người bạn đến từ các tỉnh thành khác nhau trong căn phòng KTX nhà B13. “Tôi còn nhớ như in những ngày tháng sinh viên sôi động, cả phòng 107 chúng tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói.”

Ngày ấy, Học viện Kỹ thuật Quân sự gửi học viên sang Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo. Tình cờ thấy nhóm bạn 10 cô gái thân “con chấy cắn đôi”, mấy anh bộ đội phòng 302 ngỏ ý muốn làm quen. Hai nhóm kết nghĩa “huynh đệ”, định kỳ họp hội 2 tuần/lần và khi có dịp sinh nhật.

Kết thúc khoá học, một số “cạ cứng” về lại Học viện, vài anh khác được cử đi học ở Nga (Liên Xô) – vẫn viết thư tay gửi thương nhớ tới các nàng 107. Từ sợi dây tình cảm đó, có cặp nên vợ chồng. Đến bây giờ nhóm kết nghĩa 107 – 302 vẫn í ới gọi nhau mỗi khi có dịp, thỉnh thoảng lại “lên kèo” tụ họp.

Kể về kỷ niệm hồi đi học, cô Thuỳ sôi nổi như trở lại làm cô sinh viên tuổi 20. Những ngày tháng ấy không chỉ mang lại cho cô tình bạn đáng quý mà còn là động lực để cô phấn đấu trở thành phiên bản tốt hơn, truyền cảm hứng giúp cô học tập cho bằng bạn bằng bè!

“Ngày ấy, nhìn bạn du học mà “thèm”, tôi quyết tâm cũng phải ra thế giới để mở mang tầm mắt!” – Nói được, làm được, học xong Thạc sĩ tại Bách khoa, cô Thuỳ xuất ngoại, nhận học bổng làm nghiên cứu sinh tại Pháp.

Xuất phát từ Bách khoa và trở về với mong muốn duy nhất: Cống hiến cho Bách khoa – Điểm bắt đầu cũng là đích đến của sự nghiệp và cả hạnh phúc riêng! Năm 2013, tân Tiến sĩ Lê Minh Thuỳ chính thức trở thành giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
z6067838218737 9452fb13622f73729b8ca6176e2a7c95
Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội Lê Minh Thuỳ trong lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên
“Tôi mong vai trò nữ giới trong NCKH sẽ được nâng cao”

Giống bao thầy, cô giáo Bách khoa, PGS. Minh Thuỳ luôn cố gắng hỗ trợ sinh viên phát huy tốt nhất năng lực của mình.

Tại nhóm RF3i – thuộc Lab Cảm biến do cô Thuỳ quản lý và hướng dẫn trực tiếp, các dự án thường được chia nhỏ, từng sinh viên được cô giáo nhìn ra sở trường, năng lực để sắp xếp vị trí, phát huy thế mạnh của từng cá nhân để tạo nên sức mạnh của tập thể.

“Anh em kỹ thuật luôn dùng bộ não logic như siêu máy tính tìm ra cách giải quyết vấn đề nhanh, gọn, lẹ. Còn các bạn nữ lại có đôi mắt tinh tường như thám tử Sherlock Holmes, ít khi bỏ lỡ các kết quả bất thường có thể xảy ra trong thí nghiệm.” – Cô giáo Minh Thuỳ phân tích.

Mỗi năm, nhóm RF3i có khoảng 10 thành viên mới gia nhập, trong đó chỉ có 1-2 bạn nữ. Có lẽ bởi số lượng ít ỏi nên cô Thuỳ có phần để ý các bạn nữ hơn một chút – “chỉ một chút thôi!” – cô giáo Bách khoa nhấn mạnh. Ấy vậy mà thỉnh thoảng, cô vẫn bị sinh viên nam “hờn”: Cô ưu tiên “sắn” hơn chúng em!

Dù nữ giới chiếm gần nửa dân số toàn cầu nhưng chưa đến 30% nhà nghiên cứu trên thế giới trong lĩnh vực của cô là phụ nữ. “Tôi mong vai trò của nữ giới trong NCKH sẽ được nâng cao hơn!” – PGS. Lê Minh Thuỳ tâm sự.

Năm 2023, cô Minh Thuỳ dẫn dắt 5 sinh viên nữ nghiên cứu thu hoạch năng lượng, chế tạo thiết bị đo độ ẩm trong lòng đất với cảm biến không dây tự chủ năng lượng phục vụ nông nghiệp chính xác.

Tình cảm trân trọng, tin yêu cô Thuỳ dành cho các sinh viên của mình đã được đền đáp xứng đáng. Kết quả nghiên cứu xuất sắc của cô - trò đã giúp PGS. Lê Minh Thuỳ đạt Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2023 của Quỹ Toàn cầu Hitachi!

Nhà đôi lúc là... công sở mini

Nhiều người biết cô Thùy có những nghiên cứu về thu hoạch năng lượng, hay nói đùa gia đình cô chính là nguồn sạc, nạp đầy pin cho cô mỗi sáng đến Đại học. Nghe nhận xét như vậy, cô giáo Bách khoa hạnh phúc lắm.

Cô Thuỳ bộc bạch, cô may mắn khi có sự ủng hộ lớn từ gia đình, đặc biệt là sự hỗ trợ và cảm thông từ người bạn đời - cũng là đồng nghiệp cùng lab tại Trường Điện - Điện tử - PGS. Nguyễn Quốc Cường.
 
z6067838218616 3274fff378e8bba783a67af6441025ae
PGS. Lê Minh Thuỳ, PGS. Nguyễn Quốc Cường cùng các học trò nhóm RF3
“Ở nhà, anh là trụ cột gia đình. Trong công việc, anh chính là người thầy của tôi. Việc gì khó, có thầy Cường!” – PGS. Lê Minh Thuỳ mắt cười vòng cung khi nhắc đến chồng. Nghe cô tự hào kể về người thương, lại tưởng tượng ra gia đình nhỏ của cô Thùy thỉnh thoảng như một công sở mini, để đôi khi trăn trở về công việc cơ quan, về nhà là cô được “chuyên gia chồng” tháo gỡ!

Một số nghiên cứu của PGS. Thuỳ đã và đang triển khai từ ý tưởng chồng gợi ý – một nhà khoa học luôn giấu mặt hỗ trợ cô hết mình: Thiết bị đo độ ẩm trong lòng đất; Hệ thống theo dõi người bệnh từ xa; Trợ lý giấc ngủ thông minh...

Kể về mình, câu PGS. Lê Minh Thuỳ hay nói là “tôi may mắn”: May mắn nhận học bổng du học; may mắn có thành công trong nghiên cứu; may mắn được ghi nhận với những giải thưởng danh giá; may mắn có điểm tựa vững chắc là gia đình, may mắn có nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ; may mắn có học trò chăm ngoan, thông minh...

“Tất cả những thành công mà tôi đạt được đều nhờ sự hậu thuẫn của Bách khoa.” - Cô Thuỳ khẳng định. Có thể, Bách khoa Hà Nội là điểm khởi đầu để cô gặt hái “may mắn”, nhưng chắc chắn sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà giáo, nhà khoa học Lê Minh Thùy mới là yếu tố quyết định cho những thành công hôm nay.
 

* 2 vấn đề xuyên suốt trong hoạt động nghiên cứu của PGS. Lê Minh Thùy là: Thiết kế các giải pháp phần cứng và các khối truyền - nhận không dây tiêu thụ công suất thấp; Nghiên cứu giải pháp thu hoạch năng lượng từ các nguồn sóng để cấp nguồn cho các thiết bị không dây, tiến tới xu hướng không sử dụng pin.

* PGS. Thuỳ đã công bố 101 bài báo khoa học, trong đó có 34 bài đăng trên tạp chí ISI; chủ nhiệm và hoàn thành nghiệm thu 4 đề tài đạt loại xuất sắc cấp Cơ sở và cấp Bộ GD&ĐT, 1 đề tài quốc tế, có 6 bài báo đạt giải bài báo xuất sắc tại các hội nghị trong và ngoài nước. Cô là thành viên trong Hội đồng xét duyệt đề xuất nghiên cứu của quỹ Anten và truyền sóng IEEE-Sight toàn thế giới.

* PGS. Lê Minh Thùy là 1 trong 3 Nhà giáo tiêu biểu cấp Đại học năm 2024; nhận Bằng khen cấp Bộ GD&ĐT năm 2023, Bằng khen của Hội Nữ trí thức Việt Nam cho nữ khoa học trẻ có thành tích xuất sắc trong NCKH năm 2022 - 2023; đạt Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2023 của Quỹ Toàn cầu Hitachi, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ GD&ĐT năm 2020...
 

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây