Thầy giáo Bách khoa nghiêm khắc bằng tình yêu và sự động viên

Thứ ba - 18/02/2025 19:15
PGS. Đào Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
PGS. Đào Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
Trò chuyện với PGS. Đào Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, mãi ấn tượng về quan điểm của thầy trong việc giáo dục sinh viên: Nên nghiêm khắc bằng tình yêu, động viên mà vẫn công bằng. Đặc biệt, thầy rất thích sinh viên đặt câu hỏi, càng hỏi khó thầy càng thích, bởi đó là động lực thúc đẩy thầy học hỏi không ngừng.

Năm 1997, cậu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Đào Thanh Bình xuất sắc nhận học bổng Chính phủ, sang Liên bang Nga theo học Đại học Quản lý Quốc gia với mục tiêu tiếp thu tri thức thế giới đem về Việt Nam giảng dạy.

Sau 13 năm học tập, làm việc tại Nga, năm 2010, TS. Đào Thanh Bình bắt đầu sự nghiệp “trồng người” tại Bộ môn Quản lý Tài chính thuộc Khoa Kinh tế - Quản lý (nay là Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội).

Thầy “nhập vai phản diện”, sinh viên vẫn yêu!

“Chắc sinh viên nghĩ tôi khó tính lắm!” - PGS. Đào Thanh Bình nhận xét bản thân là người cầu toàn, nghiêm túc trong công việc, không quên đưa ra vài minh chứng cụ thể:

Để sinh viên thay đổi cách học thụ động mà chủ động nêu lên quan điểm của mình, PGS. Đào Thanh Bình từng dành trọn 2 ngày kiểm tra vấn đáp 2 lớp sinh viên ngành Quản trị Tài chính kế toán K51, học phần Kiểm toán cơ bản. Đó cũng là môn học đầu tiên thầy đứng lớp;
 
z6028801415203 fc359252469c72965c228badd747aa70
PGS. Đào Thanh Bình vấn đáp sinh viên năm 2011
Muốn truyền đạt thêm cho sinh viên những kiến thức không nằm trong giáo trình, đôi khi thầy Bình quên mất tiếng chuông nghỉ giữa giờ, dạy liền mấy tiết học;

Nâng cao tư duy phản biện của sinh viên, giảng viên Kinh tế Bách khoa khuyến khích học trò “cãi” thầy, nhấn mạnh: “Thầy, cô giáo chưa chắc đã đúng 100%” - Trong các tình huống, sinh viên phải hiểu sâu bản chất của vấn đề, không nên “học vẹt”.

Thầy Bình chia sẻ: “Tôi nguyện làm một thầy giáo nghiêm khắc bằng tình yêu, sự động viên và công bằng, chỉ cần sinh viên thành tài!”

Có lẽ, sinh viên cũng nghe được “tiếng lòng” của thầy nên dù thầy có “nhập vai phản diện” trong các giờ thi, hay hỏi “vặn” học trò khi kiểm tra đột xuất, học trò vẫn hiểu đó là vì thầy muốn họ mau trưởng thành. PGS. Đào Thanh Bình luôn là một người thầy nhiệt tâm, giàu cảm hứng, được nhiều thế hệ sinh viên kính trọng và yêu mến.

Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Bình - K64 ngành Tài chính - Ngân hàng - được thầy Bình giảng dạy 2 môn Tài chính doanh nghiệp, Kiểm toán cơ bản và hướng dẫn thực hiện khoá luận tốt nghiệp. CSV Bách khoa nhận xét thầy giáo bằng 3 tính từ: Tận tình - Tỉ mỉ - Tâm huyết. “Tôi vô cùng biết ơn thầy Đào Thanh Bình! Thầy hướng dẫn tôi và các bạn rất tận tình, hỏi tiến độ thường xuyên và dặn dò, chữa từng lỗi chính tả, lỗi trình bày trong bài”, cô gái chia sẻ.

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2023 - Phạm Ngọc Sơn - cũng khẳng định: “Khi dạy học, thầy Bình luôn nghiêm túc và hết mình. Thầy ảnh hưởng đến tôi nhiều lắm!”

Sự thành công của sinh viên chính là thành công của người thầy. Đó cũng là động lực để PGS. Đào Thanh Bình hun đúc ngọn lửa nghề, tiếp tục đào tạo nên những thế hệ sinh viên xuất sắc tiếp theo của Bách khoa Hà Nội.

Vừa giảng dạy, nghiên cứu, vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quản lý

Bên cạnh công tác giảng dạy, PGS. Đào Thanh Bình cũng say sưa NCKH. Các đề tài của thầy giáo Kinh tế Bách khoa đi theo định hướng: Quản lý tài chính, kế toán trong quản trị doanh nghiệp; Quản lý kinh tế trên cơ sở chính sách tài chính, tiền tệ và hoạt động của các định chế tài chính...

Đặc biệt, thầy Bình quan tâm đến hướng nghiên cứu đưa tư duy doanh nghiệp vào quản lý và vận hành trong đại học, đã triển khai một số bài báo khoa học, thực hiện 1 đề tài cấp Bộ liên quan đến kiểm soát nội bộ trong đại học.

Với kiến thức học tập và kinh nghiệm làm việc tích lũy tại nước ngoài, thầy Bình tham gia đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng các học phần chuyên sâu từ những năm đầu công tác. Thời điểm thầy Bình mới về Bách khoa, các chương trình kỹ sư Kinh tế đang chuyển đổi mô hình đào tạo từ 5 năm xuống 4 năm, ngành Quản trị Tài chính - Kế toán được tách thành 2 ngành - ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Kế toán. Theo PGS. Đào Thanh Bình, mô hình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với GDĐH Nga và nhiều đại học lớn trên thế giới: Đều đào tạo đa ngành và đều gắn các ngành kỹ thuật với kinh tế.

Mong muốn sinh viên Kinh tế Bách khoa có thêm nhiều cơ hội vươn ra thế giới, PGS. Đào Thanh Bình tích cực kết nối với các tổ chức nghề nghiệp toàn cầu như: CPA Australia, ACCA, ICAEW...

Thầy Bình là một trong những giảng viên Bách khoa góp phần đưa chương trình đào tạo Kế toán và Tài chính - Ngân hàng tham gia hoạt động kiểm định của CPA Australia - một trong những tổ chức nghề nghiệp về kế toán lớn nhất thế giới. Nhờ đó, sinh viên Bách khoa theo học 2 ngành trên sẽ được miễn 6 môn ở cấp độ cơ bản khi tham gia học chứng chỉ CPA Australia.

Với những cống hiến cùng năng lực được khẳng định sau nhiều năm công tác, tháng 7/2024, PGS. Đào Thanh Bình được lãnh đạo Đại học tin tưởng bổ nhiệm giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
20240802 cbo 9127
PGS. Đào Thanh Bình (thứ ba từ phải sang) nhận quyết định bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế từ lãnh đạo Đại học
Đảm nhiệm trọng trách mới, thầy Bình đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo của Trường Kinh tế; quan tâm công tác sinh viên; đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy và học theo mô hình kết hợp B-Learning, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục.

Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Bình khẳng định sẽ cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Kinh tế tận tâm, nỗ lực không ngừng vì sự phát triển của Trường Kinh tế nói riêng, của Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung, phát huy hơn nữa phẩm chất người Bách khoa: Trách nhiệm - Sáng tạo - Chính trực - Xuất sắc.
 
“Ở Bách khoa, tôi được học những kiến thức không có trong sách vở!”

“Tôi không chỉ là giảng viên, tôi còn là một học viên - Tôi học từ đồng nghiệp, đối tác, và từ chính sinh viên của mình. Đồng nghiệp, sinh viên đã dạy tôi những thứ không sách vở nào dạy được!

Từ những ngày đầu tiên gắn bó với Bách khoa, khi kỹ năng sư phạm chỉ là con số 0, tôi đã học hỏi từ những người đồng nghiệp của mình với suy nghĩ: Mọi người làm được thì mình cũng làm được! Hơn 1 thập kỷ giảng dạy, nghiên cứu, các thầy, cô giáo Bách khoa đã cho tôi rất nhiều lời khuyên hữu ích.

Sinh viên Bách khoa thẳng thắn và cầu thị, các em luôn mang đến những góc nhìn mới mẻ và đầy sáng tạo. Các bạn hay hỏi, đặc biệt càng hỏi khó thì tôi càng thích, bởi những câu hỏi ấy sẽ thôi thúc giảng viên không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức để có thể giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên.”

 
PGS. Đào Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây