Có một thế giới thu nhỏ tại Bách khoa

Chủ nhật - 16/02/2025 19:00
Có một thế giới thu nhỏ tại Bách khoa
Quốc tế hóa là chiến lược quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, mở rộng cơ hội hợp tác, thu hút sinh viên quốc tế, đưa Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được khẳng định tại Nghị quyết số 29-NQ/ TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. 

Những con số ấn tượng: 2, 10, 44

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, chất lượng giáo dục của Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt được những bước tiến đáng kể. Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và dịch vụ hỗ trợ đào tạo không ngừng được nâng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Song song với đó, công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định được đẩy mạnh, đạt chứng nhận bởi nhiều tổ chức quốc tế uy tín.

Theo PGS. Lê Huy Tùng - Phó Trưởng ban Quản lý Chất lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội, kiểm định chất lượng giáo dục là quá trình liên tục, lâu dài. Trong đó, việc lựa chọn tổ chức kiểm định uy tín rất quan trọng, bởi mỗi tổ chức sẽ có bộ tiêu chuẩn riêng phù hợp với chiến lược phát triển theo từng giai đoạn khác nhau của Nhà trường.

“Sau khi lựa chọn tổ chức kiểm định, Nhà trường sẽ tiến hành làm việc với tổ chức để hiểu rõ về các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá, sau đó tiến hành tự đánh giá. Tiếp theo, tổ chức kiểm định sẽ triển khai các hoạt động khảo sát sơ bộ, khảo sát chính thức phục vụ hoàn thiện báo cáo đánh giá ngoài. Qua quá trình này, Nhà trường sẽ nhận được báo cáo đánh giá, góp ý và khuyến nghị từ tổ chức kiểm định để từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến phù hợp. Cuối cùng là thẩm định kết quả đánh giá và công nhận tiêu chuẩn chất lượng giáo dục" - PGS. Lê Huy Tùng mô tả khái quát quy trình kiểm định.
 
Bìa (1)
Đại diện HCERES tham quan PTN Đại học Bách khoa Hà Nội (tháng 11/2023). Ảnh: Duy Thành
Tháng 3/2017, Đại học Bách khoa Hà Nội được Tổ chức kiểm định HCERES (Cộng hòa Pháp) đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm, từ 2017 đến 2022. Tháng 4/2024, Đại học Bách khoa Hà Nội đạt chứng nhận kiểm định chu kỳ 2 về kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục từ HCERES, công nhận Nhà trường đã đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế. Hai lần Đại học Bách khoa Hà Nội nhận Chứng nhận kiểm định châu Âu HCERES là minh chứng Nhà trường đã đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế theo bộ tiêu chuẩn của HCERES với 3 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn,122 tiêu chí. Với công tác kiểm định CTĐT, tính đến nay, Nhà trường có 44 CTĐT đạt chứng nhận chất lượng của các tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế như AUN-QA, CTI, ASIIN.

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung kiểm định 10 CTĐT theo tiêu chuẩn AQAS. Các tài liệu hướng dẫn và hồ sơ tự đánh giá đã hoàn thiện. Những cải tiến sơ bộ theo khuyến nghị của AQAS đang được thực hiện để chuẩn bị cho đợt đánh giá ngoài vào tháng 2/2025.

Những nỗ lực này tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bách khoa trong việc hội nhập và phát triển, góp phần nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.

Kiến tạo môi trường học tập, nghiên cứu hội nhập toàn cầu

Song song với việc xây dựng CTĐT chuẩn quốc tế, Bách khoa Hà Nội đã và đang kiến tạo môi trường học tập hội tụ đa dạng các nền văn hóa khác nhau, tạo sự giao thoa về ngôn ngữ, lối sống, tư duy của cán bộ, sinh viên trong nước và quốc tế.

Nhà trường đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương nhằm thúc đẩy trao đổi sinh viên, giảng viên, thu hút các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên xuất sắc đến làm việc và học tập tại Bách khoa Hà Nội.

Năm 2024, số lượng giảng viên quốc tế đến trao đổi tại Bách khoa tăng 22%. Sinh viên quốc tế tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn và dài hạn tại Bách khoa tăng 11% với 121 sinh viên.

Đại học Bách khoa Hà Nội đang trở thành địa chỉ thu hút ngày càng nhiều sinh viên, giảng viên quốc tế bằng chất lượng giáo dục uy tín và môi trường học tập thân thiện.

Withanage Mayomi Chandima Dulanji - CSV K64, Trường Điện - Điện tử là lưu học sinh người Sri Lanka - ấn tượng nhất khi theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội là môi trường học tập thân thiện và luôn hỗ trợ lẫn nhau. Trong lễ tốt nghiệp tháng 5/2024, Withanage Mayomi Chandima Dulanji vinh dự là một trong những sinh viên đại diện lên phát biểu: “Dù đi đến đâu, đây mãi là ngôi trường, là gia đình thứ hai của tôi, để tôi tự hào nói: Tôi là sinh viên Bách khoa Hà Nội.”

Không chỉ kiến tạo môi trường học tập đa văn hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội còn tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên Nhà trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu.

Tại Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, hàng tháng, đơn vị sẽ tổ chức một seminar mở với host là giảng viên/chuyên gia/ nhà nghiên cứu nước ngoài. Chủ đề được triển khai đa dạng, xoay quanh trải nghiệm nghiên cứu tại các quốc gia, kinh nghiệm học tập… tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên Bách khoa tham gia lắng nghe, thảo luận, tích luỹ tri thức thế giới.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng phát triển các nhóm nghiên cứu hỗn hợp gồm giảng viên Bách khoa và các giảng viên, cán bộ nghiên cứu quốc tế, tạo động lực để triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu chung hiệu quả hơn trong cả trao đổi học thuật, thông tin nghiên cứu và công bố khoa học.
 
Bìa (2)
Sinh viên quốc tế kỳ Thu năm 2024 chụp ảnh kỷ niệm trước Tòa nhà Tạ Quang Bửu
Năm 2024, với việc tăng số lượng dự án quốc tế, phát triển mô hình phòng thí nghiệm liên kết và hợp tác chiều sâu trong mạng lưới các đại học quốc tế, số lượng cán bộ, giảng viên trao đổi nghiên cứu tăng 12% so với năm trước. Số lượng giảng viên trao đổi học thuật, báo cáo seminar khoa học tại các đơn vị chuyên môn tăng 24%.

Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài và thành lập các trung tâm nghiên cứu hỗn hợp. Có thể kể đến: Dự án INBERBON với Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản); Hub nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo - AI4LIFE với Đại học Công nghệ Sydney (Úc)... Đây là những minh chứng khẳng định vai trò tiên phong của Bách khoa Hà Nội trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu
xuất sắc.

Bách khoa Hà Nội không chỉ cố gắng đưa sinh viên, giảng viên vươn ra thế giới mà còn mang một thế giới thu nhỏ về Bách khoa, giúp người Bách khoa hoà nhập vào làn sóng hội nhập quốc tế. Thế giới nhỏ này đã trở thành bước đệm giúp sinh viên tự tin bước tới thế giới lớn trong tương lai; giúp giảng viên trau dồi, nâng cao trình độ; từng bước đưa Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới..

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây