“Gia tài” độc nhất vô nhị của cựu giáo chức Bách khoa Hà Nội

Thứ ba - 19/11/2024 22:00
GS. Đặng Thị Thu và con gái - PGS. Trương Thu Hương
GS. Đặng Thị Thu và con gái - PGS. Trương Thu Hương
Ở tuổi 78, GS. NGƯT Đặng Thị Thu vẫn thường nhớ về những ký ức hơn 40 năm giảng dạy dưới mái trường Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi cô đã gắn bó, cống hiến hơn nửa cuộc đời. GS. Đặng Thị Thu gọi những ký ức đó là “gia tài”, là tài sản quý giá lưu giữ trong trái tim để luôn trân quý và hoài niệm. 

GS. Đặng Thị Thu nguyên là Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (nay là đơn vị thuộc Trường Hóa và Khoa học sự sống).

Trong hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy, NCKH, nhà giáo Đặng Thị Thu nhiều lần vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục của Bộ GD&ĐT, Huy chương Vì Sự nghiệp Khoa học và Công nghệ của Bộ KHCN; Đồng tác giả của 2 Bằng Sở hữu Trí tuệ cho 2 giải pháp hữu ích… cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen ý nghĩa khác.

“Ngày đầu lên lớp, tim tôi đập như trống làng!”

GS. Đặng Thị Thu sinh ra tại Bình Định. Năm 1954, cô được Nhà nước cho tập kết ra miền Bắc theo tiêu chuẩn con em cán bộ và bộ đội. GS. Thu học từ cấp 1 đến hết cấp 3 tại Hải Phòng, sau đó lên Hà Nội học đại học.

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp, GS. Thu bắt đầu hành trình làm nghề giáo của mình tại Bách khoa Hà Nội. Đó là những năm tháng đầu tiên khoa Công nghệ Thực phẩm và Dệt may tách thành Trường ĐH Công nghiệp nhẹ. 

Thỉnh thoảng, lần giở ký ức 55 năm trước, nhà giáo về hưu lại nhớ về lần đầu đứng lớp của cô gái 23 tuổi Đặng Thị Thu - khi ấy là giảng viên môn Hóa sinh Công nghiệp – môn học cơ sở cho sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm và ngành Công nghệ Sinh học. “Trước khi lên lớp, tôi phải học thuộc bài giảng để nhỡ chẳng may phải chạy sơ tán, thất lạc giáo án thì trong đầu vẫn có chữ để dạy cho sinh viên!” - Nhà giáo hồi tưởng.

Đặc thù môn Hóa sinh Công nghiệp có rất nhiều công thức và rất khó nhớ, may mắn cô Thu được các thầy cô tiền bối động viên, chỉ bảo tận tình nên nắm bắt công việc nhanh chóng. Nhưng cô Thu cũng phải mất cả tuần chuẩn bị cho tiết học đầu tiên. Ấy vậy mà bước vào lớp, nhìn thấy sinh viên, cô hồi hộp, tim đập nhanh như đánh trống. Cô Thu bảo: “Dạy sai, học trò bắt lỗi thì xấu hổ lắm!”. 

Giảng dạy, học tập trong thời chiến chưa bao giờ là điều dễ dàng. Năm 1972, nghe tin Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, thầy trò sơ tán về Hưng Yên, rồi lên Việt Trì. Khói lửa đi qua, thầy trò cùng nhau quay lại Thủ đô, dọn dẹp trường lớp, tiếp tục dạy và học. 

Với GS. Đặng Thị Thu, những năm đầu làm nghề là những năm tháng khó khăn, vất vả nhất, nhưng cũng là khoảng thời gian quý giá không thể nào quên. 

Vừa giảng dạy, NCKH, vừa … trồng khoai lang, rau cải, rau muống 

Đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại, GS. Thu tiếp tục hăng say lên lớp. Cô Thu giảng dạy các môn: Hóa sinh Công nghiệp, Công nghệ Enzyme, Công nghệ Protein, Động học Enzyme, … cho sinh viên Công nghệ Thực phẩm. Ngoài ra cô tham gia giảng dạy môn Công nghệ sinh học cho ngành Hoá dầu, Hoá dược, Polyme…

GS. Đặng Thị Thu cũng có cơ hội tiếp cận sâu hơn với con đường nghiên cứu. GS tập trung theo đuổi 2 hướng chính về công nghệ enzyme và công nghệ protein. 

Đi qua những khó khăn, vất vả, GS. Thu càng trân trọng thời bình, càng phấn đấu để góp công sức nhỏ bé vào sự phát triển của nền giáo dục và khoa học nước nhà. 
 
625883401a9da1c3f88c
GS. Đặng Thị Thu (bìa phải) và thầy cô Viện CNSH-CNTP đón Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm phòng thí nghiệm tại ĐHBK Hà Nội (năm 2001)
Ban đầu, trang thiết bị nghiên cứu còn hạn chế, mỗi phòng thí nghiệm chỉ có vài dụng cụ cơ bản nhưng cô trò GS. Thu vẫn hăng say, miệt mài nghiên cứu. Có thời điểm, cô gần như ở trường toàn thời gian để lên lớp, nghiên cứu, thi thoảng cùng đồng nghiệp tăng gia sản xuất. 

“Trước Hội trường C2, chúng tôi từng trồng khoai lang đấy! Chỗ đất trống đối diện tòa C4 ngày trước cũng được chúng tôi trồng rau cải, rau muống. Thời ấy vất vả, mà vui!”

Về sau, ngành Công nghệ Sinh học được Nhà nước ưu tiên phát triển phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trang thiết bị cũng dần được nâng cấp hiện đại hơn, một số đề tài trọng điểm cũng được Bộ, ban, ngành và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. 

Hơn 40 năm làm nghề, GS. Đặng Thị Thu chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài khoa học các cấp: Cấp Nhà nước, cấp Bộ GD&ĐT và cấp Sở KH&CN Hà Nội. 

GS. Thu còn tham gia viết sách, là chủ biên của các giáo trình chuyên ngành.

Tự hào trường xưa phát triển, trò cũ thành tài, F1 tinh hoa!

Mỗi dịp năm mới, 15/10 kỷ niệm thành lập trường hay ngày “Tết Nhà giáo” 20/11, GS. Thu và các thầy cô cựu giáo chức đều được Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm gửi lời mời trân trọng, trở về ôn lại kỷ niệm nơi mái trường xưa. Mỗi dịp như vậy, GS. Thu đều vui mừng về sự đổi thay so với những năm tháng cô còn công tác: “Bên cạnh gốc cây xưa quen thuộc, đã “mọc” lên những công trình khang trang, hiện đại. Tôi mừng vì ngôi nhà lưu giữ tuổi thanh xuân tôi đã khoác lên mình bộ cánh mới lộng lẫy hơn!”

Nhìn lại sự nghiệp của mình, điều GS. NGƯT Đặng Thị Thu tự hào nhất không phải là những giải thưởng, danh hiệu đã nhận được, mà là thấy ngôi trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện CNSH-CNTP ngày càng phát triển, học trò cũ nay đã thành tài.

Nhẩm tính số lượng sinh viên, học viên GS. Thu từng giảng dạy, phải lên cả 4 chữ số! Từ Bắc vào Nam, cô đi đâu cũng gặp trò xưa và vui mừng hơn là họ đều thành đạt. Có người làm chủ doanh nghiệp, có người là lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành, trường, khoa, viện và có cả những học trò theo nghề thầy, đạt chức danh GS, PGS.

Nhưng có lẽ, học trò GS. Thu tự hào nhất là người cô đã dày công dạy dỗ từ bước đi đến nét chữ đầu tiên: Con gái cô - PGS. Trương Thu Hương, Giảng viên Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Mẹ tôi rất yêu nghề, yêu trường nên định hướng cho con gái vào Bách khoa Hà Nội. Tôi còn nhớ mẹ nói với tôi: Kỹ thuật là cái gốc, đi đâu cũng không đói được!” - PGS. Trương Thu Hương chia sẻ lý do nối nghiệp mẹ. 
 
547cd0854c58f706ae49
Đại gia đình GS. Đặng Thị Thu 
Được mẹ truyền tình yêu nghề, tình yêu Bách khoa Hà Nội, PGS. Trương Thu Hương trở thành thế hệ người Bách khoa F1 nối nghiệp mẹ, giảng dạy và nghiên cứu cống hiến cho sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội, góp phần phát triển nền giáo dục, KH-CN nước nhà!

Ở tuổi 78, GS. Đặng Thị Thu vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh, vẫn đọc báo, xem truyền hình để dõi theo sự phát triển hàng ngày của Bách khoa Hà Nội. Thi thoảng, cô lại hỏi con gái xem trường có tin gì “hot” không, có nhận thêm giải thưởng nào danh giá không. Với GS. Đặng Thị Thu, những tin tức đó làm tăng thêm niềm tự hào và cũng là để làm giàu thêm “gia tài” hơn 40 năm tuổi: Gia tài ký ức về Bách khoa Hà Nội!

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây