Ước nguyện ngày tốt nghiệp của giảng viên nguồn Bách khoa: Xin được gọi thầy là cha!

Thứ ba - 19/11/2024 05:00
Nguyễn Thị Dung và thầy giáo – PGS. Phạm Văn Sáng – Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, ĐHBK Hà Nội
Nguyễn Thị Dung và thầy giáo – PGS. Phạm Văn Sáng – Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, ĐHBK Hà Nội
Lễ tốt nghiệp năm 2022, lần đầu tiên, Nguyễn Thị Dung, CSV K62, ngành Cơ khí hàng không Chương trình Chất lượng cao Việt – Pháp, PFIEV, Trường Cơ khí chụp ảnh với thầy giáo của mình - PGS. Phạm Văn Sáng. Nhận lời chúc mừng của thầy cùng nụ cười ấm áp, Dung cứ cảm động rưng rưng - “Thiếu vắng tình cảm của cha từ nhỏ, giây phút đó, tôi cảm giác như đang chụp ảnh với cha mình vậy.” Cười chụp ảnh với thầy xong, Dung bật khóc…

Cô gái có dáng người nhỏ nhắn Nguyễn Thị Dung vốn là học sinh chuyên Toán Trường THPT Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ Dung là giáo viên mầm non, một mình vất vả nuôi dạy Dung khôn lớn. Thương mẹ, Dung chỉ mong tốt nghiệp đại học đi làm ngay để báo hiếu mẹ. Cô gái quyết tâm và thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội để hiện thực hóa mong ước này. 5 năm học ĐHBK Hà Nội, Dung đạt 1 học bổng KKHT, 3 học bổng doanh nghiệp. 

Quyết tâm vào lab vì một câu nói của thầy!

Ngành Dung học ít sinh viên nữ, nhiều môn học là thách thức với đa số sinh viên Bách khoa nhưng Dung lại rất thích, như môn Phương pháp số trong cơ học chất lỏng, Toán 2, Khí động học, Thủy khí…

Một lần, GS. Lê Quang dạy môn Thủy khí lớp Dung bận việc đột xuất. Thầy Phạm Văn Sáng – học trò GS. Quang - lên lớp thay. Nhìn lớp học có 1 -  2 sinh viên nữ, thầy Sáng nói đùa, cũng là “khích tướng” các “sắn Bách khoa”: “Học kỹ thuật, con gái không nhanh như con trai đâu!”. 

Nghe thầy nói, Dung “cay mũi” lắm. Cô gái tìm hiểu profile của thầy Sáng, biết thầy từng du học MIT - siêu giỏi - nên Dung quyết tâm vào bằng được lab thầy Phạm Văn Sáng để chứng minh điều ngược lại, mai này du học trường top cho thầy “biết tay”! Cô không ngờ đã “trúng kế” khuyến khích nữ sinh viên Bách khoa NCKH của thầy!

Lúc tham gia lab thầy Sáng - Lab CE Group (Computational Engineering Group) – nghiên cứu về mô hình hóa, tính toán mô phỏng số, Dung hoàn toàn là “tay mơ” trong NCKH. PGS. Phạm Văn Sáng cho Dung làm quen một hệ điều hành khác với hệ điều hành Windows cô vẫn dùng, hướng dẫn cô cài những phần mềm của thầy. Tìm hiểu từ các anh trong lab, Dung mới biết thầy Sáng viết bộ mã nguồn tính toán số đồ sộ và phức tạp đó từ hồi du học MIT, cô ngưỡng mộ vô cùng. 

Thời điểm mới vào lab, Dung gặp nhiều áp lực: Quá nhiều cái mới “ập” đến, việc học trên trường kiến thức chuyên sâu đòi hỏi phải rất tập trung. Quyết tâm theo lab đến cùng, Dung đã sắp xếp thời gian, cân đối việc học và việc nghiên cứu để làm quen với điều mới lạ trong thế giới khoa học Lab CE Group.

5 năm học Bách khoa, 2 công bố trên tạp chí khoa học quốc tế

Dung có vốn tiếng Anh kha khá, nhưng đọc một bài báo tiếng Anh thầy Sáng giao, Dung cảm giác mình đang học lại từ đầu, thiếu hụt rất nhiều vốn từ chuyên ngành, thuật ngữ. Vậy là cùng lúc, Dung học chuyên môn và tiếng Anh! 

“May mắn tôi được các anh trong lab giúp đỡ rất nhiều. Tôi cũng là thành viên nữ đầu tiên của lab nên được thầy Sáng giảm nhẹ áp lực. Thấy thầy tâm huyết hướng dẫn các anh và tôi NCKH, tôi tự nhủ mình phải thật cố gắng” – Dung nhớ lại. 

Dung học hỏi nhiều từ thầy Sáng, không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là phong cách làm việc, sự nghiêm túc, chân thành trong các mối quan hệ và trong công việc. Càng học thầy, Dung càng thấy khâm phục, ngưỡng mộ. 

Trong khoảng 2 - 3 tháng đầu, Dung làm quen với nghiên cứu mô phỏng số thông qua các phần mềm mã nguồn mở và phần mềm do nhóm tự phát triển. Như các anh trong lab, Dung cũng học cách sử dụng “bộ code thần thánh” do thầy Sáng viết, cài đặt điều kiện ban đầu, điều kiện biên… Cô còn học phương trình Toán học, ý nghĩa của phương trình toán học đó trong hiện tượng vật lý của thiết bị…

Sau một thời gian, đề tài nghiên cứu công nghệ tách muối thầy hướng dẫn Dung nghiên cứu đã có kết quả. Lúc đó, PGS. Phạm Văn Sáng giao Dung viết một bài báo khoa học. Lần viết đầu tiên, thầy Sáng chỉnh sửa cho Dung rất nhiều. Sau bài báo được công bố trên một tạp chí quốc tế Q1 có chỉ số trích dẫn khá cao. 
 
Thầy trò Lab CE Group chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia nước ngoài (ảnh bổ sung trang 19)
Thầy trò Lab CE Group chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia nước ngoài
Đến để tài thứ 2 về mô hình hóa màng trao đổi ion trong các thiết bị trong y tế, đã có chút kinh nghiệm, Dung viết trơn tru hơn, được thầy Sáng nhận xét  có kỹ năng nghiên cứu và viết bài báo khoa học tốt. Bài báo sau đó được công bố trên tạp chí quốc tế Q1 với chỉ số ảnh hưởng cao.

Vậy là dưới sự hướng dẫn của PGS. Phạm Văn Sáng, ngay khi còn là sinh viên, Dung đã có 2 bài báo khoa học công bố quốc tế và nung nấu ước mơ du học - giống như thầy Sáng của cô. 

"Nhờ thầy khuyên nhủ, tôi không bỏ cuộc"

Ủng hộ quyết tâm du học của cô trò nhỏ, PGS. Phạm Văn Sáng mong muốn Dung được học tại những ngôi trường tốt nhất trên thế giới. Thầy khuyên Dung nên học thạc sĩ tại Bách khoa Hà Nội, tăng “sức mạnh” hồ sơ để đạt học bổng tiến sĩ tại các trường ĐH top đầu thế giới.

Trong quá trình học thạc sĩ, Dung giành được học bổng Vingroup cho dự án nghiên cứu về pin và dự án nhỏ về mô phỏng động lực học trong cơ thể người. Thời gian học tập, nghiên cứu, đi làm thêm… cứ cuốn cô gái nhỏ vào vòng xoay chóng mặt, nhưng bận rộn, mệt mỏi thế nào, tối về nhà là Dung gọi điện cho mẹ.

Nói chuyện với mẹ xong, cô lại suy nghĩ miên man, nhiều lúc buồn, muốn bỏ cuộc. Hoàn cảnh đặc biệt, mẹ Dung chỉ muốn con gái có cuộc sống yên ổn, học xong đại học thì đi làm, rồi lập gia đình. “Suy nghĩ về mong muốn của mẹ làm tôi trăn trở rất nhiều”.

Lúc bế tắc nhất, Dung tìm thầy Sáng xin lời khuyên. Lắng nghe học trò chia sẻ, thầy nói: “Em cứ sống tốt nhất để mẹ tự hào!”. Nhớ lại những lần ở lab, thầy hay nói với mọi người: “Sau này, mình còn rất nhiều năm để nhớ về tuổi trẻ. Hãy làm gì để không hối tiếc!”, Dung quyết định bước tiếp con đường đã chọn. 

Một ngày, thầy Sáng đưa cho Dung thông tin Đề án Tạo nguồn giảng viên ĐHBK Hà Nội, nói Dung thử đăng ký xem phù hợp không. Vốn có nhiều kỷ niệm đẹp thời đại học, muốn trở thành một phần của Bách khoa Hà Nội, Dung đã ngay lập tức đăng ký và qua vòng phỏng vấn, ký hợp đồng với Nhà trường. 

Sau những nỗ lực học tập, nghiên cứu, đầu năm 2024, Dung giành học bổng du học Mỹ. Tháng 8 vừa qua, cô gái cất cánh bay đến Trường ĐH Illinois làm tiến sĩ, tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu về hệ điện hóa đã được thầy Sáng thắp lên..

Hơn bao giờ hết, giảng viên nguồn Bách khoa Hà Nội Nguyễn Thị Dung càng cháy bỏng mơ ước “Sẽ nghiên cứu ở MIT – “Giống thầy Sáng tôi!”. 

Có lẽ, với thầy Phạm Văn Sáng và bao thầy cô giáo Đại học Bách khoa Hà Nội, truyền dạy kiến thức, nâng bước sinh viên không cần một triết lý gì to tát. Với họ, tâm của người thầy chỉ đơn sơ là mong muốn cho sinh viên của mình thành công, thành đạt, như là mong muốn cho chính con em mình.

Hoặc cũng có thể, chỉ đơn giản người Bách khoa là như vậy!
 
Gia Hân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây