Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 19/11/2024 02:00
Hơn 30 năm trước, tháng 7/1994, cậu học sinh trường làng ở Hoài Đức (Hà Tây cũ) Đỗ Khắc Uẩn đạp xe hơn 20 km thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), ước mong lớn nhất là đỗ ngành Điện tử. Nhưng cơ duyên đã khiến chàng trai ngoặt hướng anh chưa bao giờ nghĩ đến và gắn bó với Bách khoa Hà Nội từ đó đến nay bằng một tình yêu, lòng biết ơn sâu đậm.
Cú rẽ ngang ngày nhập học và tốt nghiệp
Nhận giấy báo đỗ Bách khoa Hà Nội, chàng thanh niên 18 tuổi Đỗ Khắc Uẩn vui sướng và tự hào lắm, trong đầu đã vẽ ra viễn cảnh được học ngành Điện tử mình đăng ký, ra trường có việc làm ngay, kiếm tiền giúp đỡ gia đình.
Ngày nhập học, khép nép đưa cô tiếp nhận bộ hồ sơ, cô bảo: “Em qua bàn số 8 nhé”. Qua bàn số 8, được cô nhập dữ liệu dặn dò: “Lớp em đây nhé!”. Hoang mang nhìn: Lớp… Môi trường! Muốn quay lại thắc mắc nhưng vốn tính rụt rè, tân sinh viên K39 Đỗ Khắc Uẩn về nhà với bao nhiêu câu hỏi về ngành học mới trong đầu. Rồi cuối cùng, cậu tự nhủ - cũng để trấn an bản thân sau cú rẽ ngang bất ngờ: Thôi thì thầy cô đặt đâu, mình học đấy!
Mấy năm đầu học kiến thức chung, sinh viên Đỗ Khắc Uẩn thích nhất môn Vẽ kỹ thuật. Mỗi lần làm bài, anh đều được thầy khen: “Em vẽ được như này thì thiết kế các thiết bị về môi trường và các thiết bị khác sẽ tốt lắm đấy”. Lời khen của thầy giáo truyền cho anh thêm cảm hứng học tập, càng chịu khó học và cũng dần có tình cảm, rồi yêu lúc nào không biết ngành Môi trường mình đang học.
Năm 1999, tân kỹ sư ngành Môi trường Đỗ Khắc Uẩn là một trong số sinh viên Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp loại giỏi. Cũng như bạn bè cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp, anh cũng mong muốn tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp, và thường hướng đến các doanh nghiệp có liên quan đến chuyên môn, chứ chưa bao giờ nghĩ mình theo nghề giáo. Một buổi trưa, cô Đặng Kim Chi – lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (nay là Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường) - gọi điện thoại hẹn anh đến trao đổi, phân tích cho anh các cơ hội và đưa ra lời khuyên: “Em nên ở lại trường công tác và học lên cao nữa”.
Nghe cô Chi phân tích và khuyên nhủ, anh Đỗ Khắc Uẩn quyết định “rẽ ngang” lần 2 - ở lại Bách khoa Hà Nội, theo nghề giáo.
Nỗ lực hoàn thiện bản thân để tự tin đứng lớp
Ảnh hưởng phương ngữ quê hương Hoài Đức (Hà Tây cũ), anh Uẩn bị nói ngọng l, n. Một cô giáo trong khoa chân tình góp ý với anh: “Nếu em muốn theo nghề giáo thì cố gắng sửa, để khi đứng trên bục giảng sẽ tự tin hơn.”
Anh Uẩn quyết tâm sửa nói ngọng, xóa tan mặc cảm bấy lâu nay mỗi khi nói trước đông người. Anh dành thời gian tập nói, tập đọc to để từng bước khắc phục điểm hạn chế này. Dần dần, anh đã ý thức nói chậm lại để chỉnh phát âm cho đúng hơn.
Tuy nhiên, bài toán khó nhất để trở thành một giảng viên đạt yêu cầu với anh Uẩn lại là ngoại ngữ. Anh tự nhận: “Có lẽ, vùng tiếp nhận ngôn ngữ trong não tôi thực sự rất hạn chế. Có lúc, tiếng Anh như ngọn núi cao vời vợi, tôi không thể chinh phục nổi”.
Hồi còn là sinh viên, nhận được học bổng của đối tác quốc tế, anh Uẩn phải nhờ bạn viết thư cảm ơn bằng tiếng Anh, dù nội dung thư chỉ khoảng 3 dòng. Lúc đó cũng hơi xấu hổ với bạn, nhưng không bao giờ nghĩ mình sẽ làm giảng viên nên anh cũng tặc lưỡi: “Kệ”.
Khi anh Uẩn ở lại trường, có rất nhiều cơ hội du học, nhưng cứ mở ra đọc dòng đầu tiên là yêu cầu ngoại ngữ, thế là thôi, không đi được! Sau 2 năm ở lại trường làm các công việc đưa sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, tham gia thực hiện nhiều đề tài và dự án, anh Uẩn nhận ra cần phải học lên cao hơn, học ngoại ngữ mở mang kiến thức để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
Khóa cao học ngành Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐHBK Hà Nội năm đó có tên học viên Đỗ Khắc Uẩn. Cùng lúc, anh đăng ký học tiếng Anh ngoài trung tâm, đến các hiệu sách gần trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội tìm tài liệu về phát âm, phương pháp học. Tự xoay sở cũng mất khá nhiều thời gian, cuối cùng, anh tìm thấy một vị “sư phụ” khai sáng cho anh cách học, bước đầu anh tự tin hơn khi nghe, đọc, viết tiếng Anh, riêng nói thì vẫn rụt rè.
Quan tâm đến từng cán bộ trong khoa, cô Đặng Kim Chi biết anh Uẩn vẫn chưa phá vỡ hoàn toàn rào cản ngôn ngữ tiếng Anh, cô quyết định cử anh đi học trao đổi ngắn hạn tại ĐH Khoa học Ứng dụng Basel (Thụy Sỹ), dù chính “khổ chủ” cứ lăn tăn, đắn đo mãi.
Sang nước bạn, về chuyên môn anh Uẩn rất tự tin, nhưng khi các đồng nghiệp quốc tế hỏi gì, anh lại viết giấy hoặc viết email trả lời. Sau họ cũng phát hiện ra điều khác lạ và hỏi anh tại sao không trả lời trực tiếp? Anh Uẩn thú nhận mình không tự tin nói tiếng Anh! Thật may mắn sau đó, phía bạn gửi anh Uẩn đến học tiếng Anh với một cô giáo người Anh vào các buổi tối. Sau chuyến du học trao đổi ngắn hạn đó, anh Uẩn đã tự tin giao tiếp, NCKH bằng tiếng Anh. “Cú hích từ GS. Đặng Kim Chi đã cho tôi có được như ngày hôm nay. Tôi vô cùng biết ơn cô giáo của mình!” – anh Uẩn xúc động chia sẻ.
Năm 2004, anh Uẩn tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐHBK Hà Nội. Năm 2009, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Môi trường, Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc). Sau đó, anh dành thời gian gần 2 năm làm sau tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Nanyang (NTU, Singapore) nhằm nâng cao các kỹ năng nghiên cứu độc lập, chuyên sâu về lĩnh vực kỹ thuật môi trường.
Năm 2011, anh Uẩn quay trở về Bách khoa sau những năm tháng học tập ở nước ngoài. Khi đó anh vẫn tiếp tục rèn luyện để hoàn thiện bản thân cho phù hợp nghề giáo. Để chuẩn bị cho lần lên lớp đầu tiên, anh hỏi chuyện các MC dẫn chương trình nhằm học hỏi bí quyết làm sao nói cho hấp dẫn, thu hút người nghe, và tìm cách vận dụng vào bài giảng của mình.
Đến tận bây giờ, khi đã trở thành PGS, giảng viên Đỗ Khắc Uẩn vẫn tiếp tục hoàn thiện bản thân để thích ứng với các sinh viên năng động, thông minh, sáng tạo của Bách khoa Hà Nội.
Nếu vào Bách khoa, thấy một thầy giáo hay ghi chép gì đó vào sổ tay điện tử, thì có thể đó là PGS. Đỗ Khắc Uẩn! Thầy đang ghi nhanh một ý tưởng sáng tạo của bản thân, một đề xuất mới mẻ của sinh viên… để tối về nghiền ngẫm, nghiên cứu, học hỏi.
Cũng như bao thế hệ thầy cô Bách khoa Hà Nội, phải thật sự yêu nghề, yêu Trường, mới tâm huyết học hỏi, hoàn thiện bản thân mỗi ngày như thế!