Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ bảy - 29/04/2023 22:00
GS.TSKH, NGND Nguyễn Thiện Phúc nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Khoa Cơ khí của Trường năm 1959. Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp ông được Trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 1968 ông được Trường cử đi học tập và là nghiên cứu sinh tại Liên Xô, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1972 và Tiến sỹ khoa học năm 1978 tại Trường ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Saint Peterburg, chuyên ngành Máy và dây chuyền tự động.
Những kỷ niệm với GS. Tạ Quang Bửu – người khai đường mở lối cho Đại học Bách khoa Hà Nội, người thầy kính mến của sinh viên, nhà khoa học gần gũi, động viên những tài năng trẻ... - luôn là nguồn động lực cho ông trong công tác giảng dạy và cả trong cuộc sống thường ngày. Hãy cùng GS. Nguyễn Thiện Phúc ngược dòng thời gian, sống lại những hồi ức tuổi thanh xuân thời sinh viên đi học, tình nguyện lao động và cả những kỷ niệm của anh giáo trẻ chập chững những bài giảng đầu tiên trên bục giảng Đại học Bách khoa Hà Nội nhé!
Chiếc mũ lá
Tốp sinh viên trẻ, trong đó có tôi, từ vùng kháng chiến khu 4 ra Hà Nội học, hầu hết là có cuộc sống tương đối kham khổ. Nhưng trong hành trang đi ra Hà Nội học thường có một chiếc mũ lá. Đó là chiếc mũ để đội mưa nắng, nhưng khác với các loại thông thường, phải đặt hàng mới mua được, nó vừa bền vừa đẹp. Tuy thế vẫn có vẻ nó hơi lạc lõng trên đường phố Hà nội thời gian mới giải phóng. Ở trong lớp học, thoạt đầu thường bị một số anh em gọi là dân “mũ lá”. Số này vốn là học sinh học trong thành Hà Nội hồi tạm chiếm. Thế mà chỉ sau một thời gian ngắn họ đã rất hòa đồng với nhau, nhiều khi lại được có phần được tôn trọng, có thể là do cố gắng học tập hơn nên kết quả học tập cũng khá hơn. Bản thân tôi không được chăm chỉ lắm, nên điểm số không được cao lắm, nhưng lại được nhiều thày giáo chỉ định làm cán sự môn học.
Không ngờ rằng, hiện tượng trong lớp không thân thiện với nhau đã được phản ánh và thầy hiệu trưởng Tạ Quang Bửu đã uốn nắn. Lại là dịp may, không hiểu có phải có chút thiên vị vì “tình đồng hương” mà nhóm sinh viên “mũ lá” được quan tâm cho tham dự những lớp học Toán chuyên đề của thầy. Chúng tôi không hiểu hết nhưng vẫn nghiêm túc theo học, kể cả làm bài tập. Mãi sau này khi được đi làm luận án TS kể cả lúc làm luận án TSKH, tôi mới phát huy được kiến thức những chuyên đề này. Có lần tôi báo cáo trước bộ môn về nội dung một bài báo mới chuẩn bị gửi đăng ở một tạp chí rất uy tín thì nhận được lời bình là tư duy Toán học ở mức độ rất cao và hỏi có học thêm Toán ở đâu không? Đó là do ở nhà được học và nhiều lần giao tiếp sau này với thầy Bửu.
Trên công trường tạo dựng sân vận động
Mỗi lần ngắm tấm ảnh chụp, nhìn về phía khu nhà C Bách Khoa, gợi lại bao kỷ niệm đẹp thời gian mới xây dựng Trường. Giữa bãi sân cỏ lớn có một lạch nước, một nhánh nhỏ của sông Tô Lịch, chảy qua, sinh viên thường đi qua lại trên chiếc cầu nho nhỏ khi di chuyển lớp để thay đổi tiết học. Sau này bãi sân cỏ đó đã trở thành sân vận động. Các lớp sinh viên khóa 1 là những người tạo dáng ban đầu cho sân vận động này. Họ san lấp lạch nước và đắp 4 con đường xung quanh. Những ngày lao động, chỉ với cuốc, xẻng, xe ba gác và quang gánh, hồi đó thật đáng nhớ.
Thầy Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu thỉnh thoảng đến động viên các lớp, tốp nào lao động tốt được thầy chụp cho một “pô” ảnh. Chiếc máy ảnh dạng hình hộp, màu đen, khi nắp bật ra thì lộ ra chiếc màn hình khổ vuông, nhìn từ trên xuống Có lẽ thầy đem nó về từ hồi còn du học ở Tây Âu. Sinh viên xúm lại xung quanh để chiêm ngưỡng một con người, một thần tượng và một chiếc máy ảnh, các sản phẩm của văn hóa Tây Âu. Một lần, thấy nhóm sinh viên với các chiếc mũ lá nhấp nhô, thầy hướng về phía đó ngay và lúc thầy vừa tới nơi nhóm sinh viên chạy ùa lại, một bạn nhanh nhẩu nói “mời thầy đội mũ cho đỡ nắng ạ”. Thầy vui vẻ cầm chiếc mũ nói: “Nào, đội chiếc mũ quê hương !”. Tiếc rằng không chiếc mũ nào của chúng tôi đội vừa cái đầu “vĩ đại” của thầy.
Đối với chúng tôi, tấm ảnh chụp bãi đất trước nhà C thật nhiều kỷ niệm. Sau này, nhìn tấm ảnh đã được tô màu trên máy tính trông như thật, càng nhớ lại một thời không bao giờ quên. Tôi có làm mấy câu thơ, ghi dưới tấm ảnh và đề tặng các bạn trong lớp thời ấy. Bây giờ họ đều đã thành các cán bộ có nhiều cống hiến cho Đất nước.
TÔ MẦU
Trường xưa chỉ bốn cái “đinh”
Ảnh còn đen trắng, chúng mình tô thêm!
Cho Trường yêu dấu đẹp lên
Cho ngày tháng ấy vẫn chen sắc mầu!
Trên bãi biển Sầm Sơn
Hè năm 1964, lần đầu tiên tôi được đến nhà nghỉ Công đoàn ở Sầm Sơn theo tiêu chuẩn chiến sĩ thi đua (hồi đó có tiêu chuẩn mới được đến đây)! Tình cờ tôi lại được bố trí ở cùng phòng với bác Giám đốc Nhà máy Giấy Trúc Bạch, bác là bố vợ của Tướng Hoàng Minh Thảo. Nhiều lần bác dẫn tôi ra bãi tắm dành riêng của nhà nghỉ Quân đội và cho các phiếu mua hàng ở căng tin của nhà nghỉ. Căng tin ở đối diện với nhà nghỉ Công đoàn, ngay bên kia đường nhưng người lạ không dễ mà ra vào.
Thầy Bửu cũng đang nghỉ ở nhà nghỉ Quân đội. Thật là một dịp may hiếm có, ở đây tôi được gặp thầy Bửu. Thầy nhận ra một đứa học trò khu 4 trong nhóm sinh viên “mũ lá’, mà có dịp ở Trường cả nhóm đã được thầy khen là có tinh thần phát huy truyền thống quê hương, cần cù cố gắng. Nhờ sự động viên đó và có sự thi đua trong nhóm nên cuối năm thứ nhất tôi đã đứng trong tốp điểm cao. Nay lại được nói chuyện trò trực tiếp với thầy, còn được thầy chiêu đãi kem. Cứ in mãi trong tôi hình ảnh một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, một trí thức lớn nổi tiếng, một người thầy hết sức giản dị trong ứng xử, dí dỏm khi nói chuyện và có sức truyền lửa hiếu học cho học sinh đến thế!
Khi phát hiện có người đang bơi tít xa ở ngoài khơi chính là thầy Bửu, mấy giáo viên Bách khoa chạy đến tìm thầy trên bãi tắm. Thầy nói vui, sao không ở chỗ xanh xanh, đỏ đỏ kia mà đến đây làm gì? Tôi và mấy giáo viên kia được ngồi bên cạnh thầy khá lâu và hỏi thầy khá nhiều về chuyện học hành ở bên Tây.
Thầy Bửu đã thi đỗ và học ở rất nhiều trường, như trường Centrale Paris năm 1930; học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh); học thêm cả cơ học ở ĐH Oxford. Thầy tận dụng 5 năm du học để thu hoạch được nhiều kiến thức, học được nhiều với giáo sư có tiếng, mà không vì bằng cấp. Chuyện kể rằng khi trong nước giục phải gửi bằng về, thì thầy đi thi lấy bằng bơi qua biển Manche giữa Anh quốc và Pháp!
Tinh thần Điện Biên Phủ
Sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, chúng ta vào tiếp quản Thủ đô. Gần 2 năm sau đó, Trường Đại học Bách khoa mới tuyển sinh khóa đầu tiên. Đây là khóa học có nhiều đặc điểm, nguồn sinh viên đầu vào rất khác nhau, đội ngũ giáo viên chưa kịp chuẩn bị, một số còn đang ở nước ngoài. Vì thế Trường đã chọn ngay một số sinh viên học lực vào loại giỏi để bồi dưỡng cấp tốc làm giáo viên. Tôi nằm trong số sinh viên này, được bổ sung vào biên chế bộ môn “Nguyên lý máy - Chi tiết máy” và sẽ được chuyên gia Liên Xô sang kèm cặp.
Nhưng chuyên gia thì chưa kịp sang mà giờ cần dạy đã đến. Bộ môn phân công cho tôi lên lớp chữa bài tập và hướng dẫn đồ án môn học “Nguyên lý máy” cho các lớp khóa 2. Mặc dù tuyển sinh khóa 2 chậm hơn mấy tháng, nhưng thời gian chuẩn bị là rất gấp. Thế là từ tháng 10/1959, tôi (lúc đó mới 20 tuổi) bắt đầu bước lên bục giảng dạy đại học. Đồng thời tôi được chuyên gia Liên Xô kèm cặp và sau làm đồ án tốt nghiệp với các thầy giáo Liên Xô. “Cán bộ giảng dạy đại học” không phải là một danh hiệu thi đua nhưng được đeo biển hiệu riêng nên tuổi trẻ chúng tôi hồi đó phấn chấn lắm!
Trong thời gian đó, tôi được bầu làm Tổ trưởng công đoàn của bộ môn và Nhóm trưởng chuyên môn. Bộ môn được tặng danh hiệu “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa”, cả trường chỉ có 2 đơn vị được danh hiệu này. Bản thân tôi được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua“ và nhiều lần được đi báo cáo. Có một lần, tại hội trường, trả lời câu hỏi về suy nghĩ gì khi là thầy giáo trẻ đứng trên bục giảng đại học, tôi trả lời rất thật lòng và sau này câu nói đó lại được các đồng chí lãnh đạo nhà trường nhiều lần tuyên dương. Câu trả lời đó là: "Tôi cứ tự nhủ, đừng nghĩ mình là thầy thiên hạ nhưng phải luôn luôn nhớ mình đang là thầy" – Lời chia sẻ thật lòng đó được hội trường vỗ tay.
Ấn tượng nhất với tôi là lần được gọi lên báo cáo với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp để nghe dặn dò trước khi được cử đi báo cáo ở một vài trường khác, Thật may mắn, tôi được gặp lại thầy Tạ Quang Bửu, thầy vẫn nhớ đứa học trò trong nhóm sinh viên ”mũ lá”. Thầy Tạ Quang Bửu - lúc này là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp - đã giới thiệu tôi với bác Tạ Xuân Luật - người chiến sĩ đã cắm lá cờ chiến thắng trên đồi A1 Điện Biên Phủ, lúc bấy giờ là Trưởng ban Thi đua của Bộ. Người dẫn tôi lên gặp bộ trưởng là thầy Hoàng Xuân Tùy, lúc này là Hiệu trưởng thay thầy Bửu, ở mặt trận Điên Biên Phủ, thầy Tùy là Trưởng ban Tuyên huấn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đem đến thắng lợi ở bàn đàm phán Genève và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thiếu tướng Tạ Quang Bửu - là người trực tiếp ký kết. Bỗng nhiên như phát hiện ra điều gì mới mẻ, tôi mở đầu báo cáo bằng một câu đùa bất chợt và hơi mạo hiểm: "Em hôm nay rất vui được báo cáo trước 3 vị tướng lĩnh của chiến thắng Điện Biên Phủ …”. May quá, mọi người đều cười vui! Cuối buổi gặp, thầy Bửu nhắc nhở tôi: "Phải có tinh thần Điện Biên Phủ trong học tập!”. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Điện Biên trong buổi gặp gỡ ấy!
Liên tục nhiều năm sau cho đến trước khi đi học bổ túc ngoại ngữ để đi làm nghiên cứu sinh, tôi vẫn được bầu là Chiến si thi đua. Trong buổi lễ kết thúc năm học ngoại ngữ, tôi đạt danh hiệu thủ khoa tiếng Nga toàn khóa và được thầy Hoàng Xuân Tùy - lúc đó là Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp - tặng hoa chúc mừng. Thầy Tùy vẫn còn nhớ và nhắc vui: "Tặng cho em danh hiệu Chiến sĩ Điện Biên trong học tập!”
Thầy gọi đến nhà
Theo đề nghị của Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Bách khoa Leningrad cho chuyển tiếp làm luận án TSKH, tôi được các cấp trong nước xét chọn đồng ý cho đi thực tập sinh để làm luận án TSKH. Trong quá trình xét duyệt, tôi được thông báo: Bộ trưởng gọi lên gặp. Trước đó là buổi tiếp kiến với Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Trần Quang Huy để nghe chỉ đạo, dặn dò và thăm hỏi, ngay tại cơ quan ở số 10, Nguyễn Cảnh Chân.
Sáng Chủ nhật mấy hôm sau, tôi đến phố Hoàng Diệu, dựng chiếc xe đạp bên trong, quen tay lại còn ấn chiếc khóa vòng để rút chìa khóa xe! Bỗng từ cầu thang bên ngoài tầng 2 bước xuống, thầy Bửu đùa vui thân mật: Đây không phải Bách khoa, không phải khóa xe đâu nhé! Tôi xin lỗi vì những thói quen vô duyên thế, nhưng thấy thầy cười nói vui thêm nên tôi cũng bớt ngượng ngùng. Thầy dẫn tôi lên phòng khách, mời ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện và bắt đầu hỏi ngay về giáo sư và phòng thí nghiệm sẽ được đến học, về hướng đề tài nghiên cứu và triển vọng ứng dụng.
Thầy tiếp tôi rất thân tình, cô còn trực tiếp bưng cho cho hai thầy trò 2 cốc trà nóng, nên tôi thấy rất vinh hạnh và cũng mạnh dạn trao đổi hơn với thầy. Buổi trò chuyện kéo dài đến gần một giờ, tôi mới nhận ra thế khi thầy nhìn đồng hồ và nói vui: Quá một tiết học rồi! Thầy phân tích rất nhiều về sự cần thiết sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, về sự đột phá trong tư duy, về yêu cầu khách quan trong sự liên kết giữa các môn học trong hoạt động thực tế. Đó là những bài học tôi nhớ mãi.