Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 09/03/2023 23:12
Từ quê nhà Nghệ An, nhận được tin con trai đạt học hàm giáo sư, bố mẹ của GS. Chu Mạnh Hoàng (sinh năm 1979) – Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội, 1 trong 3 giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2022 – rất vui mừng. Năm xưa, bố GS. Hoàng bán 200m2 đất lấy tiền lo cho 3 con học đại học ở Hà Nội, giờ ông đã nhận quả ngọt khi các con đều phương trưởng, thành đạt. 200m2 đất “đầu tư” cho tương lai khi đó giờ đã “lãi” gấp nhiều lần!
Kiên trì chờ cơ hội đến
GS. Chu Mạnh Hoàng tự nhận mình là mọt sách, vùi đầu vào sách vở từ hồi đi học phổ thông. Cấp 2, cậu bé Hoàng đã học giỏi các môn tự nhiên, tham dự đội tuyển đi thi HS giỏi các môn Toán, Lý. Lên cấp 3, tình yêu môn Vật lý của Chu Mạnh Hoàng được tăng thêm nhờ gặp được thầy giáo Nguyễn Xuân Hộ - Lúc bấy giờ là Hiệu trưởng Trường THPT Nghĩa Đàn (giờ là THPT Thị xã Thái Hoà) một người thầy rất tận tâm dạy bảo, truyền cảm hứng cho học trò.
Lên đại học, cơ duyên đã gắn Chu Mạnh Hoàng với Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Vật lý. Ngay từ năm nhất, tân sinh viên Chu Mạnh Hoàng đã thầm đặt cho mình mục tiêu du học nước ngoài để nâng cao trình độ, thay đổi cuộc sống. Mục tiêu hơi xa nhưng cậu kiên trì chờ cơ hội đến.
Điều anh Chu Mạnh Hoàng hay nói về thời sinh viên là sự vất vả của các sinh viên xa gia đình học ở Hà Nội và lòng biết ơn bố mẹ đã tạo mọi điều kiện cho anh chuyên tâm học tập, không phải lo lắng điều gì. Anh kể: “Mẹ tôi là giáo viên, bố tôi là kỹ sư mỏ địa chất. Bố mẹ tôi bán một sổ đất 200m2 được cơ quan phân cho để 3 con đi học: Chị tôi học ĐH Luật Hà Nội, tôi học Bách khoa, em trai học ĐH KHTN – ĐHQG HN. Đến giờ bố mẹ tôi vui sướng lắm khi chị tôi công tác ở Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), em tôi là trung tá-giảng viên ở Học viện quân Y còn tôi làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Lúc đó tôi vô tư lắm, chưa có khái niệm bố mẹ hy sinh cho mình nhưng tự thấy mình nghèo khổ nên phải cố gắng, thế thôi!”
Để chuẩn bị cho chuyến du học xa nhà cũng như tìm cơ hội cho mình, anh Chu Mạnh Hoàng đi dự các hội nghị, hội thảo, gặp các anh chị đi trước tìm hiểu các điều kiện, cuộc sống du học… Như một cơ duyên, cơ hội du học tình cờ đến với anh từ một người bạn. Anh đã nộp hồ sơ và thi đỗ làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Tohoku - trường đại học xếp hạng 80 thế giới lĩnh vực kỹ thuật (theo THE 2023) và là 1 trong 3 trường đại học lớn nhất Nhật Bản, nơi có phòng thí nghiệm hiện đại, tạo điều kiện triển khai các ý tưởng mới của nghiên cứu sinh Chu Mạnh Hoàng.
Ở nơi đây, anh Hoàng may mắn gặp GS. Kazuhiro Hane – một người rất giỏi chuyên môn và tận tâm với sinh viên, đã hướng dẫn chỉ bảo để anh có những kỹ năng trong học tập và nghiên cứu khoa học ở mức cao hơn sau này. Anh Hoàng vẫn nhớ hình ảnh vị giáo sư người Nhật gác lại công việc bận bịu, đến phòng thí nghiệm kiểm tra, quét thiết bị, điều chỉnh phạm vi quét tần số cho đến khi thiết bị vi gương anh chế tạo hoạt động cộng hưởng thì thôi, tận tình chỉ cho anh lý do vì sao thiết bị không hoạt động. Trong cuộc sống, GS. Kazuhiro chỉ bảo anh như một người cha. Anh Chu Mạnh Hoàng đã có những ngày tháng hạnh phúc khi làm nghiên cứu sinh tại Nhật như thế.
Còn điều kiện, còn thực hiện những mục tiêu!
Năm 2011, anh Chu Mạnh Hoàng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ nano tại Nhật, TS. Chu Mạnh Hoàng tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ, với mức lương rất cao thời điểm đó: 90-100 triệu đồng/tháng. Từ một sinh viên nghèo, sau một thời gian du học, tích lũy, TS. Chu Mạnh Hoàng đã có thể mua nhà, mua xe ở Việt Nam, có một số vốn kha khá. Nếu tiếp tục làm việc tại Nhật, anh sẽ làm các dự án liên kết với doanh nghiệp với mức lương cao hơn nữa. Nhưng anh quyết định về Việt Nam, về Bách khoa Hà Nội – nơi anh đã được đào tạo, học tập và trưởng thành.
Anh chia sẻ: “Mặc dù lương rất cao nhưng tôi khó phát triển được chuyên môn sâu. Hơn nữa, việc đầu tư cho hoạt động NCKH và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang được triển khai, điều này đã mở ra cơ hội cho rất nhiều nhà khoa học trong đó có các tiễn sĩ trẻ ở nước ngoài như tôi trở về nước để làm việc”.
Vốn là người ít nói, chỉ thích vùi đầu vào nghiên cứu nhưng công việc ở Bách khoa đòi hỏi vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy nên anh Chu Mạnh Hoàng đã tự thay đổi để có thể truyền đạt không chỉ kiến thức mà còn là kỹ năng sống, kỹ năng làm việc cho học trò - đó cũng là những điều anh lĩnh hội từ các thầy, cô ở Bách khoa, ở Viện ITIMS, Viện Vật lý kỹ thuật và các giáo sư bên Nhật.
Năm 2018, TS. Chu Mạnh Hoàng được Hội đồng chức danh Nhà nước công nhận chức danh PGS.
Ngay sau đó, PGS. Chu Mạnh Hoàng đặt mục tiêu phấn đấu đạt chức danh giáo sư trong vòng 5-6 năm tới. “Tôi phải căn rất kỹ: Giờ giảng như thế nào (vì Viện ITIMS chủ yếu đào tạo sau đại học nên giờ giảng không nhiều). May mắn trong khoảng thời gian đấy, nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đăng ký học (chắc do lĩnh vực Vi cơ điện tử tôi nghiên cứu và giảng dạy gần với hướng phát triển của một số công ty lớn tại Việt Nam) nên giờ giảng của tôi được đảm bảo.” – PGS. Hoàng kể.
Như kiến tha lâu đầy tổ, dần dần PGS. Chu Mạnh Hoàng đủ các điều kiện để đạt chức danh giáo sư. Năm 2022, anh trở thành 1 trong 3 giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
Đúng tính cách của anh, khi đạt được mục tiêu này, lập tức mục tiêu khác được đặt ra. Hỏi anh: Khi nhận phong hàm GS, anh đặt cho mình đích mới là gì? GS. Chu Mạnh Hoàng trả lời ngay: Tôi muốn xây dựng được hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phát triển thành công các sản phẩm khoa học ứng dụng vào thực tiễn, phát triển nhóm nghiên cứu của Viện ITIMS, của Đại học Bách khoa Hà Nội; đào tạo được nguồn nhân lực phục vụ cho một số lĩnh vực của các công ty đang phát triển ở Việt Nam, phục vụ hữu ích cho cuộc sống. Tôi đã thiết lập các quan hệ nghiên cứu trong và ngoài nước, nhưng cần kết hợp lại thành nhóm nghiên cứu cùng nhau, tạo thành mạng lưới nghiên cứu làm cái gì đó trên cơ sở mình được đào tạo. Hy vọng công việc liên kết mọi người thực hiện nghiên cứu chung sẽ được triển khai một cách hiệu quả.
Cứ nghĩ là sau khi đạt mục tiêu trở thành giáo sư, anh Chu Mạnh Hoàng sẽ ngơi việc, thư giãn một thời gian. Nhưng không, nhìn các sinh viên, học viên của mình, GS. Hoàng lại tự nhủ: Nếu rỗi rãi, ít việc thì sẽ không có dự án tài trợ để có kinh phí duy trì các hoạt động nghiên cứu khoa học và hỗ trợ học tập cho sinh viên. Và giờ là giáo sư, mình cũng đặt yêu cầu cao hơn với chính mình trong nghiên cứu, trong công việc. Đó cũng là một áp lực, là đam mê trong mình, còn điều kiện, còn thực hiện những mục tiêu…
Kỷ niệm GS. Chu Mạnh Hoàng nhớ nhất là thời gian hướng dẫn NCKH cho một sinh viên tài năng – con của một đồng nghiệp - ở khoa Cơ điện tử, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp xong, cậu sang Nhật du học. Có một điều bất ngờ là khi con sang Nhật học rồi, mẹ của cậu sinh viên vẫn đến xin cho con tham gia vào nhóm để tiếp tục được thầy Hoàng chỉ dẫn về NCKH. “Có lẽ đó là phụ huynh duy nhất đến thăm thầy sau khi con đã du học, nhớ đến công lao của thầy. Nhận lời cảm ơn từ mẹ sinh viên, tôi thấy mình cũng có chút giá trị!” – GS. Chu Mạnh Hoàng.