Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội có 16 giảng viên được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó có 5 tân phó giáo sư nữ. Với các giảng viên – nhà khoa học nữ, để đạt được học hàm cao quý này là cả một hành trình nỗ lực cả trong khoa học và cuộc sống.
Nỗ lực để môi trường tốt đẹp hơn
PGS. Văn Diệu Anh hiện là Phó Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường- Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường. Hướng nghiên cứu chính của cô là đánh giá mức độ nhiễm bẩn các chất ô nhiễm nguy hại lượng vết trong các thành phần môi trường. Hướng nghiên cứu này đòi hỏi các thiết bị phân tích đặc thù, với sự hỗ trợ của các nhóm nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài, cô Văn Diệu Anh đã vượt qua một số khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất để hoàn thành các NCKH của mình.
Trong giây phút xúc động nhận Quyết định Bổ nhiệm chức danh PGS từ lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, cô Văn Diệu Anh trân trọng sự ủng hộ và hỗ trợ từ gia đình và đồng nghiệp và đặc biệt cảm ơn người thầy, người bạn – cũng là hai đồng nghiệp cô vô cùng yêu mến đã luôn động viên và thúc đẩy cô hoàn thành các điều kiện cần và đủ cho hồ sơ quan trọng này, đó là GS. Huỳnh Trung Hải – Trường phòng Quản lý nghiên cứu và PGS. Lý Bích Thủy – đồng nghiệp làm cùng cô ở Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Năm 2023, PGS. Văn Diệu Anh sẽ tiếp tục hướng nghiên cứu về các chất ô nhiễm vi lượng nguy hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; hoàn thiện những đề tài đang theo đuổi; công bố các kết quả nghiên cứu; tìm kiếm những đề tài nghiên cứu mới mang tính thiết thực. Cô cho biết: “Khi hoàn thành một đề tài NCKH, tôi có cái nhìn tường minh hơn với những vấn đề về môi trường đang gây quan ngại ở Việt Nam, từ đó tìm giải pháp để môi trường tốt đẹp hơn. Đó chính là hạnh phúc của những người làm công tác nghiên cứu khoa học môi trường!”
Nhà khoa học đam mê nghiên cứu các hợp chất từ thiên nhiên
PGS. Trần Thị Minh hiện là giảng viên Bộ môn Hóa hữu cơ-Viện Kỹ thuật Hoá học. Được đào tạo về chuyên ngành hoá hữu cơ với hướng nghiên cứu hoá học các hợp chất thiên nhiên từ khi làm luận văn thạc sỹ đến khi bảo vệ luận án tiến sĩ, PGS. Trần Thị Minh đã lựa chọn và phát triển hướng nghiên cứu chiết tách, xác định cấu trúc hoá học và khảo sát hoạt tính sinh học của các hợp chất thiên nhiên từ nguồn thực vật phong phú và đa dạng ở Việt Nam.
PGS. Trần Thị Minh chia sẻ việc được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư là sự ghi nhận những phấn đấu, nỗ lực của cô trong 20 năm công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đây cũng là động lực để cô tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho NCKH, hướng dẫn các sinh viên tiếp cận môi trường nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo của Nhà trường.
Hiện PGS. Trần Thị Minh cùng nhóm nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu các đối tượng thực vật có hiệu lực phòng trừ sinh học, có thể dần thay thế thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học, góp phần giảm thiểu tác động xấu của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng. Hy vọng trong thời gian tới, PGS. Trần Thị Minh sẽ tìm kiếm được các nguồn nguyên liệu mới từ thiên nhiên có ứng dụng trong công nghiệp hóa dược và hóa chất bảo vệ thực vật ở Việt Nam.
Nhân đôi niềm vui trong khoa học và cuộc sống
PGS. Nguyễn Thị Thủy hiện đang công tác tại Trung tâm Công nghệ Polyme - Compozit và Giấy – Viện Kỹ thuật Hóa học. Cô là cựu sinh viên K39, học thạc sỹ và làm tiến sĩ tại Bách khoa Hà Nội. Trong suốt thời gian học tập, giảng dạy, nghiên cứu tại Bách khoa Hà Nội, PGS. Nguyễn Thị Thủy theo đuổi hướng nghiên cứu vật liệu Polyme – Compozit. Hiện chị đang triển khai NCKH biến đổi dầu thực vật và các dầu không ăn được thành các hóa chất công nghiệp ứng dụng trong thực tế. Đây cũng là công trình nghiên cứu chính chị làm hồ sơ chức danh PGS.
Năm 2023, PGS. Nguyễn Thị Thủy sẽ cố gắng triển khai đề tài có tính chất liên ngành giữa ngành Polyme – Compozit và các ngành liên quan để có thể có nghiên cứu định hướng sâu hơn, mở rộng hơn, gần với thực tế.
Có một kỷ niệm vui thời điểm cô giáo Nguyễn Thị Thủy được bổ nhiệm chức danh PGS là cô có thêm một người bạn – một người đồng nghiệp làm cùng Viện Hóa nhưng không giao lưu nhiều với nhau: Tân PGS. Trần Thị Minh. Hai tân PGS biết nhau qua đợt làm hồ sơ giấy tờ, chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với nhau và giờ là những người bạn – đồng nghiệp thân thiết. Niềm vui trong khoa học được nhân lên thêm với niềm vui về tình bạn sẻ chia, đồng cảm.
Cô giáo truyền đam mê NCKH cho sinh viên
PGS. Trần Thị Thảo hiện là Giảng viên khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử. Cô làm Tiến sĩ tại Trường Quốc lập Trung ương (NCU) tại Đài Loan. Các hướng nghiên cứu chính của PGS. Trần Thị Thảo là: Xử lý ảnh và Nhận dạng; Xử lý tín hiệu y sinh; Phát triển các thuật toán AI cho chẩn đoán hình ảnh và mô hình học sâu cho phân vùng ảnh.
Năm 2023, cô giáo Trần Thị Thảo sẽ dành thời gian nhiều hơn để hướng dẫn, định hướng cho sinh viên, hỗ trợ, động viên, truyền đam mê NCKH cho sinh viên để các em tự tin trong nghiên cứu khoa học, viết được các bài báo, thực hiện các đề tài để có hồ sơ tốt trong việc tìm kiếm học bổng du học hoặc kinh nghiệm để đi làm tại các công ty có liên quan. Hiện rất nhiều sinh viên muốn theo đuổi NCKH trong ngành AI, càng khiến cô giáo Trần Thị Thảo thêm cảm hứng truyền đạt cho sinh viên.
Điều tâm đắc nhất của cô giáo Trần Thị Thảo khi làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội là mỗi ngày được tiếp xúc với những sinh viên thông minh, sáng tạo, đam mê nghiên cứu, học hỏi. Sức trẻ, sự năng động và sáng tạo từ sinh viên cũng truyền cho cô năng lượng tích cực để tìm hiểu những hướng đi mới. “Đây chính là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày” - PGS. Thảo chia sẻ.
Cô giáo dạy sinh viên qua dự án
PGS. Lê Minh Thùy hiện là giảng viên Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử. Cô đã làm tiến sĩ tại Pháp.
Với cô giáo Minh Thùy, chức danh PGS là sự ghi nhận cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu đầy tâm huyết của cô kể từ khi về nước và làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Cô Minh Thùy theo đuổi con đường nghiên cứu ứng dụng, hướng tới việc kết hợp với các doanh nghiệp để đưa các kết nghiên cứu vào sử dụng. Đi đôi với đó là áp dụng việc học tập qua dự án cho sinh viên để các em ra trường đi làm không bị bỡ ngỡ với môi trường doanh nghiệp.
Hiện PGS. Lê Minh Thùy vẫn tiếp tục hướng nghiên cứu chuyên sâu của mình về anten và truyền sóng, cảm biến không dây tự chủ năng lượng. Song song với đó là phát triển các ứng dụng của chúng trong các hệ thống giám sát xa dựa trên nền tảng internet vạn vật. Năm 2023, cô Thùy sẽ tập trung vào hai việc chính:
Hoàn thiện thử nghiệm và bàn giao hệ thống gồm 30 cảm biến đo chất lượng không khí môi trường di động đang đặt trên 30 xe bus thuộc nội thành Hà Nội mà cô phụ trách thiết kế trong khuôn khổ dự án Fi-Mi (fi-mi.vn) - một dự án hợp tác liên ngành và liên quốc gia do Trường CNTT&TT - Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.
Triển khai hai hệ thống giám sát xa trong y tế (Telehealth monitoring) và mạng cảm biến không dây tự chủ năng lượng trong lòng đất phục vụ nông nghiệp chính xác (SUPAS) được tài trợ bởi chính phủ Úc. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo sau đại học với các đồng nghiệp quốc tế tại Pháp, Nhật và Úc, tạo cơ hội cho các SV trao đổi nghiên cứu tại các quốc gia này.
Gia Hân
Ảnh: Duy Thành