Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 14/04/2023 09:38
Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát triển thành công nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở daotao.ai, được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi tương lai nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, hỗ trợ hàng triệu người sử dụng tại Việt Nam.
MOOC (Massive open online course), hay nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở, là khóa học trực tuyến không giới hạn số người tham dự. Nhiều ví dụ điển hình như Coursera, Udemy, edX... hiện đang làm mưa làm gió trên "thị trường đào tạo" thế giới.
Không nằm ngoài xu thế, nền tảng daotao.ai ra đời do Trung tâm Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục, EdTech, thuộc Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu và phát triển. Nền tảng hướng tới mục tiêu đào tạo phi lợi nhuận cho cộng đồng, mang đến hiệu quả thiết thực và rộng khắp.
Nhận được sự tin tưởng của Chính phủ
Theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 vừa qua, Thủ tướng giao trọng trách cho Bộ Công An phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội khai thác nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) daotao.ai trên 63 tỉnh thành toàn quốc để nâng cao kiến thức, hỗ trợ triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia”.
Để triển khai một dự án đào tạo quy mô cả nước, các đơn vị cần di chuyển tới từng tỉnh, huyện, xã để tổ chức các lớp học lớn trong khoảng thời gian hạn hẹp với nội dung đào tạo giống nhau. “Tôi không biết một chương trình như Đề án 06 sẽ tốn kém bao nhiêu nếu tổ chức theo hình thức truyền thống. Nhưng với daotao.ai, chúng tôi đề xuất hỗ trợ miễn phí cho Bộ Công an trong việc tổ chức các lớp học trực tuyến ở quy mô toàn quốc”, TS. Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm EdTech cho biết.
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác cùng Bộ Công an thử nghiệm lần đầu tiên cho tỉnh Thái Nguyên. Hai bên cùng phối hợp để xây dựng học liệu cho 5 nội dung, được tổ chức thành hai lớp: Lớp học trực tiếp cho 100 người diễn ra trong 1 ngày và lớp học trực tuyến cho 500 người diễn ra trong 2 ngày.
Một ưu điểm của việc học trực tuyến là cho phép người học tiếp thu kiến thức dàn trải thay vì phải gói gọn trong 1 ngày theo hình thức học tại lớp. Xuyên suốt quá trình học trực tuyến, màn hình thường hiện các câu hỏi nhỏ về bài giảng để đảm bảo sự tập trung và theo dõi của người học.
Người học có thể xem lại bài giảng bằng video tương tác cao, ôn tập trả lời câu hỏi bất kỳ lúc nào và tham dự kỳ thi cuối kỳ qua webcam với sự hỗ trợ giám thị của phần mềm "AI thị giác máy tính" được tích hợp trong nền tảng daotao.ai.
Sau khi kết thúc, kết quả khảo sát về lớp học trực tuyến nhận được đánh giá cao hơn của cả người tham gia và giảng viên về môi trường học và hiệu quả tiếp thu kiến thức. Người học và cán bộ quản lý được gửi biểu đồ quá trình học cùng điểm số kiểm tra ngay sau khi kết thúc bài giảng.
Sau thành công của dự án ở Thái Nguyên, Bộ Công an tiếp tục “đặt hàng” thí điểm nền tảng daotao.ai tại Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng số học viên gần 1000 người. Nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở của Bách khoa Hà Nội đã chứng minh tính ổn định và tiện nghi dù người dùng ở bất kỳ địa điểm nào.
Tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sản phẩm dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ cho hàng trăm nghìn cán bộ, công chức, viên chức trên 63 tỉnh thành khắp cả nước.
Daotao.ai – Nhân tố tiềm năng góp phần thay đổi nền giáo dục đại học Việt Nam
MOOC là xu hướng thời đại. Cách đây hơn mười năm, mô hình MOOC ra đời từ dự án của Đại học Standford, sau này thành lập Công ty Coursera. Bước đi này kéo theo sự ra đời của rất nhiều các dự án khác với mô hình tương tự, có thể kể đến edX, sản phẩm được phát triển bởi MIT và Harvard, hay FutureLearn thuộc sở hữu của Đại học Mở (Anh)...
Theo một nghiên cứu gần đây, thị trường giáo dục trực tuyến đại chúng này được kỳ vọng đạt tới gần 65 tỷ đô Mỹ vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép khoảng 36.7% trong thời kỳ này.
Để có thể phát triển ngang tầm khu vực và tiến xa hơn là thế giới, Việt Nam bắt đầu có những kế hoạch chiến lược phù hợp.
Tại buổi tọa đàm xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 25/3 tại Thành phố Hồ Chính Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số.
Đề án đặt ra mục tiêu ban đầu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống MOOC chung khoảng 10.000 sinh viên. Mô hình sẽ tận dụng tối đa nguồn lực từ các trường đại học trong xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn hóa kiến thức, giảm chi phí, giảm áp lực hạ tầng và tăng quy mô tuyển sinh.
Theo TS. Phạm Huy Hoàng, phần lớn các đơn vị giáo dục đại học hiện nay đều có ứng dụng học liệu số, tuy nhiên các hệ thống cũ không hỗ trợ được số lượng người dùng lớn và không có khả năng liên kết với các trường đại học khác. “Mô hình đại học số có thể giải quyết các bài toán về chi phí và quy mô, xóa nhòa các ranh giới về không gian, địa lý và tận dụng nội lực của mạng lưới đại học ở Việt Nam.”
Hiện nay, daotao.ai đang có hơn 20,000 người dùng từ các đơn vị giáo dục và cộng đồng. Bách khoa Hà Nội cũng hợp tác với Cục Đường bộ Việt Nam để xây dựng các bài giảng lý thuyết cho người học muốn đăng ký cấp Giấy phép lái xe.
Bên cạnh các kỹ sư chính, sinh viên cũng là nhân lực tích cực để phát triển và vận hành dự án. CLB Sinh viên Phát triển Học liệu số (Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông) gồm 30 thành viên là sinh viên năm nhất đến năm tư có niềm đam mê với học liệu số.
Các thành viên trong CLB được tham gia học hỏi và hỗ trợ về kỹ thuật cho các học viên của hệ thống, đồng thời tự xây dựng các khóa học chia sẻ kiến thức, kĩ năng về công nghệ thông tin và hỗ trợ hậu kỳ video để tăng tính tương tác và sinh động của bài giảng.
Kết nối sinh viên thực tập trên các dự án nghiên cứu và phát triển trong nhà trường là một mô hình lý tưởng. Theo TS. Nguyễn An Hưng, Chủ nhiệm CLB, sức sáng tạo và nhiệt huyết từ phía sinh viên giúp các video bài giảng điện tử trở nên sinh động, phong phú và dễ tiếp cận hơn đối với người học. Trong khi đó, thông qua dự án, sinh viên có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm miễn phí các khoá học trên hệ thống, củng cố thêm kiến thức cũng như các kỹ năng mềm.
Hiện nay, CLB Học liệu số đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng kho học liệu miễn phí về công nghệ cho cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên trên nền tảng soict.daotao.ai nói riêng và tài liệu online nói chung.
“Nếu thế giới có Coursera, Udemy, EdX… thì daotao.ai hứa hẹn trở thành nền tảng đào tạo trực tuyến số 1 tại Việt Nam trong thời gian sắp tới”, TS trẻ Nguyễn An Hưng thể hiện sự tin tưởng vào đóng góp của nền tảng cho sự phát triển của giáo dục ở Việt Nam.