Bách khoa Hà Nội - Lá phổi xanh giữa lòng Thủ đô

Thứ hai - 11/03/2024 06:08
Lãnh đạo ĐHBK Hà Nội trồng cây tại sân sau nhà C2 (tháng 3/2021)
Lãnh đạo ĐHBK Hà Nội trồng cây tại sân sau nhà C2 (tháng 3/2021)
Không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng những nhân tài ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội còn được mệnh danh là “lá phổi xanh” giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Trong không gian xanh ấy, rất nhiều thầy trò đã cùng nghiên cứu, sáng tạo và nảy ra nhiều ý tưởng thú vị, đóng góp tích cực cho xã hội, trong đó có những NCKH liên quan đến xanh hóa khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và môi trường nói chung các giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Không gian xanh mát, trong lành

Theo các nhà khoa học, cây xanh có nhiều tác dụng khác nhau. Không chỉ điều hòa không khí, giúp môi trường trong lành, mát mẻ, thân thiện với con người, mà còn góp phần giảm bụi mịn PM 2.5, ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Dựa vào các nghiên cứu về ô nhiễm không khí, một trong những giải pháp làm giảm tác động tiêu cực của ô nhiễm là xanh hóa đô thị, tăng cường trồng cây. Tuy nhiên, đối với mỗi loại cây, được quy hoạch như thế nào, ở đâu lại mang một ý nghĩa và tác dụng khác nhau.

Với mật độ, loại cây và lượng cây trồng, trong không gian rộng khoảng 26.2 héc ta, Đại học Bách khoa Hà Nội là một công viên cây xanh giữa lòng thành phố, đây chắc chắn là một không gian lý tưởng để Người Bách khoa học tập, nghiên cứu và sáng tạo.
Sinh viên Bách khoa Hà Nội hưởng ứng hoạt động trồng cây, trồng hoa (tháng 3/2024). Ảnh: ĐTN ĐHBK Hà Nội
Để chăm sóc không gian xanh rợp bóng này, Đại học Bách khoa Hà Nội có lịch thường niên cắt tỉa các cây to để phòng chống mưa bão, xử lý sâu bọ đục thân cây; thường xuyên cắt tỉa hoa, chăm sóc cho hoa nở rộ và lâu bền, giáo dục sinh viên có ý thức gìn giữ cảnh quan môi trường.

Các nghiên cứu về “Dấu chân carbon” ở Bách khoa Hà Nội

Dấu chân Carbon (Carbon footprint) là một chủ đề đang rất được quan tâm và là một thuật ngữ “hot search”, đặc biệt trong giai đoạn các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hành xu hướng “sống xanh” đang là các vấn đề mang tính chất thời sự và được chú trọng như hiện nay.

Dấu chân Carbon hiểu một cách đơn giản là tổng lượng khí nhà kính phát thải trực tiếp hoặc gián tiếp từ hoạt động của con người. Bất kỳ một quá trình sản xuất sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ nào từ đồ ăn, thức uống hàng ngày, quần áo để mặc, phương tiện đi chuyển… một cách trực tiếp hay gián tiếp đều tạo ra các phát thải. Do vậy, mỗi một lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta đều góp phần định hình dấu chân carbon của mỗi người. Vận hành của một đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà nội cũng để lại dấu chân carbon của mình.

 “Dấu chân Carbon” cũng là lĩnh vực nghiên cứu đã và đang được các giảng viên và sinh viên của Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Hóa và Khoa học sự sống triển khai thực hiện trong những năm gần đây trong nhiều lĩnh vực/sản phẩm khác nhau trong cuộc sống. Một trong những mục tiêu của các nghiên cứu này là nhằm cung cấp thông tin, thúc đẩy việc thực hiện các thực hành “sống xanh” hay sản xuất tiêu dùng bền vững với mục tiêu giảm dấu chân carbon.

Không chỉ trong nghiên cứu, đã có những thực hành “sống xanh”, góp phần giảm dấu chân Carbon của mỗi cá nhân và tổ chức đã được các thầy/cô giáo, sinh viên Bách khoa Hà Nội triển khai, áp dụng ngay trong chính ngôi trường của mình. Ví dụ như thói quen tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng nước đóng chai nhựa bằng cách sử dụng các bình thuỷ tinh có thể tái sử dụng lại, trang bị các vòi cấp nước sạch để sinh viên có thể tự lấy nước bằng các vật dụng cá nhân…
Sinh viên Bách khoa Hà Nội hưởng ứng hoạt động trồng cây, trồng hoa (tháng 3/2024). Ảnh: ĐTN ĐHBK Hà Nội
Đẩy mạnh phủ xanh không gian đại học cũng là một trong những việc làm nhằm hưởng ứng lối sống xanh tại Đại học Bách khoa Hà Hội. Quá trình quang hợp của cây xanh giúp hấp thu lượng CO2 trong không khí, giảm dấu chân carbon phát sinh trong hoạt động của thầy và trò trong khuôn viên trường học. 

Phong trào trồng cây xanh tại Đại học Bách khoa Hà Nội được các cán bộ, giảng viên, sinh viên, các tổ chức Đoàn/Hội nhiệt tình hưởng ứng và lan tỏa ra các đơn vị khác.

Năm 2023, sinh viên thuộc liên chi đoàn Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Hóa và Khoa học sự sống tổ chức dự án “Lá chắn cho em – phủ xanh thành phố” nhằm tập huấn tuyên truyền về môi trường, hướng dẫn học sinh trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trồng cây xanh, tạo mảng xanh cho không gian trường.

Các sinh viên từng được thầy/cô hướng dẫn lập trình thiết bị cảm biến đo bụi mịn giá rẻ, nay tiếp tục hướng dẫn cho các em học sinh để thực hành tại chính ngôi trường của mình. Hành động này mang ý nghĩa lớn đối với các học sinh và cả giáo viên trường THCS Trưng Vương, giúp các em có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp.

Dự án này cũng là một phần trong chương trình “Xây dựng trường học xanh – vì một Hà nội xanh” của UBND quận Hoàn kiếm triển khai nhân ngày Nước thế giới và Môi trường Thế giới năm 2023 và được các thầy và trò Đại học Bách khoa Hà nội tham gia tư vấn.

Mới đây, ngày 9/3/2024, hoạt động trồng cây, trồng hoa vì một Bách khoa xanh thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên toàn Đại học. Các cán bộ đoàn cùng các bạn sinh viên tình nguyện đã tham gia trồng cây, trồng hoa và dọn dẹp khuôn viên trường. Với những hoạt động thiết thực, mong rằng tuổi trẻ Bách khoa sẽ góp phần xây dựng một "Bách khoa xanh, sạch, đẹp".

Có thể thấy các NCKH của giảng viên - nhà khoa học Bách khoa Hà Nội không chỉ áp dụng trong nội bộ Bách khoa mà còn có thể ứng dụng cho toàn xã hội. Các thầy cô luôn tích cực hướng đến những nghiên cứu thiết thực, góp phần giải quyết bài toán môi trường xanh - vấn đề nóng của thế giới, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
 

Năm 2024, chiến dịch Giờ Trái đất được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” - “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”. Thông điệp này nhấn mạnh vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong đó áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên.

Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 28 (COP28) để cùng với thế giới hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Sự kiện tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 diễn ra từ 20h30 đến 21h30, Thứ Bảy ngày 23/3/2024. Sự kiện với thông điệp “Tiết kiệm điện – thành thói quen” nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong toàn xã hội, tạo môi trường sống trong sạch, lành mạnh, sự phát triển bền vững.
 
Hạ San
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây