Sinh viên Bách khoa Hà Nội nghiên cứu “lắp tay” cho bệnh nhân bại liệt

Thứ ba - 19/03/2024 22:42
Cánh tay thông minh hỗ trợ người gặp khó khăn trong ăn uống sinh hoạt
Với dự án “Cánh tay thông minh hỗ trợ người gặp khó khăn trong ăn uống sinh hoạt”, 5 thành viên nhóm Uni-Vers đã tiến vào top 5 Chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023.

Cánh tay “xóa mờ” cảm giác lệ thuộc

Nhóm Uni-Vers được 3 chàng trai sinh viên năm 4 Trường Cơ khí, ĐHBK Hà Nội và 2 cô gái đến từ Trường ĐH Ngoại thương thành lập. Uni-Vers là sự kết hợp của hai cụm từ “unique” và “version”, với mong muốn tạo nên một phiên bản đặc biệt của nhóm sinh viên chung đam mê nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Nguyễn Anh Tú, trưởng nhóm Uni-Vers cho biết ý tưởng cho dự án này xuất phát từ trải nghiệm của một bạn trong nhóm có người thân bị liệt tay, cần người luôn túc trực chăm sóc. Chế độ ăn đặc biệt và cần chia nhiều bữa nhỏ trong ngày của bệnh nhân chiếm khá nhiều thời gian của người thân, gây cho bệnh nhân cảm giác tự ti, lệ thuộc.

Từ đó, cậu sinh viên Bách khoa nhen nhóm suy nghĩ tạo ra một cánh tay robot bón thức ăn cho người bệnh, có thể điều khiển bằng giọng nói và được cài đặt camera nhận diện khuôn miệng.

“Sản phẩm được lắp đặt một chiếc micro hướng về phía bệnh nhân. Để vận hành cánh tay nhân tạo, bệnh nhân chỉ cần nói: “Robot mở”, “Robot tắt”, “Ô số 1/2/3/4”. Với bộ phận cảm biến nhận diện khuôn miệng, cánh tay robot sẽ xúc/gắp thức ăn một cách chính xác, ổn định và đưa tới cho người dùng”, trưởng nhóm Uni-Vers giải thích cách thức hoạt động của cánh tay robot.
Nhóm Uni-Vers nghiên cứu phát triển dự án “Cánh tay thông minh hỗ trợ người gặp khó khăn trong ăn uống sinh hoạt”
Với nghiên cứu này, nhóm Uni-Vers hy vọng có thể giúp người khó khăn trong vận động tay hòa nhập vào cuộc sống xã hội một cách thoải mái và chủ động, giải tỏa cảm giác lệ thuộc và giảm thiểu chi phí thuê người chăm sóc bệnh nhân.

Bên cạnh thế mạnh về kỹ thuật của các chàng trai Bách khoa Hà Nội, hai nữ sinh Ngoại thương phát huy hết kỹ năng, kiến thức về xã hội, kinh tế, hướng đến thương mại hóa sản phẩm. Nhóm sinh viên dự trù kinh phí cho một sản phẩm bán lẻ là 10 triệu đồng, phù hợp với các gia đình trung bình khá. 

“Phiên bản đặc biệt” với khả năng chiếm lĩnh thị trường

Được biết, trước đó, nhóm đã đưa dự án này lọt top 12 cuộc thi khởi nghiệp của miền Bắc mang tên “Thức thách xã hội - khởi nghiệp sáng tạo 2023”.

Đến với Sáng tạo trẻ 2023, nghiên cứu của Uni-Vers đã có những cải tiến đáng kể. Nếu ngày trước, cánh tay robot chỉ được lập trình nhận diện khẩu lệnh tiếng Anh, thì nay đã có thể nghe – hiểu tiếng Việt. Thay vì chỉ có thể xúc bằng thìa như trước, giờ cánh tay này có khả năng dùng đũa gắp thức ăn cho người bệnh.

Anh Tú chia sẻ: “Hiện nay, trên thị trường có một số sản phẩm tương tự nhưng còn nhiều hạn chế như: Cần thao tác trên những nút bấm thủ công, không phù hợp với người bại liệt tay. Chúng tôi tự tin sản phẩm được điều khiển bằng giọng nói của mình có thể “vượt mặt” các đối thủ khác”.

Trong quá trình tham gia Sáng tạo trẻ 2023, Uni-Vers học được nhiều từ các đội thi khác. Các bạn đề cao sự sáng tạo và tài năng của các đội đối thủ, cho rằng đội bạn rất tiềm năng với những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Đến với cuộc thi này, 3 chàng trai và 2 cô gái hướng tới việc hoàn thiện sản phẩm, trau dồi, bổ sung thêm kiến thức cho bản thân.

Lọt top 5 Chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023 là động lực lớn cho các thành viên nhóm. Đây là thành quả cho những ngày tháng bận rộn nghiên cứu và tìm tòi, học hỏi của cả đội. Tiếp tới đây, Uni-Vers sẽ tập trung vào tính hoàn thiện của sản phẩm để sẵn sàng mang đứa con tinh thần của mình đến Vòng Chung kết với một tâm thế tự tin nhất. Mục tiêu cuối cùng của nhóm là có thể thương mại hóa sản phẩm, đưa “Cánh tay thông minh hỗ trợ người gặp khó khăn trong ăn uống sinh hoạt” đến tay người tiêu dùng.
Nhóm Uni-Vers trình bày dự án nghiên cứu trước hội đồng cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023.
Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu các linh kiện, lắp đặt và tạo nên cánh tay robot, nhóm sinh viên Bách khoa Hà Nội – Ngoại thương đã có những kỷ niệm khó quên. Đáng nhớ nhất, trong một lần cả nhóm tập trung đi khảo sát thị trường, các bạn nữ đứng ở khía cạnh kinh tế đã có những câu hỏi “hóc búa” dành cho ba chàng trai kỹ thuật. Chuyến đi ấy giúp hai bên kinh tế - kỹ thuật học hỏi lẫn nhau, hiểu về lĩnh vực của nhau và tạo thêm những góc nhìn đa chiều mới cho các nhà khoa học tương lai.

Làm việc cùng các chàng trai Bách khoa Hà Nội, Thái Thị Lan Anh, nữ sinh đến từ Đại học Ngoại thương không khỏi cảm thán: “Tôi rất ngưỡng mộ các bạn nam trong nhóm! Các bạn không chỉ giỏi về kỹ thuật mà còn có thái độ làm việc chỉn chu, nghiêm túc. Tạo ra được một sản phẩm hoàn thiện về cả hình thức lẫn công nghệ trong thời gian 4-5 tháng là một điều rất khó. Có những hôm, các bạn làm việc từ sáng tới tối muộn ở lab với mong muốn đẩy nhanh tốc độ và thử nghiệm sản phẩm, chỉnh sửa, cải thiện những điểm chưa tốt. Làm việc với các bạn ấy, tôi cực kỳ yên tâm, thậm chí đôi lúc còn thấy… nhàn vì các bạn làm gần hết các công đoạn của sản phẩm rồi!”

Hướng dẫn nhóm Uni-Vers, GS. Vũ Toàn Thắng, Trưởng khoa Cơ điện tử, Trường Cơ khí, nhận xét: “Các bạn đều rất chăm chỉ, chịu khó và đam mê nghiên cứu sáng tạo. Đặc biệt, nhóm tập hợp được sinh viên từ hai trường mạnh về hai lĩnh vực khác nhau với mong muốn thương mại hóa sản phẩm, cung cấp cho những người thiếu khả năng vận động”.

Trưởng khoa Cơ điện tử đánh giá sản phẩm này có tính khả dụng cao, nếu phát triển tốt và được các cơ quan chức năng y tế đưa vào thử nghiệm lâm sàng, có thể mở rộng mô hình sử dụng trong viện dưỡng lão, các khoa phục hồi chức năng hay những gia đình có người già gặp khó khăn trong vận động.

Bên cạnh đó, GS. Vũ Toàn Thắng bày tỏ niềm tự hào khi nhóm Uni-Vers có thể vận dụng những kiến thức được học tại Bách khoa Hà Nội như: Điều khiển, xử lý hình ảnh, xử lý giọng nói, … vào một sản phẩm cụ thể và tiến tới Chung kết một cuộc thi nghiên cứu khoa học lớn dành cho sinh viên.

Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sinh viên Bách khoa Hà Nội biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào nghiên cứu khoa học phục vụ cuộc sống. Từ Sáng tạo trẻ 2023, sinh viên sẽ có sức bật tốt để đến gần hơn với ước mơ khởi nghiệp trong tương lai.
 

Theo thống kê khảo sát về việc làm của sinh viên ĐHBK Hà Nội trong đợt tốt nghiệp tháng 10/2023, 79% đã có việc làm trước khi nhận bằng, 12% học tiếp lên bậc cao hơn và 9% đang cân nhắc công việc.
 

Trần Trang. Ảnh: NVCC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây