Cô giáo “10 điểm không có nhưng”

Thứ sáu - 08/03/2024 03:00
TS. Nguyễn Thị Thanh Tú, giảng viên Khoa Khoa học & Công nghệ Giáo dục , ĐHBK Hà Nội
TS. Nguyễn Thị Thanh Tú, giảng viên Khoa Khoa học & Công nghệ Giáo dục , ĐHBK Hà Nội
TS. Nguyễn Thị Thanh Tú - Khoa Khoa học & Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội, là một cô giáo được các học trò chấm điểm 10/10, thậm chí … 11/10. Nếu thấp hơn 10 thì là do … “Đôi khi, điểm 9.5 sẽ khiến cô vui vẻ và hạnh phúc đón nhận hơn”.

Nghề chọn người

TS. Nguyễn Thị Thanh Tú là 1 trong 9 giảng viên tiêu biểu năm học 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Cơ duyên chị Tú đến với nghề giáo khá... lạ. Khi mới ra trường, công việc của chị là một kĩ sư thuộc Trung tâm Mạng Thông tin. Sau khi học Tiến sĩ, chị Tú được trao cơ hội giảng dạy, đứng lớp một số môn học phần về Công nghệ thông tin. 5 năm sau, TS. Tú chuyển về Khoa Khoa học & Công nghệ Giáo dục, ĐHBK Hà Nội, đảm nhận dạy môn Kĩ năng mềm và một số học phần Công nghệ thông tin.

Gắn bó với nghề dạy, TS. Nguyễn Thị Thanh Tú thấy mình có thể phát huy được nhiều điểm mạnh. Bằng chứng là những bức thư/tin nhắn chia sẻ của các bạn sinh viên – người đón nhận những kiến thức chị truyền tải.
 
Một bức thư cô Tú nhận từ học trò
Những lá thư, tin nhắn từ học trò khiến nữ giảng viên xúc động và cảm thấy ấm áp. Những “tài sản quý giá” ấy đã truyền động lực giúp chị Tú “trọn vẹn tình yêu với nghề giáo” hơn. Chị luôn khuyến khích sinh viên “Hãy bày tỏ cảm xúc tốt đẹp và yêu thương tới những người xung quanh!”

Công tác đã lâu (tốt nghiệp BKHN năm 2004) nhưng chị Tú vẫn giữ thói quen gọi các bậc tiền bối là thầy/cô, luôn khiêm tốn cầu thị. Ngay cả khi được xướng tên trong danh sách nhận giải Giảng viên tiêu biểu năm học 2023, TS. Nguyễn Thị Thanh Tú bối rối, ngại ngùng vì thấy mình chưa đủ giỏi như nhiều người khác. “Không phải tôi không tự tin với những gì mình đạt được, chỉ là xung quanh tôi có rất nhiều đồng nghiệp vô cùng tài giỏi, năng động và sáng tạo”, chị Tú bộc bạch.

Với cá nhân cô giáo Tú, làm việc trong một môi trường toàn người giỏi mang tới cơ hội phát triển rất lớn cho chị: “Điều quý giá tôi nhận được đó chính là niềm tin mà Ban Lãnh đạo Viện SPKT (ngày trước), Ban lãnh đạo Khoa KH & CN Giáo dục (hiện nay) đã trao cho tôi, để tôi có thể làm, cống hiến và khẳng định bản thân”. Chị khẳng định: “Bách khoa Hà Nội nuôi dưỡng tâm hồn tôi bằng sự bao dung, tình yêu thương sâu sắc nên tôi luôn trân trọng và biết ơn tất cả những gì mình nhận được từ Bách khoa Hà Nội …”. Chị nhớ và biết ơn tất cả những thầy cô, anh chị đã dạy cho chị những bài học quý giá để chị trưởng thành, sống biết yêu thương và nhân ái.

Không chỉ học từ những thầy cô trong trường, chị Tú còn rút ra nhiều bài học lớn từ chính sinh viên của mình. Điển hình, TS. Thanh Tú từng dạy một nam sinh viên thiếu may mắn về sức khỏe - người mà chị gọi là “Người bạn lớn”. Mọi sinh hoạt thường ngày như nói, đi, viết, … của nam sinh đều rất khó khăn. Khi làm bài thi, cậu xin thêm 30 phút vì viết không nhanh như các bạn khác. Khi thấy nhóm của nam sinh ngồi phía dưới của giảng đường, chị Tú xuống mời người mà chị gọi là “Người bạn lớn” lên trên ngồi để nghe giảng được tốt hơn và thuận tiện trong việc di chuyển, thì nhận được lời đáp: “Xin cô cho em ngồi cùng nhóm của mình như những sinh viên bình thường khác". Gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nhưng nam sinh viên vẫn học tốt, tốt nghiệp BKHN loại Giỏi. “Nếu cô là em, cô không có đủ nghị lực như vậy. Cảm ơn em vì đã dũng cảm để thực hiện được ước mơ của mình”, chị Tú thán phục chia sẻ cùng nam sinh.

Chính sự yêu thương, lòng nhân ái và sự cầu thị đã tạo nên một cô Tú được nhiều sinh viên yêu mến. Chắc hẳn bất cứ một học sinh, sinh viên nào cũng mong muốn cô giáo của mình dịu dàng chỉ bảo, truyền cảm hứng và động lực để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Trò … “chấm điểm” thầy
TS. Nguyễn Thị Thanh Tú (bìa phải) đi công tác cùng các đồng nghiệp & sinh viên của Khoa Khoa học & Công nghệ Giáo dục
Có rất nhiều minh chứng để khẳng định TS. Nguyễn Thị Thanh Tú đã chiếm trọn tình cảm của rất nhiều sinh viên Bách khoa Hà Nội. Cùng lắng nghe một số chia sẻ của sinh viên từng học cô giáo Tú:

Cựu sinh viên Ngô Xuân Huy, K59, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông: “Nhờ cô Tú, em đã có thêm động lực và quyết tâm để nộp hồ sơ xin học bổng sau đại học. Đối với em, du học thạc sĩ sau khi có trong tay tấm bằng danh giá của Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những quyết định đúng đắn nhất của mình. Cô Tú là người đã góp công rất lớn giúp em định hướng và đi tới quyết định đúng đắn ấy. Em biết ơn cô rất nhiều.

Nếu có thể “chấm điểm” cô Tú, em sẽ cho cô điểm 9/10. Em sẽ giữ 1 điểm còn lại cho sau này. Em mong rằng với 1 điểm ấy, cô sẽ luôn luôn giữ vững tình yêu với nghề giáo như hiện giờ để các thế hệ tiếp theo của BKHN có cơ hội được trải nghiệm một môi trường sư phạm vô cùng chuyên nghiệp nhưng cũng rất nhân văn”.


Cựu sinh viên Danh Tú, K63, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông: “Đối với em, cô Tú là một giảng viên rất nhiệt huyết với nghề. Cô có cách tương tác với sinh viên rất khéo léo, tinh tế cùng một nguồn năng lượng dồi dào, tích cực. Do vậy, lớp của cô Tú lúc nào cũng đông sinh viên chăm chú nghe giảng, đôi lúc sôi động và hân hoan tiếng cười. Cô khuyến khích các bạn chia sẻ quan điểm sống, cách nhìn nhận về một vấn đề xã hội. Cô tiếp thêm động lực cho những bạn sinh viên “hướng nội” bước ra khỏi vùng an toàn, dũng cảm chia sẻ câu chuyện, quan điểm của bản thân trước cả lớp. Chính em từ một cậu học sinh từng rất “dại khờ” “kém giao tiếp” “sợ đứng trước đám đông”, … nhờ cô mà đã nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. Cô Tú là giảng viên mà em ấn tượng và yêu quý nhất trong quãng thời gian sinh viên của mình.”

Sinh viên Nguyễn Lâm Hải, lớp GINP17 – K63, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông: “Nhắc đến cô Tú, chỉ có một từ duy nhất có thể bao hàm tất cả: Sự tử tế. Cô đã cho bọn em rất nhiều cơ hội để thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng khiến bọn em nhìn lại vào chính bản thân mình để xác định mình là ai, giá trị của bản thân là gì để bọn em có động lực phấn đấu trên con đường đã chọn. Không có một thang đo nào để đánh giá sự tử tế và tận tâm của một người thầy và một người mẹ cả. Em hi vọng cô sẽ có thật nhiều sức khỏe để tạo ra nhiều trải nghiệm học tập vô giá như bọn em đã may mắn có được”.

Sinh viên Nguyễn Hữu Trường, K67, Trường Hóa và Khoa học sự sống: Cô Tú rất đặc biệt đối với em. Trước khi gặp cô, em rất tự ti, nhút nhát và thờ ơ với cuộc sống. Nhờ vào những chia sẻ từ đáy lòng từ cô, em đã học được rất nhiều kỹ năng mềm nhưng quan trọng nhất là sự định hình để tạo nên bản sắc con người. Cô luôn hướng cho sinh viên đến một lối sống tử tế, có đạo đức.

Ngoài ra, cô Tú cũng là một người cố vấn, người bạn đồng hành đáng tin cậy. Cô luôn lắng nghe và động viên em trong những thời điểm khó khăn. Sự hỗ trợ và tình cảm từ cô đã giúp em vượt qua những thách thức trong cuộc sống và học tập. Em tin rằng những gì em học được từ cô sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của mình.

Trên thang điểm 10, em sẽ chấm cô 9.5 bởi khi nhận điểm 10, cô sẽ rất “nặng” ở trong lòng, cô luôn cảm thấy mình “chưa đủ”. Đôi khi, điểm 9.5 sẽ khiến cô vui vẻ và hạnh phúc đón nhận hơn”. 


Sinh viên Trần Yến Vi, chuyên ngành Hóa học, K66, Trường Hóa và Khoa học sự sống: “Cô Tú là một giáo viên siêu giỏi, vừa có nghiệp vụ và chuyên môn tốt, lại rất thân thiện với sinh viên. Qua những tiết học trên lớp, em cảm nhận được cô Tú có kiến thức sâu sắc và kinh nghiệm phong phú. Trên tất cả, cách giảng bài của cô rất hay và thú vị, kể cả tiết học vào sáng thứ 7 cũng không thể làm em buồn ngủ hay cảm thấy nhàm chán. Ngoài ra, cô là người truyền cảm hứng cho sinh viên. Em thích những câu chuyện cô kể làm ví dụ, vừa giúp bọn em hiểu bài vừa lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cho mọi người”.

Sinh viên Đinh Thị Trang Nhung, chuyên ngành Kỹ thuật thực phẩm, K67, Trường Hóa và Khoa học sự sống: “Cô Tú là một giảng viên rất thân thiện với sinh viên. Các tiết học của cô thực sự rất thoải mái. Cô mang đến cho bọn em rất nhiều những câu chuyện hay giúp chúng em rút ra các bài học, chứ không phải những slide với lý thuyết khô khan. Cô luôn lắng nghe ý kiến của sinh viên và cho chúng em được những lời giải đáp. Nếu chưa thể, cô cũng “xin nợ” để cô suy nghĩ chứ không bao giờ cô bỏ lửng những câu hỏi ấy. Cô làm việc rất tận tâm. Dù là tối muộn, cô luôn cố gắng sửa các bài tập nhóm để chúng em có bài báo cáo tròn trịa nhất.

Đối với em, cô Tú 10/10. Em biết khi cô đọc được, cô sẽ nói “Cô chưa xứng đáng với điểm này đâu”, nhưng với chúng em thì cô xứng đáng, rất rất xứng đáng!”


Sinh viên Nguyễn Ngọc Phương Thảo, chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, K67, Trường Điện- Điện tử: “Cô Tú có rất nhiều năng lượng tích cực nhưng cũng hay ngại khi nhận được lời khen hay những lời có cánh. Đối với em, cô Tú là một giảng viên tâm huyết đúng nghĩa. Mỗi ngày đứng trên bục giảng, cô đều đem tất cả vốn liếng kiến thức của mình để chỉ dạy cho sinh viên. Cô luôn sẵn sàng lắng nghe sinh viên của mình, cho sinh viên quyền quyết định, tôn trọng và hết mình với sinh viên. Thật khó để tìm được một người giảng viên tâm huyết như vậy.

Cô Tú đã truyền rất nhiều năng lượng tích cực cho em, cô dạy em cách biết chia sẻ, lắng nghe và thậm chí là cải thiện cái nhìn của em về cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp và chân thực nhất. Đối với sinh viên, việc đi làm đi học mất rất nhiều năng lượng và thời gian nhưng tuyệt nhiên trong mỗi tiết học của cô, em lại cảm thấy rất được thả lỏng. Nói đúng hơn, tiết học của cô là những buổi chia sẻ cảm xúc của cá nhân sinh viên và cô sẵn sàng lắng nghe mọi thứ.

Nếu để "chấm điểm" cô Tú trên thang điểm 10, em sẽ không ngần ngại cho cô điểm 11. Em rất biết ơn cô vì cô đã tạo ra những giá trị vô cùng tốt đẹp cho cuộc sống và cho những người xung quanh”.


Sinh viên Nguyễn Hoài Nam, chuyên ngành Hệ thống và Thiết bị Nhiệt, K63, Trường Cơ khí: “Em và các bạn cùng lớp may mắn được gặp gỡ cô Tú thông qua việc học môn Kỹ năng mềm kỳ 2020.2. Cô là một giảng viên mẫu mực, có trách nhiệm, luôn quan tâm sinh viên mỗi khi chúng em gặp khó khăn trong học tập, Bên cạnh đó, những giờ giảng bài trên lớp của cô thực sự rất bổ ích và quý giá với chúng em. Ngoài kiến thức chuyên môn như: Cách quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp tự tin, kỹ năng thuyết trình, … chúng em còn được học thêm các bài học về cuộc đời thông qua trải nghiệm của chính cô Tú. Điều đó giúp chúng em hình dung một cách trực quan hơn về tầm quan trọng của môn học, cũng như tăng thêm sự gắn kết giữa giảng viên và sinh viên.

Đối với riêng cá nhân em, ấn tượng đầu tiên của em về cô Tú là giọng nói. Em vẫn nhớ như in buổi học online đầu tiên ấy, khi cô cất giọng giảng bài, em đã phải thốt lên trong lòng “giọng cô nghe hay quá”, dịu mát và dễ chịu. Đồng thời, kết hợp với cách diễn giải theo lối kể chuyện có logic, chiều sâu làm cho em cảm thấy yêu thích môn học thay vì sự nhàm chán khô khan bất kể hình thức online hay offline.

Trước khi biết đến cô, em là một sinh viên hướng nội nhút nhát, cộng với việc bản thân bị khuyết tật làm em luôn có những suy nghĩ tiêu cực, kém tự tịn. Sau khi gặp và tâm sự với cô Tú, em đã dần mở lòng mình hơn, suy nghĩ tích cực hơn rằng “Cuộc đời này luôn đầy rẫy khó khăn, nhưng cũng có nhiều thứ tươi đẹp, chỉ cần ta có ý chí nỗ lực làm hết sức mình, một ngày nào đó chúng ta sẽ thành công”.


Nhờ vậy mà thành tích học tập của em dần được cải thiện, từ CPA năm Nhất 1.91/4.00, em đã cố gắng lên CPA 3.33/4.00 (không cần học cải thiện) và đang chuẩn bị tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại Giỏi. Bên cạnh sự động viên từ gia đình, cô Tú là người truyền động lực to lớn giúp em có một phiên bản tốt như hiện tại. Em luôn biết ơn, yêu thương và coi cô Tú như người mẹ thứ hai của mình. Cô Nguyễn Thị Thanh Tú 10/10 điểm!”
 
Trần Trang. Ảnh: NVCC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây