Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định Bách khoa Hà Nội là trung tâm về khoa học và kỹ thuật hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong mạng lưới các trường Công nghệ và Kỹ thuật Việt Nam vào sáng ngày 18/8 về chính sách cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu trong buổi gặp mặt, “Đại học Bách khoa Hà Nội có tư duy rất đổi mới, phù hợp với xu thế hiện nay của khu vực và thế giới. Tôi có thể khẳng định, Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật trọng điểm, trung tâm về khoa học và kỹ thuật hàng đầu Việt Nam và khu vực”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhà trường và các nhà khoa học cũng đã đề xuất, trao đổi với Bộ trưởng về các chính sách đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, hỗ trợ của chính phủ đối với các đề tài nghiên cứu cơ bản và các hướng nghiên cứu ưu tiên trong Bách khoa Hà Nội.
Các đại diện đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội và doanh nghiệp cũng trình bày các bài tham luận về "Đào tạo, khoa học, công nghệ & đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017-2025 tầm nhìn 2030 của Đại học Bách khoa Hà Nội", cũng như "Hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và Hà Nội trong nghiên cứu, chuyển giao và thu hút đầu tư".
Mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu đa lĩnh vực hàng đầu
Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan Phòng thí nghiệm Nhà máy số của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 2022, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng với 5 nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo, Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Toán học và Khoa học Vật liệu được xếp thứ hạng đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS.
Kết quả này là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Bách khoa Hà Nội với công cuộc chuyển đổi mô hình tổ chức và đổi mới quản trị từ năm 2021, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết.
Trong các năm trở lại đây, chất lượng tuyển sinh ngày càng cải tiến. Bách khoa Hà Nội đã thành công tiếp nối truyền thống để tuyển chọn được những sinh viên tốt nhất với niềm đam mê về khoa học công nghệ.
Trong 2 năm vừa qua, 25 chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội đã được kiểm định và dự kiến thêm 12 chương trình hoàn thành kiểm định vào cuối năm 2022. Với kế hoạch đề ra, tất cả các chương trình học bằng tiếng Anh và các chương trình Elitech sẽ được kiểm định vào năm 2023.
Thông qua dự án SAHEP đầu tư bởi Ngân hàng Thế giới, Trường đã thành lập được 15 phòng thí nghiệm đào tạo trong các lĩnh vực Điện, Cơ khí, Hóa và Vật liệu năm 2021. Bách khoa Hà Nội cũng thực hiện quy hoạch hệ thống các Lab và thành lập một số Lab mạnh với các hoạt động nghiên cứu liên ngành, phát triển các sản phẩm mang trí tuệ Bách khoa Hà Nội, sẵn sàng cho chuyển giao và thương mại hóa.
Trong buổi làm việc, Đoàn công tác cũng tham quan 3 lab với các mô hình khác nhau: mô hình tài trợ từ hợp tác quốc tế, mô hình đầu tư của nhà trường và mô hình hợp tác với doanh nghiệp. Đây đều là các phòng thí nghiệm điển hình với sự phát triển vượt bậc trong nghiên cứu.
Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan Viện Nghiên cứu công nghệ không gian và dưới nước của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cho biết, “Bách khoa Hà Nội thường xuyên trong top 5 đơn vị nhận được tài trợ từ nguồn nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ.”
Số bài báo được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science và Scopus đạt 735 bài, tăng khoảng 1,52 lần so với năm 2016. Số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích đăng ký và được chấp nhận là 31, trong đó đã được cấp là 11, tăng 37,5% với năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng được duy trì như vậy, đến năm 2030, số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích đạt gấp 3 lần kết quả của năm 2020.
Đổi mới sáng tạo – mục tiêu chiến lược của Bách khoa Hà Nội
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Nhà trường, nhấn mạnh “Bách khoa Hà Nội xác định đổi mới sáng tạo trong liên kết mạng lưới mở theo chuỗi giá trị là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2021-2025”.
Trong buổi làm việc, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ quan điểm phát triển và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Nhà trường, phát biểu đề dẫn tại buổi làm việc
Ông cho rằng các trường đại học cần liên kết, tập hợp sức mạnh, để thực hiện cụm các đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo chuỗi giá trị và nhu cầu kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng của một ngành, một lĩnh vực của quốc gia.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là tập trung, thúc đẩy phát triển nghiên cứu và sáng tạo công nghệ để hình thành các spin-off và start-up trên cơ sở thương mại hóa tài sản trí tuệ hình thành trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và hợp tác.
Bách khoa Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm ‘Make in Bách khoa Hà Nội’ trong một số lĩnh vực then chốt, đặc biệt là Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh, Năng lượng & Môi trường bền vững, Vật liệu mới, Khoa học và Công nghệ Sức khỏe.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường hợp độc đáo trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam với một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ ý tưởng với các nghiên cứu chuyên sâu, đến các hoạt động ươm tạo, tăng tốc và cuối cùng là hỗ trợ thương mại hóa thông qua quỹ đầu tư BK Fund.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Bách khoa Hà Nội đã đầy đủ các thành tố và đang tích cực hoàn thiện. Đặc biệt, Trường cũng đề xuất phát triển khu vườn ươm công nghệ cao tại Hòa lạc để có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
‘Phải coi trọng nghiên cứu cơ bản’
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, “Tự chủ không đồng nghĩa với tự lo. Nhà nước vẫn phải tăng cường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhóm nghiên cứu mạnh có thể phát huy trí tuệ và năng lực”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (trái) và Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng trong phiên trao đổi của buổi làm việc
“Phải coi trọng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu trong trường đại học dù định hướng ứng dụng vẫn là nghiên cứu cơ bản. Quan trọng là, ngân sách nhà nước vẫn phải đóng góp chính”, NGND.GS.TS Nguyễn Đức Chiến đóng góp ý kiến tại phiên họp.
Các đại diện Bách khoa Hà Nội cũng có một số đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng, các bộ ban ngành liên quan về các cơ chế tạo động lực thúc đẩy cho các cụm nhiệm vụ KHCN. Bên cạnh đó, các vướng mắc trong hành lang pháp lý xung quanh nguồn vốn đầu tư cho khoa học công nghệ và cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ cũng được đề cập và trao đổi thẳng thắn.
Cụ thể, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 đề xuất chính:
Thứ nhất, Bách khoa Hà Nội đề xuất giao thí điểm cho các trường đại học khối kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam chủ trì các cụm nhiệm vụ nghiên cứu thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo chuỗi giá trị và nhu cầu kinh tế-xã hội của vùng trong giai đoạn đến năm 2030, đặc biệt trong các lĩnh vực về Vi mạch trí tuệ nhân tạo, Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Thiết bị và hệ thống thông minh, Vật liệu tiên tiến cho phát triển bền vững…;
Thứ hai, dự án trung tâm dữ liệu lớn sử dụng chung trong Câu lạc bộ KH&CN các trường kỹ thuật được thành lập tại Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm thúc đẩy và phát triển mô hình đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp công nghệ & công nghiệp làm trung tâm;
Thứ ba, Bách khoa Hà Nội đề xuất thí điểm chính sách thành lập và phát triển được các spin-off và start-up trên cơ sở thương mại hóa tài sản trí tuệ hình thành trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và hợp tác;
Thứ tư, Nhà Trường cũng mong muốn nghiên cứu phương án khu ươm tạo công nghệ, Lab nghiên cứu gắn với đào tạo trình độ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc để phối hợp cùng Sở KH&CN Hà Nội phát triển các doanh nghiệp ưu tiên của Thủ đô Hà Nội.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ấn tượng với tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sỹ trở lên của Bách khoa Hà Nội gấp 2 lần so với con số trung bình cả nước. Ông cũng thể hiện sự ủng hộ của mình trong quá trình chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học của Bách khoa Hà Nội để có thể thuận lợi phát huy những tiềm lực nội tại.
Tại buổi trao đổi, Bộ trưởng đề xuất đặt hàng các ý tưởng và sản phẩm nghiên cứu với quy mô lớn để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, “Bách khoa Hà Nội là đối tác chiến lược của Bộ trong hoạt động khoa học công nghệ thời gian sắp tới.”
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong năm sáng lập viên của Mạng lưới các trường Công nghệ & Kỹ thuật Việt Nam và giữ vai trò thành viên thường trực. Mạng lưới được thành lập năm 1992 với mục đích tăng cường hợp tác giữa các trường đại học khối kỹ thuật trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức. Cho đến nay, mạng lưới đã có 26 thành viên, gồm các trường Đại học và Học viện Kỹ thuật trên cả nước. Năm 2021, Bách khoa Hà Nội nhận giải thưởng Đổi mới sáng tạo của tổ chức uy tín Clarivate và vinh danh top 1 Ngôi sao sáng chế IPSTAR khối trường Đại học của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bách khoa Hà Nội là trường đại học duy nhất của Việt Nam được tổ chức Clarivate trao giải thưởng đổi mới sáng tạo hai năm liên tiếp vào năm 2020 và 2021. |
Hà Kim. Ảnh: Duy Thành
Tác giả: Hà Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn