Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ bảy - 11/01/2025 06:08
Sáng nay (11/1), tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Hội thảo "Nâng cao năng suất lao động và chất lượng trong kỷ nguyên số".
Hội thảo được 3 đơn vị: Viện Công nghệ và Kinh tế số (Đại học Bách khoa Hà Nội), Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Viện Năng suất Việt Nam - phối hợp đồng tổ chức trên tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.
Đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng lao động
Phát biểu khai mạc, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo của 3 đơn vị. Năng suất lao động là động lực tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước, là vấn đề truyền thống nhưng cần có cách tiếp cận mới trong bối cảnh mới của thời đại, của đất nước.
Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và ngành giáo dục nói chung, kỷ nguyên số đem đến cả cơ hội và thách thức, yêu cầu sự chuyển đổi không ngừng để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về hạ tầng mà tạo nên những tác động trực tiếp: Giúp người thầy sáng tạo hơn trong từng bài giảng, giúp người học có nhiều cách tiếp cận tri thức phong phú. Từ nền tảng đó, thầy và trò sẽ cùng đổi mới, sáng tạo, tạo nên những sáng kiến hữu ích trong nghiên cứu khoa học, áp dụng trong thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động Việt Nam.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng tin tưởng các chuyên gia, nhà khoa học sẽ cùng đưa ra những giải pháp hữu ích khơi dậy tinh thần sáng tạo của sinh viên, khát vọng cống hiến của nhà nghiên cứu, cùng cống hiến cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
5 tham luận, 1 phiên thảo luận
Hội thảo được cấu trúc thành phiên tham luận và phiên thảo luận. Phiên tham luận gồm 5 bài trình bày:
1. Giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên số ở Việt Nam hiện nay - TS. Nguyễn Văn Quyết, Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Nắm bắt chuyển đổi số dựa trên AI để nâng cao năng lực kiến tạo giá trịnh trong giáo dục: Chiến lược, chính sách và bài học quốc tế - GS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore, Top 2% các nhà khoa học toàn cầu có ảnh hưởng nhất (theo xếp hạng của Đại học Stanford).
3. Mô hình chuyển đổi số đồng bộ và bền vững của Việt Nam - TS. Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
4. Quản trị tinh gọn: Hành trình thay đổi từ tư duy đến hành động - ThS. Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Tư vấn Cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
5. Vai trò và tiềm năng của chữ ký số tại các cơ sở giáo dục - TS. Đỗ Bá Lâm, Thành viên Viện Công nghệ và Kinh tế số; Giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các diễn giả trình bày 5 tham luận
Phiên thảo luận bàn tròn “Nâng cao năng suất lao động và chất lượng trong kỷ nguyên số” có sự tham gia của 6 diễn giả: GS. Vũ Minh Khương; GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán; PGS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Trần Hậu Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; TS. Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện CNXHKH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Văn Cường.
PGS. Nguyễn Bình Minh, Viện trưởng Viện Công nghệ và Kinh tế số - điều phối phiên thảo luận.
Thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng trao đổi các giải pháp cải tiến liên tục, giảm lãng phí và nâng cao chất lượng đào tạo, cụ thể: Chia sẻ phương pháp tiếp cận năng suất và chất lượng trong giáo dục, xây dựng chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động, tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng suất vận hành.
Địa chỉ mới kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ số, kinh tế số
Trong khuôn khổ hội thảo, Viện Công nghệ và Kinh tế số, Đại học Bách khoa Hà Nội ra mắt Chuyên san Khoa học Thường thức Kinh tế số (Vietnam D-Economy Review).
Chuyên san hướng tới trở thành câu nối tri thức giữa các chuyên gia và nhà nghiên cứu, giữa doanh nghiệp và Đại học, giữa nhà phát triển ứng dụng và cộng đồng xã hội, tập trung vào các chủ đề chính gồm:
- Đổi mới chính sách kinh tế và thống kê thành tựu đạt được trong kỷ nguyên số: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
- Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số, bài học thế giới và ứng dụng tại Việt Nam.
- Phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh bền vững: Dựa trên các trụ cột ưu tiên như công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.
- Ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực hướng tới hình thành xã hội số (tài chính, tiếp thị, giáo dục, y tế, bảo hiểm, logistics, thương mại điện tử, v.v.): Cập nhật các xu hướng ứng dụng, giải pháp mới nhất.
- Quản trị doanh nghiệp trong thời đại số: Các chiến lược tối ưu quy trình nghiệp vụ và phương pháp quản trị hiệu quả.
- Công nghệ số: Cập nhật các tiến bộ công nghệ số mới nhất liên quan đến dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain).
Trong thư ngỏ Chuyên san, PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ ấn phẩm sẽ là địa chỉ tin cậy để các nhà khoa học, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số cùng chia sẻ những vấn đề cấp bách, thảo luận chuyên sâu, tìm kiếm và giới thiệu những giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này; là kênh để Bách khoa Hà Nội kết nối và lan toả các xu hướng công nghệ tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số dưới góc nhìn đại chúng cho nhiều đối tượng độc giả trong và ngoài nước.
Bên cạnh ra mắt Chuyên san Khoa học Thường thức Kinh tế số, Viện Công nghệ và Kinh tế số đã khánh thành không gian Phòng Thí nghiệm Blockchain R&D - PTN nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các lĩnh vực: tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, giao thông vận tải,....
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào quá trình chuyển đổi số sâu sắc và toàn diện, Đại học Bách khoa Hà Nội tự hào là một trong những lá cờ đầu về nghiên cứu khoa học, đào tạo chất lượng cao và ứng dụng công nghệ. Với lịch sử gần 70 năm phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội không ngừng đổi mới, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại và phát triển theo định hướng "Đại học số chia sẻ", lan toả tri thức, đáp ứng nhu cầu của xã hội và góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.