Coi trọng, gìn giữ và phát triển các chương trình đào tạo Pháp ngữ

Thứ bảy - 20/01/2024 11:06

Ngày 20/1, tại ĐHBK Hà Nội diễn ra Tọa đàm “Phát triển nghề nghiệp cho sinh viên Pháp ngữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật: Cơ hội và thách thức”. Tọa đàm được ĐHBK Hà Nội, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) đồng tổ chức nhằm tạo ra một không gian trao đổi giữa các sinh viên, cựu sinh viên, các thầy cô phụ trách các chương trình đào tạo hợp tác với Pháp ngữ về lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại một số trường ĐH trên địa bàn Hà Nội, các đại diện tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khai mạc Tọa đàm, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội phát biểu: “Mặc dù hiện nay, ĐHBK Hà Nội cũng hợp tác đào tạo đa dạng với các đối tác tại nhiều quốc gia khác nhau như: Đức, Nhật, Anh, Úc... và có gần 20 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, chúng tôi vẫn luôn coi trọng và mong muốn gìn giữ, phát triển các chương trình đào tạo Pháp ngữ”.

Phó Giám đốc ĐH khẳng định điều đó xuất phát từ mong muốn đa dạng hóa các nền văn hóa trong khuôn viên của ĐHBK Hà Nội, đa dạng hóa con đường phát triển nghề nghiệp của sinh viên BKHN, đồng thời xuất phát từ mối quan hệ gắn bó lâu đời, sự trân quý và tin tưởng đối với các đối tác Pháp ngữ.   
 
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm ngày 20/1. Ảnh: Duy Thành

PGS. Huỳnh Đăng Chính cũng hy vọng sau khi Tọa đàm kết thúc, mỗi người tham dự đều có thể rút ra những thông tin hữu ích và nhìn rõ hơn mỗi thành tố cần phải làm những gì để đem đến cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn cho các sinh viên Pháp ngữ trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật.

ĐHBK Hà Nội là thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) từ năm 1992 và có quan hệ hợp tác gắn bó lâu đời với các đối tác Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác đào tạo. Bên cạnh các Chương trình đào tạo Cử nhân và Kỹ sư, ĐHBK Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển các Chương trình đào tạo song bằng Thạc sỹ và Chương trình đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các trường ĐH đối tác Pháp như Trường ĐH TelecomParis Sud, Trường ĐH CNAM, Trường ĐH Clermont-Auvergne, ...

Để tăng cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên Pháp ngữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhu cầu tạo nên một không gian trao đổi giữa các sinh viên đang theo học các Chương trình đào tạo hợp tác với Pháp ngữ, các cựu sinh viên, các thầy cô Phụ trách các chương trình đào tạo và các đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước là một nhu cầu thiết yếu. Là đơn vị đứng đầu trong các cơ sở giáo dục đại học về lĩnh vực khoa học – kỹ thuật trên cả nước, ĐHBK Hà Nội hiểu được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, chia sẻ kiến thức giữa các nhà khoa học Pháp ngữ.
 
Những người tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm ngày 20/1. Ảnh: Duy Thành

Tọa đàm “Phát triển nghề nghiệp cho sinh viên Pháp ngữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật: Cơ hội và thách thức” kỳ vọng có thể thành lập một mạng lưới thông tin, trong đó các cựu sinh viên Pháp ngữ đã thành công trong sự nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên khóa sau.

Cũng tại Tọa đàm, ông Laurent Sermet – Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Chúng tôi ghi nhận sự thành công của các chương trình đào tạo hợp tác với Pháp và những sinh viên được đào tạo tại ĐHBK Hà Nội”. Ông bày tỏ mong muốn sinh viên Pháp ngữ sẽ duy trì và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng Pháp ngữ nói chung và 3 bên tổ chức Tọa đàm nói riêng.
 
Cho đến nay, có trên 500 sinh viên của ĐHBK Hà Nội đang theo học các chương trình đào tạo hợp tác với Pháp như: Chương trình đào tạo kỹ sư Chất lượng cao (PFIEV) ngành Cơ khí hàng không và Tin học Công nghiệp (được triển khai từ năm 1999); Chương trình Cử nhân CNTT Việt-Pháp (được triển khai từ năm 2022 với tiền thân là Chương trình PFIEV ngành Công nghệ thông tin và Chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên ngành Thiết kế và Quản trị Hệ thống thông tin hợp tác với Trường ĐH Grenoble (INP).
Mai Phương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây