Niềm hạnh phúc của nhà khoa học là nghiên cứu ra sản phẩm ứng dụng vào thực tế

Thứ tư - 13/11/2024 21:00
TS. Trương Đức Phức (bìa phải) giảng dạy về khuôn mẫu cho sinh viên
TS. Trương Đức Phức (bìa phải) giảng dạy về khuôn mẫu cho sinh viên
TS. Trương Đức Phức - Giảng viên Trường Cơ khí - là gương mặt vàng trong làng nghiên cứu khoa học ứng dụng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù trong vai trò giảng dạy hay nghiên cứu, TS. Trương Đức Phức đều trân trọng công việc của mình, bởi mỗi vai trò đều tạo cho anh những giá trị hạnh phúc riêng. 

Cậu học sinh Quảng Ninh 8X Trương Đức Phức từ bé đã “khác người”, không thích dùng những đồ có sẵn mà thích đồ “hand made by Đức Phức”! Năm học mới, ra nhà sách là mua được ngay một số đồ dùng học tập. Nhưng Đức Phức hì hục mày mò tự hàn cắt làm đèn học và một số đồ dùng theo ý tưởng thiết kế của mình! Đam mê thiết kế, sáng tạo đó khiến chàng trai 18 tuổi quyết tâm thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2006, kỹ sư Trương Đức Phức tốt nghiệp xuất sắc ngành Chế tạo máy, và được tuyển dụng làm giảng viên của Bộ môn Công nghệ Chế tạo máy, Khoa Cơ khí. Năm 2007, Anh giành học bổng du học Thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan, sau đó tiếp tục theo học chương trình Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Tokyo - Nhật Bản. 

Trải qua nhiều năm học tập, nghiên cứu tại “đất khách quê người”. Năm 2014, TS. Trương Đức Phức trở về mái trường xưa để tiếp tục cống hiến cho Đại học Bách khoa Hà Nội và cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. 

Hạnh phúc của giảng viên là thành công của sinh viên

TS. Trương Đức Phức luôn muốn áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến Đài Loan và Nhật Bản vào môi trường giáo dục ở Đại học Bách khoa, đặc biệt là mô hình phòng thí nghiệm hay lab nghiên cứu để giảng viên và sinh viên cùng làm việc. Tại những lab này, sinh viên có điều kiện thực hành và tham gia các dự án thực tế dưới sự hướng dẫn của giảng viên. 
 
TS Trương Đức Phức Giảng viên Trường Cơ khí, ĐHBK Hà Nội
TS. Trương Đức Phức - Giảng viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội
Quyết tâm thực hiện ý tưởng ấp ủ bấy lâu, thầy quyết định xây dựng một phòng lab mang tên CAD/CAM/CAE Solution (3Cs Lab) tại Bách khoa Hà Nội. Thầy Phức tự hào khẳng định: “Với quy mô lab hiện nay, sinh viên hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh khi có ý tưởng.” 

Không dừng lại ở đó, thầy Phức tiếp tục học tập mô hình Fablab (Fabrication Lab) - lab chế tạo mở để giúp các sinh viên trong Trường có thể sử dụng các trang thiết bị để chế tạo ra các mô hình, sản phẩm nhằm hiện thực hóa mọi ý tưởng sáng tạo của sinh viên. 

Thầy đã xây dựng Smart Fablab với đầy đủ các trang thiết bị khép kín từ khâu thiết kế, mô phỏng phân tích, hàn và chế tạo mạch in, gia công cắt gọt và in 3D. Với sự hỗ trợ của Smart Fablab, sinh viên có thể chế tạo hoàn chỉnh sản phẩm nghiên cứu mẫu (prototype) giống như sản phẩm thực tế để từ đó tiến hành đánh giá, phân tích các tính năng hoạt động trước khi đưa sản phẩm ra thương mại hóa. 

Đã có nhiều ý tưởng sáng tạo của thầy trò được hiện thực hóa thành các sản phẩm ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, đây cũng là môi trường nghiên cứu giúp các sinh viên được trau dồi các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghiên cứu để phát triển toàn diện.  

Nhìn lại chặng đường đã qua, niềm tự hào lớn nhất của thầy Phức là thành công của những sinh viên. 

Năm 2024, sinh viên trong lab thầy đã xuất sắc giành được các suất học bổng ThS, TS giá trị lớn: 1 bạn giành học bổng học thẳng lên TS tại Úc với mức học bổng khoảng 130,000 AUD trong 3,5 năm, 1 bạn đạt học bổng học ThS theo học bổng Erasmus danh giá tại châu Âu, 1 sinh viên nhận học bổng du học ThS tại Nhật Bản... Bên cạnh đó, tất cả các sinh viên tốt nghiệp khác đều tuyển dụng vào các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các chế đãi ngộ tốt.

TS. Trương Đức Phức chia sẻ: "Sự tỏa sáng và thành công của sinh viên chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy. Đó cũng là trái ngọt cho sự nỗ lực, đam mê của cả thầy và trò, vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi đam mê nghiên cứu."

Hạnh phúc khi nghiên cứu tạo ra sản phẩm ứng dụng thực tế!

Thầy Phức luôn tâm niệm NCKH phải tạo ra những sản phẩm giải quyết được các bài toán thực tiễn. 

Quan điểm này phù hợp với triết lý giáo dục của Trường Cơ khí: "Giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội." Vì vậy, thầy trò trong lab luôn tập trung nghiên cứu các sản phẩm có tính ứng dụng cao vào đời sống. 

Những sáng chế của thầy trò TS. Phức đã phục vụ thiết thực cho nhiều lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Một số sản phẩm tiêu biểu như: Máy phun sương khử khuẩn trong phòng mổ, máy chiếu vàng da trẻ sơ sinh, dụng cụ hỗ trợ thu stent graph trong phẫu thuật động mạch, cân y tế IoT, máy trợ thở, vòng đeo cổ cánh báo đột quỵ… 
 
67c3bf54e33d45631c2c
TS. Trương Đức Phức (áo đỏ) cùng các sinh viên 3Cs Lab tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sinh viên NCKH và sáng tạo, ĐHBK Hà Nội
Thầy Phức nhận định nghiên cứu về lĩnh vực thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe sẽ rất tiềm năng và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Hiện tại, TS. Phức và một số đồng nghiệp đã thành lập nhóm nghiên cứu Cơ Y Sinh, tập trung vào nghiên cứu phát triển các máy móc, thiết bị ứng dụng trong y tế và chăm sóc sức khỏe, với mong muốn tiếp tục tạo ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề y tế cấp bách hiện nay.

Giải bài toán khó trong hoàn cảnh nhanh, gấp, vội

Trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, cùng các thầy cô Trung tâm Navis, Trường CNTT&TT, 3Cs Lab của TS. Trương Đức Phức nhận được đơn đặt hàng “khẩn cấp” từ Bộ Công an triển khai máy quét vân tay phục vụ dự án làm CCCD gắp chip. Sản phẩm máy quét vân tay BKCA - “Made by BKHN” đã được nhóm nghiên cứu và phát triển thành công và triển khai ứng dụng trên toàn quốc.   

Tiếp đó, nhằm phục vụ công tác truy vết các trường hợp F0 và F1 Covid-19 nhanh chóng và giảm thiểu việc điền tờ khai y tế, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công máy đọc thẻ CCCD và được ứng dụng tại các sự kiện lớn như Lễ Khai mạc Sea Games 32, kiểm soát người ra vào tại các bến xe và ga tàu điện ở Hà Nội… 

Ngoài các dự án kể trên, máy trợ thở BK-Vent phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng là sản phẩm được lab thầy Phức cùng các đồng nghiệp Trường Cơ khí, phối hợp cùng các thầy cô Trường Điện - Điện tử, Trường Hóa và Khoa học sự sống nghiên cứu và phát triển thành công trong giai đoạn đại dịch bùng phát và thời gian thực hiện vô cùng cấp bách. 

Các dự án kể trên là minh chứng khi đất nước cần sự đóng góp về KHCN thì thầy trò Bách khoa Hà Nội có thể đáp ứng, và đáp ứng rất tốt cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
 
“Niềm hạnh phúc của một nhà nghiên cứu khoa học chính là được nhìn thấy sản phẩm do mình nghiên cứu, thiết kế được ứng dụng trong thực tế. Đây chính là động lực mạnh mẽ nhất giúp tôi tiếp tục theo đuổi theo đuổi đam mê trong lĩnh vực này.”

TS. Trương Đức Phức – Giảng viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội

Bùi Thị Xuân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây