Chuyện những người làm công tác tư vấn, hướng nghiệp ở Bách khoa Hà Nội

Thứ hai - 16/01/2023 03:55
Chuyện những người làm công tác tư vấn, hướng nghiệp ở Bách khoa Hà Nội
360° TƯ VẤN TUYỂN SINH, HƯỚNG NGHIỆP ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI - KỲ 2

Gặp bất cứ giảng viên nào của Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ cần “hé” ý định rằng có con, con bạn thân/người thân/người quen biết… năm nay thi đại học/thi vào Bách khoa Hà Nội, ngay lập tức sẽ nhận được thông tin tuyển sinh năm đó hoặc một cái hẹn gặp gỡ trực tiếp để lắng nghe nguyện vọng của học sinh, chia sẻ, trao đổi, định hướng cho các em trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề; giới thiệu đến chuyên gia là thầy/cô giáo của ngành/Viện/Trường mà thí sinh có ý định theo học.


Sẽ có người chép miệng rằng: Rỗi hơi, việc chả phải của mình, ôm rơm rặm bụng. Nhưng với các giảng viên Bách khoa Hà Nội, họ coi đó là trách nhiệm của người làm thầy, trách nhiệm của Đại học Bách khoa nhằm nâng cao chất lượng học tập, đào tạo của toàn ngành giáo dục đại học.

Thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội – những người tư vấn tận tâm “nhất vịnh Bắc bộ”!

Đó là câu nhận xét của nữ sinh Vũ Ngọc Gia Hân – lớp 11A9 trường THPT chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội sau khi tham dự 2 chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Học chuyên ngữ nhưng cô bé chỉ “để ý” Viện Ngoại ngữ của Đại học Bách khoa Hà Nội vì “mê” ngôi trường hiện đại, học ngoại ngữ kỹ thuật “sáng” đầu ra và nhất là các thầy/cô giáo “cute” ở đây.
20220724 DSC 8753
Thầy Lê Hoàng Linh - Viện Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội - tư vấn cho một phụ huynh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: CCPR
Gia Hân kể: Năm lớp 10 em tham gia chương trình tư vấn cho vui thôi, nhưng khi đến khu tư vấn chuyên sâu của Bách khoa Hà Nội, gặp thầy/cô Viện Ngoại ngữ, được các thầy/ cô nhiệt tình hỏi chuyện (dù lúc đó em mới học lớp 10): Hỏi sở thích học tập, ngành/ nghề yêu thích, chia sẻ với thầy/cô những suy nghĩ về tương lai… em thấy như gặp được những người bạn lớn.

Năm nay học lớp 11, em lại đến Bách khoa mong gặp lại các thầy/cô, để chia sẻ những suy nghĩ đã khác trước của mình, mong các thầy/cô phân tích, tư vấn hướng đi phù hợp, cơ hội thi vào Bách khoa. Em chưa bao giờ thấy thầy/cô tỏ ý sốt ruột khi nghe em trình bày những dự định (khá dài dòng) của mình! Thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội là những chuyên viên tư vấn tận tâm “nhất vịnh Bắc bộ”! (Cười).
318179688 2466468996824442 5714235402262506647 n
Học sinh THPT Quế Võ (Bắc Ninh) tham gia chương trình Trải nghiệm đại học, định hướng tương lai do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: CCPR
Còn cựu sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường Bách khoa Hà Nội Nguyễn Kim Oanh mỗi khi thấy đoàn dài ô tô chở học sinh THPT đến Bách khoa Hà Nội trải nghiệm đại học lại bồi hồi nhớ đến lần đầu cô cũng là học sinh tham quan Bách khoa Hà Nội qua chương trình này. Và sau chuyến trải nghiệm đó, Kim Oanh đã “quay xe” lựa chọn trường đại học!

Kim Oanh nhớ lại: Em học chuyên Sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên. Hồi đó em đã ôn thi khối B, đi theo bạn từ Hưng Yên lên Bách khoa “chơi cho vui”, nhưng sau khi đi trải nghiệm và tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh, em thấy Bách khoa Hà Nội rất năng động, tổ chức chương trình chuyên nghiệp.

Kiến thức hôm đó thầy/cô Viện Khoa học – Công nghệ và Môi trường giới thiệu khá liên quan đến chương trình THPT em học. Lúc đó, thầy Trần Đắc Chí và cô Hoàng Thị Thu Hương tư vấn cho em rất tình cảm, chia sẻ, em đã có suy nghĩ rằng nếu được học những thầy/cô giáo như vậy ở bậc đại học thì thật tuyệt vời!

Trở về nhà, Kim Oanh luôn tự hỏi bản thân có thực sự thích học ngành mà em đã “đóng đinh” là sẽ học không hay em hợp hơn với ngành học khác - những lĩnh vực mà chỉ khi tham gia trải nghiệm đại học tại Bách khoa Hà Nội em mới biết. Nung nấu khá lâu, Kim Oanh quyết định không học khối ngành Y – Dược mà chuyển sang học tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường Bách khoa Hà Nội, và thầy giáo tư vấn cho em hôm nào – thầy Trần Đắc Chí – chính là cố vấn học tập thời đại học của Kim Oanh!

“Đến giờ, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, em vẫn thấy lựa chọn của mình là sáng suốt! Anh em bạn bè có người nhà, người quen sắp thi đại học, em đều khuyên nên tham gia chương trình trải nghiệm đại học ở Bách khoa Hà Nội, tham gia các chương trình tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp ở Bách khoa, để một lần nữa suy nghĩ về bản thân – giống như em ngày trước!” – Kim Oanh nhắn nhủ.
22712393 10214811543908738 8149706454211232731 o
Niềm vui ngày gặp lại của PGS. Hoàng Thị Thu Hương và tân sinh viên ngành Môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội - Nguyễn Kim Oanh
Cùng chung niềm vui với Kim Oanh là PGS. Hoàng Thị Thu Hương – người đã gặp cô học sinh Kim Oanh tại chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm nào. PGS. Hương nhớ mãi hôm gặp cô sinh viên năm nhất Kim Oanh tại Bách khoa Hà Nội, cô viết trên facebook: “Sáng nay đến chấm thi nấu ăn chương trình “Chào tân sinh viên Môi trường”, thấy một cô gái chạy ào đến: “Ui em chào cô, cô có nhớ em không. Em vui quá, em không bao giờ nghĩ sẽ về học ở Bách khoa vậy mà hôm nay em đang ở đây. Không biết đến năm nào em sẽ được học cô”. Cô chắc còn vui hơn cả em, cô gái ạ. Nhớ câu chuyện với một GS mình rất kính trọng, GS từng nói: “Mình cứ cố gắng làm thật tốt công việc của mình, từng việc nhỏ một, đừng quan tâm nhiều đến những gì mình sẽ đạt được. Kết quả trước sau rồi sẽ đến thôi”. Cô sẽ lại cố tiếp tục để lúc ra trường, em sẽ vẫn hài lòng như hôm nay!”.

Có lẽ, điều PGS. Hoàng Thị Thu Hương tâm niệm cũng chính là điều các thầy cô giáo Đại học Bách khoa Hà Nội tự nhắc mình mỗi ngày, đặc biệt trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, các thầy/cô còn thêm tình cảm quan tâm, yêu thương học sinh như quan tâm, yêu thương người thân của mình, để tình yêu Đại học Bách khoa Hà Nội, yêu thích ngành khoa học kỹ thuật được lan tỏa đến học sinh mỗi ngày.

Điểm tựa vững vàng để thầy/cô giáo Bách khoa tự tin tư vấn cho học sinh

Theo PGS. Vũ Duy Hải – Phó Trường phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp chính xác, đầu tiên các thầy/cô cần phải biết sở trường, sở đoản của học sinh là gì, thích/không thích gì, thậm chí còn hỏi thêm về điều kiện gia đình nữa, vì 60 chương trình đào tạo ở Đại học Bách khoa Hà Nội có các mức học phí khác nhau. Bởi vậy để tư vấn cho học sinh một cách hiệu quả, các thầy/cô tư vấn phải nắm được thông tin các em càng nhiều càng tốt, từ đó tư vấn cho học sinh, để khi các em trúng tuyển rồi các em có thể đáp ứng được các yêu cầu, kể cả về kinh tế để có thể theo được chương trình đó.
z3929171600937 28e5f320f8e3ab3657f2b0d9bf616a5f
PGS. Nguyễn Thị Xuân Hòa có rất nhiều kỷ niệm đẹp trong quá trình tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh, phụ huynh
Còn PGS. Nguyễn Thị Xuân Hòa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế và Quản lý - với kinh nghiệm 6 năm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh thì cho rằng trong công tác tư vấn, đầu tiên phải hiểu rõ ngành mình đang tư vấn có những điểm mạnh gì, khó khăn gì... Bên cạnh đó, cần hiểu người đang tư vấn là học sinh, phụ huynh mong muốn, sở thích với ngành nào; thông tin học sinh và phụ huynh còn thiếu, chưa hiểu đúng. Đặc biệt cần hiểu trong năm đó có sự thay đổi/điểm mới gì trong chính sách tuyển sinh để tư vấn, hỗ trợ sát nhất.

PGS. Hoàng Thị Thu Hương – giảng viên Viện Khoa học – Công nghệ và Môi trường - có 10 năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh THPT thì luôn nhớ những thay đổi lớn về tiếp cận tư vấn tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu khoảng 5-6 năm trước. PGS. Hoàng Minh Sơn - nguyên Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - là người rất quan tâm đến công tác này và luôn mong muốn rằng công tác tuyển sinh là công việc của từng thầy cô trong trường. Thầy Sơn luôn nhắc: Các thầy cô hãy làm như đang tư vấn cho con của người bạn thân của mình. “Tôi luôn tâm niệm như vậy khi nói chuyện với bất kỳ một học sinh nào, vì họ là người đang gửi gắm hết niềm tin vào mình mong có thể có được lời khuyên đúng đắn cho một trong những lựa chọn quan trọng nhất trong đời” – PGS. Hương chia sẻ.

Dường như những cập nhật kiến thức về ngành/nghề, tìm hiểu tâm lý học sinh, xu hướng việc làm… mà thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội coi là việc làm thường xuyên đó nói lên quan điểm coi việc tư vấn cho học sinh trước ngưỡng cửa tương lai là trách nhiệm của người thầy, trách nhiệm của mỗi người Bách khoa với học sinh, với phụ huynh và xã hội. Điều khiến họ luôn vững vàng, tự tin làm công việc mà nhiều người cho là “ôm rơm rặm bụng”, không phải chuyên môn chính cũng cố “lao vào” chính là niềm tự hào về nơi họ làm việc và cống hiến, mong muốn lan tỏa những giá trị Bách khoa, tình yêu khoa học kỹ thuật đến thế hệ trẻ, như tâm sự của rất nhiều các thầy/cô giáo Bách khoa:

“Chúng tôi luôn tự hào chia sẻ với học sinh rằng Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang và sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là góp phần vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, đóng vai trò dẫn dắt trong các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam. Kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ quan tâm đến việc tìm việc làm, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, mà phải chuẩn bị để có thể tạo ra công việc cho mình và những người khác.
Còn gì tuyệt vời hơn khi học tại ngôi trường Bách khoa Hà Nội luôn định hướng đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tự phát triển bản thân (tu thân), có nghề nghiệp và thu nhập đủ để chăm sóc tốt cho gia đình (tề gia), đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội (trị quốc) và đủ năng lực làm việc ở môi trường quốc tế (bình thiên hạ)!”

Hạnh phúc của những chuyên gia tư vấn

Với những thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội làm công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, hạnh phúc nhất chính là tư vấn cho học sinh chọn được đúng khối/ngành, đúng trường đại học phù hợp với nguyện vọng, sở thích, sở trường các em và điều kiện gia đình, và nếu học sinh vào học Bách khoa Hà Nội thì niềm vui càng được nhân lên gấp bội.

Cô Nguyễn Thị Xuân Hòa vẫn nhớ như in năm 2016 - năm đầu tiên tư vấn ngành Quản lý công nghiệp (Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng) của Bách khoa Hà Nội. Thời điểm đó còn chưa có mã ngành riêng về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng nên có đôi phần khó khăn khi tư vấn cho học sinh, phụ huynh. Nhà trường rất hỗ trợ các thầy/cô giáo. Thầy Phó Hiệu trưởng khi đó là PGS. Trần Văn Tớp trực tiếp chỉ đạo, họp cùng lãnh đạo Viện đào tạo quốc tế SIE khi đó và nay là phòng Tuyển sinh, lãnh đạo Viện Kinh tế và Quản lý; họp với phụ huynh và HS đăng ký ngành Quản lý công nghiệp (Logistic và Quản lý chuỗi) cung ứng để tư vấn cho học sinh, phụ huynh.

Sau đó vài tháng, lên lớp giảng bài, cô Xuân Hòa gặp lại những sinh viên cô từng tư vấn từ khi chưa thi vào trường, cô trò gặp nhau vui lắm. Có những khóa cô Hòa còn nhớ hết từng em quê quán ở đâu, phụ huynh nhắn tin hỏi thăm tình hình con thế nào…
297267647 543877354142228 4741430203063719051 n
Các cán bộ phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các thầy/cô giáo trong một chuyến công tác tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng)
Với cô Xuân Hòa, những chuyến đi tư vấn cho học sinh ở Hải Phòng cũng rất đáng nhớ. Cô kể lại: “Chúng tôi xuống Công ty Nhựa Tiền phong, Hải Phòng làm tuyển sinh. Các thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội đã đề nghị Công ty Nhựa Tiền phong phối hợp với Nhà trường làm một buổi riêng tư vấn về ngành nghề mới này, mời học sinh từ trường Trần Phú, Ngô Quyền, Thái Phiên và các trường PTTH trên địa bàn Hải Phòng đến dự. Công ty rất nhiệt tình, cho xe đưa đón học sinh đến hội trường công ty để các thầy cô Bách khoa xuống giới thiệu về chương trình. Những năm ấy, tôi ấn tượng về thầy Trần Văn Tớp, thầy Trần Trung Kiên, cô Phạm Thanh Huyền, … những thầy/cô rất nhiệt huyết, luôn say sưa chia sẻ, chỉ dẫn cho học sinh. Hay như ở Viện Kinh tế và Quản lý tôi đang công tác, thầy Nguyễn Danh Nguyên, thầy Nguyễn Quang Chương cũng là những người từng làm tuyển sinh rất nhiệt tình, hiểu tâm lý học sinh.”

Để thấy thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội luôn sẵn sàng tâm thế tư vấn cho học sinh, như một điều gì đó rất tự nhiên vậy. Nếu học sinh hỏi một ngành khác trong Đại học Bách khoa Hà Nội, các thầy/cô giáo sẽ tư vấn những thông tin chung của Nhà trường rồi sẵn sàng đi hỏi thêm, giới thiệu thầy/cô chuyên ngành khác để tư vấn phù hợp nhất có thể.
297702774 543468360849794 1147470596192214045 n
PGS. Vũ Duy Hải - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội - tư vấn tuyển sinh cho một học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng)
Còn PGS. Vũ Duy Hải đến giờ vẫn nhớ về cậu học sinh nhỏ bé ở một trường học vùng sâu vùng xa khu vực miền Trung. Khi gặp thầy Hải, cậu học sinh đã thể hiện ước mơ cháy bỏng vào học một ngành học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay từ lớp 1, thấy các anh cùng làng học Bách khoa Hà Nội rồi có sự nghiệp thành đạt, em đã nuôi ước mơ này và cố gắng phấn đấu để thực hiện.

Năm 2020, khi Bách khoa Hà Nội bắt đầu mở phương thức xét tuyển tài năng: Xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, cậu học sinh đã nghiên cứu yêu cầu của phương thức này. Khi đoàn công tác của thầy Vũ Duy Hải về trường tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, cậu đã “trình diễn” một tập hồ sơ năng lực khiến thầy Hải cũng bất ngờ vì sự chuẩn bị vô cùng công phu như thế. Tất cả những hoạt động Nhà trường có thể đánh giá, cậu hầu như tham gia đầy đủ và cố gắng đạt thành tích cao nhất, khiến hồ sơ năng lực rất có sức thuyết phục. Dù thời điểm đó chưa mở hệ thống, nhưng cậu đã có những thư giới thiệu rất tâm huyết từ các thầy/ cô.

Chuẩn bị kỹ như thế, nhưng cậu học sinh lo lắng nội dung phỏng vấn, sợ bị khớp, sợ run, sợ lần đầu tiên gặp thầy/cô giáo không trình bày đủ ý để thầy/cô hiểu mình… rồi lỡ mất cơ hội thực hiện mơ ước từ nhỏ. “Khi nghe bạn chia sẻ, tôi cảm nhận được đây là một học sinh có mục tiêu rất rõ ràng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mục tiêu đó. Sau khi đưa ra tư vấn và đánh giá kỹ năng nói, các thầy/cô đã cho em biết quá trình phỏng vấn không hề căng thẳng như em nghĩ, đó là một cuộc trao đổi thân thiết giữa thầy và trò để em có thể thuyết phục các thầy/cô nhận em vào trường chứ không hiểu theo nghĩa phỏng vấn truyền thống” – Thầy Hải kể.

Sau này, PGS. Vũ Duy Hải nhận được tin cậu học sinh đặc biệt đã trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức xét tuyển tài năng và điểm phỏng vấn của bạn rất cao. Khi lên nhập học, bạn đã đến phòng Tuyển sinh để gặp gỡ các thầy/cô giáo tư vấn cho bạn hôm đó báo tin vui.

Ngày hôm đó với các thầy/cô, chuyên viên tư vấn phòng Tuyển sinh Bách khoa Hà Nội như một ngày hội “hoa trong lòng”!
 
Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức chương trình Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp nhân dịp 20 năm thực hiện Chương trình.
 Gia Hân
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây