Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 18/12/2022 22:49
Từ 6- 9/12/2022, giảng viên và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cùng một số trường đại học tại Việt Nam đã hội tụ cùng nhiều trường đại học Đài Loan, Indonesia trong triển lãm ý nghĩa với chủ đề thiết kế bền vững, do Trường Đại học Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Yunlin (Đài Loan) tổ chức. Tham gia các sân chơi quốc tế là một trong các hoạt động ngoại khóa dành riêng cho sinh viên Thiết kế thời trang, Viện Dệt may, Da giày và Thời trang - Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong khuôn khổ triển lãm, dưới sự hướng dẫn tận tình của các giàng viên: TS. Trần Thị Minh Kiều, ThS. Ngô Thị Quỳnh Chi, TS. Lê Khánh Trang, các sinh viên Thiết kế thời trang của Đại học Bách khoa Hà Nội đã mang đến nhiều bộ sưu tập với ý tưởng tái chế vải vụn denim và vải denim đầu tấm thành sản phẩm mỹ thuật ứng dụng như quần áo thời trang, đồ chơi trẻ em, sản phẩm trang trí nội thất như tranh ghép vải, đèn trang trí và các sản phẩm phụ kiện thời trang như mũ nón và túi xách...
Báo chí Đài Loan đã rất ấn tượng với các sáng tạo đột phá này. Trang Yam News của Đài Loan nhận xét: Trong số các thiết kế tham gia triển lãm, thiết kế denim tái chế của sinh viên Việt Nam được khán giả và các chuyên gia thời trang đặc biệt chú ý.
Bộ sưu tập thời trang “Whisper” của nhóm sinh viên K63 và K64 lấy cảm hứng từ tiếng sóng vỗ rì rào của đại dương như muốn truyền tải thông điệp: “Hãy lắng nghe thiên nhiên, khi chúng ta bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ tương lai của chúng ta”. Trang phục sử dụng chất liệu từ vải thừa thải ra trong quá trình sản xuất được thu gom và phân loại theo màu sắc.
Khi thiết kế cần tận dụng ưu điểm của chất liệu denim nhiều sắc độ kết hợp với nhau tạo chiều sâu cho trang phục. Dựa trên kích thước của các mảnh vụn vải, các bản vẽ phác thảo lần lượt ra đời sao cho phù hợp với kích thước và màu sắc của vụn vải. Bề mặt chất liệu tiếp tục được sáng tạo bằng các kỹ thuật tiên tiến tại nhà máy để tạo hiệu ứng được giới trẻ thời trang denim ưa chuộng như tước sợi, mài hiệu ứng và phương pháp giặt tạo nên sự mềm mại cho trang phục.
Để thực hiện được sản phẩm triển lãm, sinh viên thiết kế thời trang K63 và K64 đã được công ty TCE JEANS Co. Ltd – một công ty Hàn Quốc có mối liên hệ hợp tác lâu năm với Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang – hỗ trợ. Viện đã kết hợp kỳ thực tập kỹ thuật của sinh viên tại Công ty TCE JEANS Co. Ltd để thu thập vải vụn, rác thải của công ty, lên ý tưởng phác thảo và thực hiện hoàn thiện sản phẩm tham gia triển lãm tại nhà máy.
Sinh viên Thiết kế thời trang K63 Phạm Thanh Huyền hào hứng nói về dự án này: “Quá trình tham gia thực hiện sản phẩm triển lãm đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm thiết kế và kỹ thuật trong thời trang công nghiệp. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa có tính quốc tế này còn giúp tôi rèn luyện tiếng Anh viết và giao tiếp trong quá trình làm sản phẩm. Quan trọng hơn nữa, hoạt động giúp tôi nhận ra tầm quan trọng và mối liên hệ giữa thời trang với môi trường.
Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội để bản thân phát triển tiếp cận được nhiều khía cạnh của đời sống để ứng dụng vào ngành thời trang trong tương lai. Thêm một tin tốt lành là một số bạn có sản phẩm triển lãm được đánh giá xuất sắc nhận được đề nghị học Thạc sỹ học bổng toàn phần của giáo sư ĐH Yunlin. Tôi sẽ phấn đấu nâng cao trình độ tiếng Anh để tiếp tục sải cánh vươn cao từ cái nôi Thiết kế thời trang của Đại học Bách khoa Hà Nội.”
Với mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, triển lãm tập trung khai thác tính sáng tạo với những ý tưởng thiết kế hướng tới sự bền vững đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững như sử dụng rác thải từ biển, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt hàng ngày. Triển lãm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững - lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc đến tất cả các nước trên thế giới nhằm giải quyết những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt, hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Đây là hoạt động tiếp nối từ Hội thảo khoa học quốc tế online trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm tăng cường khả năng hợp tác quốc tế giữa các trường đại học, các giảng viên và sinh viên. Thành quả của sự hợp tác liên quốc gia này là các bài báo khoa học, các hội thảo online trao đổi các ý tưởng nghiên cứu giữa các giảng viên chuyên môn sáng tạo và thiết kế đến từ các trường đại học của 3 nước: Việt Nam, Đài Loan, Indonesia, do GS. LiHsun Peng - Trường Đại học Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Yunlin, Đài Loan - kết nối với TS. Trần Thị Minh Kiều từ những bước đầu tiên.