Ngày 15/4, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày hội “Thống nhất non sông”, chào mừng Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Trước buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát - Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ); Thiếu tướng Bùi Tố Việt - Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ; Đại tá Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ; đại biểu các cơ quan Cục Chính trị Quân chủng PK-KQ, Lữ đoàn 26; đại biểu Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội cùng cán bộ hai đơn vị đã dâng hoa tưởng nhớ và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ là cán bộ và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc tại Tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” nằm trong khuôn viên Đại học.
Niềm tự hào của giới phi công, niềm tự hào của Bách khoa Hà Nội
Tại buổi lễ, các cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội rất xúc động và tự hào khi được nghe các nhân chứng lịch sử kể về chiến công của người Bách khoa, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều (1945 - 1972) anh dũng hy sinh khi sử dụng máy bay MIG-21 tiêu diệt máy bay B-52 của giặc Mỹ.
Đại tá Vũ Xuân Thăng - anh trai liệt sĩ Vũ Xuân Thiều - nay đã 88 tuổi nhưng rất minh mẫn kể về “chú Thiều nhà tôi” với niềm yêu thương, tự hào. Ông chia sẻ năm 1967 - 1968, sinh viên Bách khoa Vũ Xuân Thiều không cho gia đình biết tin, xung phong nhập ngũ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau này, bạn bè kể lại anh đã hai lần xung phong nhập ngũ mới đạt ý nguyện trở thành phi công. Trong suốt quá trình anh Thiều tập bay tại Liên Xô, gia đình không nhận được tin tức nào. Một hôm, người trong gia đình đi qua Đại sứ quán Liên Xô, thấy có ảnh anh Thiều treo ở đó, được tuyên dương là học viên có thành tích tốt.
Năm 1968, trở về Việt Nam, anh Thiều được chọn vào đội bay đêm ở tầng cao. Anh viết thư chia sẻ với bố mẹ: “Ở đây, các anh bảo với chúng con rằng hãy quên các máy bay tiêm kích đi, tập trung vào bay trên tầng cao và bay ban đêm”. “Gia đình tôi hiểu chú Thiều được cấp trên tín nhiệm tuyển vào đội bay ban đêm, làm một nhiệm vụ nguy hiểm. Bố mẹ tôi nhận thức như vậy nên rất bình tĩnh trông tin con, không có phản ứng nào để ảnh hưởng đến tâm lý con” - Đại tá Vũ Xuân Thăng hồi nhớ.
Ngày 30/12/1972, ông Thăng nhận được tin em trai hi sinh. Đồng đội em trai ông kể lại: Trong một lần họp Hội nghị dân chủ quân sự, các phi công trao đổi, rút kinh nghiệm sau một trận đánh, theo đúng quy định khi cách xa máy bay địch 2km thì bắn 1 quả tên lửa nhưng máy bay địch chỉ bị thương thôi. Phi công Vũ Xuân Thiều đề xuất đánh gần, đánh cách xa 1km, bắn 2 quả tên lửa một lúc thì nhiều khả năng máy bay địch sẽ bị hạ. Anh em phân tích đánh như thế hiệu quả, nhưng tỷ lệ hi sinh rất cao. Anh Thiều nói: “Địch luôn tự hào không có cách gì hạ được B52 của chúng. Vì vậy ta phải đánh gần, đánh cấp tập 2 quả tên lửa một lúc. Có thể lúc đó không thoát khỏi vùng nổ, có thể hi sinh, nhưng tôi sẵn sàng”.
“Tôi cảm nhận rất rõ tinh thần cảm tử vì Tổ quốc quyết sinh của chú Thiều nhà tôi từ cuộc họp đó.” – Đại tá Vũ Xuân Thăng xúc động nói.
Cảm động lắng nghe những chia sẻ của Đại tá Vũ Xuân Thăng, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - chỉ huy của phi công Vũ Xuân Thiều năm xưa - tự hào nhấn mạnh: “Đồng chí Vũ Xuân Thiều là một tấm gương lớn với phi công chúng tôi và cũng là niềm tự hào của Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Tinh thần, trí tuệ Bách khoa góp phần vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc
Kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội tự hào về Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tự hào truyền thống Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang nhân dân, của Quân chủng Phòng không - Không quân và Đại học Bách khoa Hà Nội trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Phát biểu diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ (xem chi tiết TẠI ĐÂY) , PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ niềm tự hào khi Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những đóng góp xứng đáng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Gần 3.000 cán bộ và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu với lời thề sắt son: “Ra đi giữ một lời thề, Chiến thắng giặc Mỹ mới về Bách khoa”.
Có những tấm gương tiêu biểu như Anh hùng LLVTND Bùi Ngọc Dương, đơn vị công binh đã chiến đấu anh dũng trong trận đánh nổi tiếng Làng Vây diệt Mỹ, mở đường cho chiến thắng Đường 9-Khe Sanh. Anh hùng LLVTND Phạm Văn Cán (CSV khoa chế tạo máy) nhập ngũ năm 1971 chiến sĩ binh chủng Tăng thiết giáp chiến đấu tại chiến trường Nam bộ. Anh hùng LLVTND Thiếu tướng Trần Thanh Hải (CSV ngành vô tuyến) binh chủng pháo binh nhập ngũ năm 1971 tham gia chiến đấu chiến dịch Thành cổ Quảng Trị. Anh hùng LLVTND Trần Thị Kim Cúc, nữ biệt động thành phố Đà Nẵng, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chị vinh dự 8 lần được gặp Bác Hồ.
Gần 1000 cán bộ, sinh viên ĐHBK Hà Nội và các vị khách mời tham dự buổi lễ
Đặc biệt, có hàng trăm cán bộ và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia chiến đấu trong các binh chủng Tên lửa, Pháo binh, Không quân, Ra đa và các đơn vị kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ. Các Anh đã mang theo tinh thần và trí tuệ Bách khoa nhanh chóng học tập nắm vững và làm chủ khí tài quân sự, sáng tạo khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của khí tài chiến đấu góp phần vào chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó có những tấm gương tiêu biểu như: Anh hùng LLVTND (không quân) Nguyễn Tiến Sâm, Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ và Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, đã trực tiếp bắn rơi 5 máy bay tiêm kích F4 của Mỹ; Anh hùng LLVTND Đào Duy Cảnh (CSV ngành Vô tuyến điện) binh chủng Tên lửa thuộc Trung đoàn 238 - đơn vị tên lửa đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B52. Đặc biệt là gương dũng cảm hy sinh của Anh hùng LLVTND (không quân) Vũ Xuân Thiều (CSV ngành Vô tuyến) để hạ pháo đài bay B52, bảo vệ bầu trời Thủ đô năm 1972.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhắn gửi các thế hệ sinh viên Bách khoa được sinh ra trong hòa bình, trong sự ổn định phải luôn ghi nhớ các thế hệ cha ông đã hy sinh, đã đổ máu, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời để có được ngày hôm nay. Rất nhiều thế hệ Người Bách khoa đã dùng kiến thức, trí tuệ và công nghệ để góp phần giải quyết những trăn trở, những thách thức lớn của đất nước.
“Thầy mong các em trân trọng thành quả mà các thế hệ cha anh đã gìn giữ và phát triển, mong các em cảm nhận niềm tự hào Người Bách khoa và sẽ tiếp nối truyền thống của Người Bách khoa: Trách nhiệm - Sáng tạo - Chính trực - Xuất sắc và thật là hay khi viết tắt bằng những cụm từ chữ cái đầu tiên tiếng Anh thành RISE Vươn lên - Vươn mình. Thầy mong các em đam mê học tập và nghiên cứu, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, luôn cố gắng vươn lên, vươn mình trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Những cán bộ, giảng viên, sinh viên, người lính Bách khoa chính là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, để thế hệ giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội hôm nay mãi tự hào về truyền thống dân tộc. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là nền tảng, là nơi để thế hệ trẻ học tập được các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, nhưng cũng là nơi để các sinh viên phát triển nhân cách một cách tốt nhất, luôn dâng trào cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
Gia Hân
Ảnh: Đức Lộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn