Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 31/03/2023 05:54
Sáng nay (31/3/2023), tại Quy Nhơn (Bình Định), Đại học Bách khoa Hà Nội và 6 trường đại học kỹ thuật Việt Nam khác gồm: Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi đã ký kết ghi nhớ hợp tác trong chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng.
Tham dự lễ ký kết có PGS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo Đại học (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo 7 trường đại học cùng đại diện các Sở, ban, ngành.
Một số nội dung hợp tác chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng của nhóm G7
Đây là lần thứ 6 Đại học Bách khoa Hà Nội và 6 trường đại học khối kỹ thuật Việt Nam (nhóm G7) cùng nhau ký kết ghi nhớ hợp tác. Trước đó, nhóm G7 đã ký kết: Hợp tác phát triển chương trình đào tạo kỹ sư (ký tại Đà Nẵng vào tháng 6/2020); hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng, truyền thông (ký tại Hà Nội vào tháng 1/2021); Hợp tác truyền thông ((ký tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 4/2021); Hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ký tại Sapa vào tháng 9/2022); Hợp tác kiểm định quốc tế và đảm bảo chất lượng (ký tại Đà Lạt vào tháng 12/2022).
Một số nội dung hợp tác bao gồm:
- Đề xuất đặt hàng các đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ liên ngành, liên lĩnh vực, liên trường;
- Thành lập các nhóm chuyên gia liên ngành, liên trường, lập các dự án thử nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… Giới thiệu các tổ chức, nhóm nghiên cứu, cá nhân có năng lực tham gia vào các nhiệm vụ khoa học công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương…;
- Xây dựng mạng lưới công nghiệp, nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ;
- Chia sẻ mạng lưới quốc tế, xây dựng các chương trình chuyển giao công nghệ từ nước ngoài;
- Triển khai Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo giải quyết các bài toán từ doanh nghiệp, địa phương.
Ban Tổ chức kỳ vọng, hợp tác lần này nhằm phát huy thế mạnh của mỗi trường và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương. Nâng cao vai trò và tăng cường sự đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo của nhóm G7 trong đổi mới, sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng công nghệ làm giàu cho quê hương đất nước.
Tại lễ ký kết, đại diện các bộ, ngành liên quan đánh giá cao hợp tác của nhóm 7 trường ĐH kỹ thuật, đồng thời chia sẻ cam kết luôn đồng hành với các trường.
Tại sao Bách khoa Hà Nội chọn hướng đi đột phá Hợp tác đối ngoại?
Tại buổi lễ, lãnh đạo 7 trường đại học kỹ thuật đã có những phát biểu về tiềm năng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ của đơn vị mình cùng những triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này giữa các trường trong nhóm.
Là người phát biểu đầu tiên, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, một người quê gốc Bình Định, đầy cảm xúc nhân Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Bình Định (31/3/1975 – 31/3/2023) - đã có những chia sẻ rất tâm huyết về kinh nghiệm tái cấu trúc nhằm tạo nên sức mạnh nghiên cứu, sức mạnh đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội và lý giải lý do tại sao Nhà trường chọn hướng đi đột phá là hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết: Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 1.787 cán bộ, trong đó có 1.100 cán bộ giảng dạy. 74% giảng viên có học vị tiến sĩ, 26% có học hàm GS, PGS. Đây là hàm lượng chất xám rất tốt của Đại học Bách khoa Hà Nội, đóng góp vào rất nhiều công việc của Nhà trường, của nhóm G7 trong giai đoạn vừa qua cũng như thời gian tới đây: Phục vụ cộng đồng, chứng minh sự hợp tác của các trường có hiệu quả, có ích cho xã hội, được xã hội và quốc tế công nhận.
Trong tiến trình phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, Nhà trường đã triển khai một số công tác tái cấu trúc: Năm 2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập 3 trường thuộc: Trường Cơ khí, Trường Điện – Điện tử và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Trường Cơ khí được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện KH&CN Nhiệt lạnh; Trường Điện - Điện tử trên cơ sở tổ chức lại Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông, và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (nghiên cứu lĩnh vực AI); Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Các trường này đều có số lượng cán bộ giảng dạy và sinh viên rất lớn.
Mới đây, ngày 29/3/2023, Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra Nghị quyết thành lập 2 trường mới là Trường Hóa và Khoa học sự sống và Trường Vật liệu.
“Với việc chuyển đổi như vậy, những công việc triển khai trong 1,5 năm qua đã chứng minh được rằng khi tích hợp, tổ chức lại các đơn vị như vậy, sức mạnh nghiên cứu, sức mạnh giảng dạy sẽ lớn mạnh hơn. Chúng tôi phân quyền cho các trường có khả năng hợp tác quốc tế, hợp tác đối ngoại tốt hơn. Kết quả: 3 trường sẽ tối ưu các môn học, chương trình đào tạo của mình, có cơ hội mở ra những chương trình đào tạo mới phù hợp hơn, nhìn lại những chương trình đào tạo không đảm bảo tính thích ứng với giai đoạn hiện nay. 5 trường, 5 lĩnh vực mũi nhọn nghiên cứu sẽ đẩy mạnh hơn nữa năng lực nghiên cứu, năng lực giảng dạy của giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng phát biểu.
Về bức tranh đào tạo, nghiên cứu khoa học của giáo dục đại học hiện nay, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng lĩnh vực đào tạo sẽ bám theo sự thay đổi, định hướng của thị trường. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cố gắng làm tốt hơn, bám sát tất cả những ghi nhận, những thay đổi, định hướng mà Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo rất rõ trong công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, tập hợp vào ngành mũi nhọn. Những hoạt động đào tạo cần đảm bảo sự chắc chắn, từ từ thay đổi cả về chất và lượng.
Về nghiên cứu khoa học, ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, hiện đang triển khai Thông tư hướng dẫn thực hiện, sẽ góp sức đẩy mạnh hơn hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Đề cập lý do chọn hướng đột phá của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới là hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp – Hợp tác đối ngoại, PGS. Huỳnh Quyết Thắng phân tích: “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng hai hướng đó có thể phát triển nhưng không thể tạo ra sự đột phá. Chúng tôi mong chờ sự đột phá của Đại học Bách khoa Hà Nội và của cả nhóm G7 sẽ đến từ hợp tác đối ngoại: Hợp tác quốc tế với các trường tiên tiến trên thế giới: Học hỏi được những bí quyết, những định hướng, công nghệ mới mà có thể đưa vào ở Việt Nam. Hợp tác doanh nghiệp: Đưa những ứng dụng, những nghiên cứu có hàm lượng chất xám cao của chúng ta vào thẳng thực tế cuộc sống”.
Khẳng định sự quyết tâm cao, phù hợp với tinh thần của ngày 31/3 trên đất Bình Định, PGS. Huỳnh Quyết Thắng ví sự hợp tác này của nhóm G7 như một sự khởi đầu mới, giải phóng mới khi tất cả các trường, các thầy/cô có thể giải phóng được năng lượng sáng tạo của mình.
“Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục phát triển, chia sẻ, đồng hành với các trường; sẽ cố gắng hợp sức, hợp lực cùng 6 trường thực hiện những cam kết mà chúng ta công bố ngày hôm nay. Chúng tôi cho rằng cam kết của nhóm G7 chúng ta: Cam kết chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng chính là minh chứng năng lực, chất xám, trình độ nghiên cứu của nhóm G7 để hợp tác với doanh nghiệp, đưa những kết quả đó vào thực tiễn cuộc sống và sẽ được toàn xã hội cũng như giới công nghiệp Việt Nam ghi nhận” - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.
Bình Định sẽ chọn ra những vấn đề thiết thực, quan trọng, ưu tiên hợp tác với các trường nhóm G7
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND - tỉnh Bình Định đánh giá đây là chương trình hợp tác rất có ý nghĩa nhằm thực hiện sứ mệnh nâng cao vai trò và sự đóng góp của đội ngũ trí thức, của các chuyên gia, nhà khoa học đối với sự phát triển của đất nước.
Thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng của 7 trường ĐH kỹ thuật, tỉnh Bình Định mong muốn và coi đây là cơ hội để các trường tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và tư vấn chính sách để tỉnh có thêm nhiều trợ lực trong quá trình phát triển, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tỉnh Bình Định cam kết luôn đồng hành, sẵn sàng phối hợp cùng các trường đẩy mạnh các chương trình hợp tác song phương và đa phương.
Trước đó, ngày 30/3/3023, Đoàn công tác của 7 trường đại học khối kỹ thuật đã có buổi làm việc với đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định.
Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác của trường ĐH khối kỹ thuật nêu những thế mạnh trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học của trường, cùng đó trao đổi về những kết quả trong hợp tác đào tạo nhân lực và phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học tại tỉnh Bình Định. Các trường đều bày tỏ mong muốn cùng với tỉnh Bình Định có các thảo luận chi tiết hơn về những nhu cầu, đề xuất cụ thể; qua đó sẽ thiết lập những dự án chung, những dự án hợp tác liên ngành trên các lĩnh vực hoạt động đổi mới sáng tạo gắn kết với nguồn lực của địa phương, phối hợp trong chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng trên cơ sở thế mạnh của từng trường.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cảm ơn các trường đại học khối kỹ thuật quan tâm hỗ trợ tỉnh trong nhiều lĩnh vực thời gian qua, ghi nhận nhiều ý tưởng hay các trường đại học góp ý cho tỉnh trong đào tạo nhân lực và các lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển KT-XH; đồng thời đề xuất, kiến nghị với 7 trường đại học về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tiến bộ KHKT, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng giao UBND tỉnh xem xét, thảo luận cụ thể hơn với các sở, ngành để chọn ra những vấn đề thiết thực, quan trọng, ưu tiên hợp tác với các trường thời gian tới.
Có thể thấy với sự hợp tác chặt chẽ thể hiện bằng những ký kết ghi nhớ của nhóm 7 trường đại học kỹ thuật Việt Nam, những kết quả nghiên cứu trong nhà trường đang có cơ hội rất lớn chuyển giao được cho doanh nghiệp, cho các địa phương để đưa vào thực tế. Từ đó, sản phẩm, ý tưởng, kinh nghiệm của các thầy/cô trường đại học sẽ được các doanh nghiệp vun đắp.
Song song với việc phát triển về đào tạo, nghiên cứu, những chia sẻ về hướng đi đột phá - Hợp tác đối ngoại (trong đó có hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp) của Đại học Bách khoa Hà Nội là một gợi mở rất “sáng”. Bởi với cam kết chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng, công việc sắp tới của các trường nhóm 7 trường đại học kỹ thuật sẽ là xây dựng mô hình hợp tác với địa phương, doanh nghiệp, mô hình chuyển giao công nghệ để bảo vệ được quyền lợi của trường, của nhà khoa học và đảm bảo sự phát triển cho mô hình hợp tác, để nhà trường cùng đồng hành với doanh nghiệp, với địa phương.
Nhân chuyến công tác tại Quy Nhơn, Bình Định, đoàn công tác Đại học Bách khoa Hà Nội đã có cuộc gặp mặt thân mật với các cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại Quy Nhơn. Thật vui mừng khi các cựu sinh viên đều rất thành đạt, là những cán bộ chủ chốt tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Tấm bằng kỹ sư được đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã góp phần giúp họ chạm tay đến những cơ hội quý giá phát triển sự nghiệp.