Sinh viên Bách khoa Hà Nội thi chung kết SV-Startup: Nỗ lực vì tấm lòng của thầy giáo!

Thứ năm - 23/03/2023 23:14
TS. Cao Xuân Bình và các sinh viên nhóm BK307. Ảnh: Duy Thành
TS. Cao Xuân Bình và các sinh viên nhóm BK307. Ảnh: Duy Thành
Nhóm BK307 gồm 5 sinh viên đến từ Trường Cơ khí, Trường CNTT&TT và Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội. Các thành viên đang tập trung tâm trí cho Vòng chung kết Cuộc thi Học sinh, Sinh viên sáng tạo và khởi nghiệp lần thứ V (SV-Startup) tổ chức tại Huế. Hỏi Bùi Minh Đức - Trưởng nhóm BK 307: Động lực nào dẫn cả đội thẳng tiến vào vòng chung kết SV-Startup, Đức chia sẻ: Thầy giáo của chúng em - TS. Cao Xuân Bình - đã truyền lửa cho cả nhóm. Thầy vừa hướng dẫn chúng em trong nghiên cứu, vừa như người thân khuyến khích, động viên chúng em vượt qua khó khăn. BK 307 luôn cố gắng hết mình, cảm động và biết ơn thầy Bình!

Nhóm sinh viên Bách khoa Hà Nội thi SV-Startup kể về nhà “đầu tư” không màng lãi 

…Thì ra thầy vẫn thức chờ chúng em!

Nhóm BK307 gồm các thành viên: Bùi Minh Đức - CĐT 1 và Nguyễn Sơn Hải - CĐT 3 (K64); Nguyễn Anh Quân - CĐT 03 (K65) – Trường Cơ khí; Trần Thị Cẩm Vân – Phân tích kinh doanh 02 - Viện Kinh tế và Quản lý; Phạm Ngọc Quân – CTTT Data Science & AI 01 – Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Nhóm được TS. Cao Xuân Bình - Giảng viên khoa Cơ Điện tử Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội - gợi ý ý tưởng và hướng dẫn thực hiện.

Chính thầy Bình là người lựa chọn sinh viên để tạo một nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đa dạng với các thành viên đến từ những chuyên ngành khác nhau. Sinh viên Phạm Ngọc Quân nhớ lại: Để được vào nhóm, em đã làm một đề án, thuyết trình trước thầy ý tưởng của mình khi kết hợp CNTT với Cơ khí, đặc biệt với chủ đề nhóm sẽ làm. Sau đó, em nhận được cái gật đầu từ thầy Bình!

Sinh viên ngành CNTT Ngọc Quân rất thú vị về việc kết hợp đa dạng này. Có lần, Ngọc Quân và một thành viên trong nhóm làm giao diện web. Làm xong, hai anh em cứ thấy giao diện web chưa đẹp. Nhưng chưa đẹp ở đâu để sửa lại thì cả hai đều gãi đầu gãi tai không trả lời được. Vừa lúc đó, Cẩm Vân đến, liếc mắt nhìn qua cô gái đã lắc đầu chê, kêu cả hai chàng trai làm lại, chỉ rõ làm lại cái nào, vì sao. Lắng nghe góp ý của bạn, Quân hì hụi làm lại và phải công nhận: Vân góp ý rất chính xác. Làm lại xong đẹp hơn hẳn. “Em không ngờ mình có thể làm đẹp như vậy. Sự kết hợp giữa các ngành của Bách khoa Hà Nội thật sự hiệu quả” – Ngọc Quân nói.

Ban ngày, TS. Cao Xuân Bình bận việc giảng dạy và các công việc chuyên môn nên “đặc sản” của thầy Bình với nhóm BK307 là làm việc đêm! Nhóm BK307 thường họp online từ 10h tối, kết thúc vào 1h sáng. Thầy Bình sẽ out mạng trước, các sinh viên tiếp tục bàn luận, làm đề án hoặc sửa phần mềm, 2-3h sáng nhắn tin cho thầy là thấy thầy trả lời ngay. “Khoảng thời gian làm Đề án cho cuộc thi SV-Startup, chúng em làm xuyên đêm để kịp tiến độ. 5h sáng nhắn tin hỏi thầy Đề án đã ổn chưa, thật không ngờ thầy nhắn lại ngay: Thôi được rồi, mấy đứa ngủ đi! Thì ra thầy vẫn đang thức chờ chúng em!” - Cả nhóm BK307 trìu mến kể về thầy giáo Cao Xuân Bình.
20230324 DSC05546
Thầy - trò nhóm BK307 sẽ nỗ lực hết mình tại Vòng chung kết SV-Startup 2023. Ảnh: Duy Thành
Các sinh viên BK307 khi nói đến thầy Cao Xuân Bình đều kèm theo nụ cười tươi rói. Có lẽ vì cứ nhớ đến thầy Bình là các sinh viên lại nhớ đến những niềm vui, nhớ đến những câu nói động viên, khích lệ. Thử nghe chia sẻ của một số thành viên:

Bùi Minh Đức: “Thầy Bình luôn “ưu tiên” chúng em, thầy nói với cả nhóm: Chỉ cần các em hẹn là thầy có mặt!”

Nguyễn Anh Quân: “Những hôm nhóm thi xong, thầy Bình đưa chúng em đi ăn. Không ít lần nhóm làm sai, làm hỏng, việc không thuận lợi, thầy giống như người truyền lửa, khích lệ, động viên chúng em đi tiếp.

Phạm Ngọc Quân: “Thầy Bình tài trợ tài chính cho nhóm nghiên cứu. Thầy nói với chúng em: Tiền đầu tư cho sinh viên nghiên cứu khoa học thầy không thiếu, quan trọng là sử dụng tiền hiệu quả như thế nào!”

Nghiên cứu khoa học với thầy giáo vui như thế, các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã dốc hết tâm sức, vừa học tập trên lớp, vừa tập trung nghiên cứu, vượt qua những khó khăn trong thử nghiệm sản phẩm, hiện thực hóa ý tưởng xây dựng mô hình học máy sử dụng dữ liệu thu về từ cảm biến để hỗ trợ theo dõi tình trạng cột antenna tại các trạm thu phát tín hiệu viên thông (BTS) và đưa ra dự báo sớm các rủi ro tiềm ẩn của cột BTS theo thời gian thực. Vượt qua nhiều đội thi từ các trường ĐH trên toàn quốc, thầy Cao Xuân Bình và các học trò tự hào đưa sản phẩm của mình tranh tài tại Vòng chung kết SV-Startup.
img 1536
Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo AutoAntenna
Giải pháp truyền thống: 1.200 tỷ đồng. Giải pháp của BK307: Hơn 100 tỷ đồng

Nhóm BK307 giới thiệu về nghiên cứu của mình:

Hiện nay, việc đánh giá tình trạng của các cột antenna (ăng ten) đều phải được thực hiện trực tiếp, thủ công, vừa hao tốn nhiều thời gian, tiền bạc, đòi hỏi lượng nhân lực lớn có chuyên môn, đồng thời cách kiểm tra định kỳ này dẫn đến việc nắm thông tin về tình trạng các cột antenna chỉ diễn ra vào thời điểm đo, không được cập nhật thường xuyên cho công tác bảo dưỡng. Từ hiện thực trên, AutoAntenna - Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột antenna tại các trạm BTS đã được nhóm BK 307 nghiên cứu và phát triển thành công.

AutoAntenna gồm hệ thống các cảm biến và mô hình học máy tăng cường (Continual Learning) dự báo sự cố gãy đổ của cột antenna tại các trạm thu phát tín hiệu viễn thông (BTS) cho đơn vị quản lý. Nhờ tích hợp AI trong giám sát, theo dõi chính xác tình trạng cột antenna trong quá trình hoạt động, AutoAntenna tiết kiệm đáng kể chi phí bảo dưỡng so với cách làm thủ công hiện tại. Thay vì 1.200 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng như truyền thống, khi ứng dụng giải pháp của BK307, chi phí dự kiến triển khai chỉ còn hơn 100 tỷ đồng. Hệ thống này dự kiến được thử nghiệm tại 13 cột BTS của Công ty cổ phần Kỹ thuật dịch vụ viễn thông Hà Nội và ra mắt sản phẩm thương mại trong quý 4 năm 2023.

Đặc biệt, các dữ liệu AutoAntenna thu thập ứng dụng vào các lĩnh vực khác như dự báo thời tiết, thiên tai. Hỗ trợ người dân và các công ty viễn thông có sự chuẩn bị để ứng phó với thiên tai, giúp giảm thiệt hại về con người lẫn tài sản.

Thiết bị hỗ trợ AutoAntenna không trực tiếp can thiệp vào quá trình bảo trì, bảo dưỡng các trạm BTS, giúp thông báo nhanh, chính xác tình trạng của nhiều cột BTS trong một phạm vi nhất định, hỗ trợ các kỹ sư đưa quyết định bảo dưỡng tối ưu hơn, tốn kém ít hơn.

Trong tương lai, thông qua việc tự gán nhãn cho dữ liệu thu về cảm biến, mô hình sẽ liên tục cập nhật và cải thiện độ chính xác theo thời gian, từ đó tiến hành dự đoán những khả năng bất lợi có thể xảy ra đối với cột Antenna và đưa ra cảnh báo phù hợp cùng với các khuyến cáo bảo trì, bảo dưỡng.
anh phu
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tự tin, năng động, sáng tạo
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho chung kết SV Start-up

Nhóm BK 307 đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho vòng chung kết SV-Startup, phân công nhau tìm hiểu tài liệu liên quan đến thị trường, thương mại, marketing… Các sinh viên còn viết hẳn một bài nói để tập thuyết trình cho trôi chảy, thuyết phục Ban Giám khảo. Anh Quân chia sẻ: “Chúng em luyện nói trước gương, trước các bạn trong nhóm. Nếu có thời gian, chúng em mời cả lab nghe, góp ý”.

Không nghiên cứu chỉ để đi thi, nhóm BK307 quyết tâm sẽ khởi nghiệp cùng AutoAntenna. Trước mắt, sản phẩm đã có nhiều doanh nghiệp lớn để ý từ sau cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 do Đại học Bách khoa tổ chức. Sân chơi SV-Startup hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội thương mại hóa sản phẩm hơn cho cả nhóm.

BK307 đã có kế hoạch nâng cấp AutoAntenna, tập trung phát triển bộ dữ liệu sản phẩm để phù hợp với sự đa dạng của cột antenna tại Việt Nam, và xa hơn là trên thế giới. Từ đó, AutoAntenna sẽ trở thành sản phẩm đi đầu trong việc hỗ trợ bảo trì bảo dưỡng trạm BTS. Các thầy/cô giáo như TS. Cao Xuân Bình, các lab nghiên cứu ở trường sẽ hỗ trợ chúng em hiện thực hóa ước mơ này.” – Các cô cậu sinh viên mắt sáng ngời, đầy ắp hào hứng khi nói về những dự định sẽ làm trong quá trình học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với BK307, thanh xuân ở Bách khoa Hà Nội thật rực rỡ!
 
Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 nhóm sinh viên I-TechBK 307 tham gia Vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Học sinh, Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup) lần thứ 5 do Bộ GD&ĐT tổ chức, diễn ra tại ĐH Huế. Vòng chung kết SV-Startup diễn ra vào ngày 24-26/3/2023. Các đội thi sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp tại các gian hàng theo chủ đề của BTC.
Gia Hân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây