GS. Lê Anh Tuấn, Chủ toạ Hội thảo “Kỹ thuật Cơ khí động lực, Năng lượng và Cơ khí chế tạo”
Hội thảo vùng “Kỹ thuật Cơ khí động lực, Năng lượng và Cơ khí chế tạo” công bố nhiều nghiên cứu về cơ khí và năng lượng trong bối cảnh thế giới hướng tới nền kinh tế trung hoà các-bon - không tăng thêm lượng các-bon thải ra trên toàn cầu.
Ngày 10-11/12/2021, hội thảo vùng “Kỹ thuật Cơ khí động lực, Năng lượng và Cơ khí chế tạo” (RCTEMME2021) đã chính thức diễn ra tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hội thảo với chủ đề “Hội nhập và Đổi mới để Phát triển bền vững” công bố nhiều nghiên cứu, giải pháp về chuyển dịch năng lượng, thiết bị giao thông thân thiện với môi trường và những bước tiến mới trong công nghệ chế tạo, tự động hoá, công nghệ robot, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.
Thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển về dân số và kinh tế toàn cầu. Đến năm 2050, 70% dân số sẽ sống trong các đô thị, các khu công nghiệp. Điều này dẫn đến những yêu cầu về năng lượng, công nghệ và máy móc ngày càng phát triển để đáp ứng với nhu cầu đang gia tăng.
Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2030, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng. Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong vòng một thập kỷ tới, chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng.
Trong khi đó, nhiên liệu hoá thạch là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nóng lên toán cầu và sự cực đoan của khí hậu.
PGS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng xu hướng chung trên thế giới là cần sử dụng năng lượng sạch hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Chúng ta cần kết hợp năng lượng tái tạo và năng lượng truyền thống và tăng dần tỉ trọng của năng lượng tái tạo để đảm bảo hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Tỉ trọng năng lượng tái tạo của Việt Nam đang biến đổi rất nhanh, thậm chí nhanh hơn nhiều nước tại Châu Âu đi đầu trong năng lượng tái tạo. Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt của Năng lượng mặt trời và tái tạo đã chiếm 25% tổng công suất lắp đặt của toàn nhà máy điện, nhưng chỉ cung cấp 4,3% tổng sản lượng điện cho cả nước. Phó Hiệu trưởng trường Cơ khí cho rằng lý do quan trọng nhất hiện nay là hệ thống hạ tầng chưa theo kịp bởi thiếu sự quy hoạch tổng thể và phát triển một cách đồng bộ.
Nhu cầu về di chuyển và vận chuyển hàng hoá cũng thúc đẩy sự phát triển của vận tải và công nghệ trong lĩnh vực này. Xe điện, xe lai điện (xe hybrid) xuất hiện bên cạnh các dòng xe truyền thống.
Báo cáo đề dẫn của buổi hội thảo xoay quanh các chủ đề nóng về năng lượng và cơ khí tại Việt Nam và trên thế giới. Trong bài phát biểu về “Chuyển dịch năng lượng và xu hướng phát triển của công nghệ năng lượng sạch tại Việt Nam”, PGS Phạm Hoàng Lương, trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới trong việc chuyển dịch từ nhiên liệu hoá thạch sang nguồn năng lượng tái tạo.
PGS Phạm Hoàng Lương phát biểu tại buổi hội thảo ngày 10/12. Ảnh: CCPR-Kim Chi
Theo ông, với nhiều tiềm năng trong việc khai thác các nguồn nguyên liệu sạch này, Việt Nam cần thực hiện ba mục tiêu trong chuyển dịch năng lượng về an ninh năng lượng, đảm bảo giá cả hợp lý và cam kết bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
PGS Phạm Hoàng Lương cũng khẳng định vai trò quan trọng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc hợp tác với các trường đại học và học viện khác trong khu vực và trên thế giới thông qua các hoạt động nghiên cứu và tổ chức diễn đàn để đóng góp cho sự dịch chuyển năng lượng tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, các đề về năng lượng và cơ khí tại Việt Nam và trên thế giới được đưa ra thảo luận như “Tình hình năng lượng thế giới và chiến lược trung hoà carbon ở Nhật Bản” của GS Hideaki Ohgkaki, Đại học Kyoto (Nhật Bản), “Hợp tác nghiên cứu và triển khai nhiên liệu sinh học tại Học viện Công nghệ Bandung” của GS Iman Kartolaksono Reksowardojo, Viện Công nghệ Bandung (Indonesia), “Phát triển bền vững ngành nhiệt lạnh: Các lựa chọn và nhu cầu cho nghiên cứu” từ GS Felix Ziegler, Đại học Công nghệ Berlin (Đức), “Phát triển của thận nhân tạo: Các khó khăn trong Kỹ thuật Y tế” từ GS. Norihisa Miki, Đại học Keio (Nhật).
Phát biểu tại hội thảo, GS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường và Chủ toạ của Hội thảo, cho rằng buổi hội thảo lần này mở rộng cơ hội trao đổi và hợp tác cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực Kỹ thuật Cơ khí động lực, Năng lượng và Cơ khí chế tạo trên toàn thế giới. Sự kiện được tổ chức hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập trường Đại học Bách khoa Hà Nội và sự thành lập của Trường Cơ khí trong năm nay.
Buổi hội thảo diễn ra dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến
Buổi hội thảo thu hút hơn 200 người tham dự với các tác giả đến từ 11 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Thái Lan. Xuyên suốt hai ngày diễn ra hội thảo, 164 báo cáo được trình bày trong 11 phân ban.
Hợp nhất giữa Hội thảo vùng lần thứ 14 về Công nghệ năng lượng và Hội thảo vùng lần thứ 13 về Công nghệ chế tạo cơ khí, buổi hội thảo lần này được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ thông tin và công bố những công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí động lực, cơ khí chế tạo và năng lượng.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, buổi hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo tương tác giữa những người tham dự đến từ nhiều quốc gia.
RCTEMME2021 được bảo trợ bởi Dự án Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á AUN/SEED-Net. Mạng lưới AUN/SEED-Net do Tổ chức JICA, Nhật Bản tài trợ cùng với sự hỗ trợ về mặt học thuật và nghiên cứu của 11 trường Đại học Kỹ thuật Nhật Bản.
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn