Buổi tọa đàm Ngày sách và Văn hóa đọc 2022 được tổ chức với mục tiêu cung cấp những kỹ năng thông tin về môi trường chuyển đổi số, phương pháp tạo thói quen đọc sách và vai trò của sách và thư viện.
“Thư viện luôn là giảng đường thứ hai sau những giờ học trên lớp”, ThS Hà Thị Huệ, Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu khẳng định trong tọa đàm Ngày sách và Văn hóa đọc 2022.
ThS Hà Thị Huệ, Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu, phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Thu Hà
Buổi tọa đàm thu hút đông đảo sự quan tâm của sinh viên và cán bộ trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng trong buổi lễ, thư viện trao phần thưởng tuyên dương Top 10 bạn đọc đến Thư viện thường xuyên năm học 2020-2021. Theo số liệu trích xuất từ hệ thống phần mềm quản lý của Thư viện, sinh viên Trần Thị Hường, viện Kinh tế và Quản lý, gây ấn tượng với hơn 900 lần đến Thư viện trong một năm học.
TS. Nguyễn Văn Thiên, trưởng khoa Thông tin thư viện Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học đầu tiên của Việt Nam xây dựng thư viện số. Trong bài trình bày của mình, TS. Thiên đề cập đến những kinh nghiệm hữu ích trong việc khai thác thông tin trong môi trường chuyển đổi số.
Cũng tại buổi tọa đàm, ThS. Đào Thị Linh, cán bộ Thư viện Tạ Quang Bửu, chia sẻ các phương pháp hay để tạo thói quen đọc sách. Theo chị, để rèn luyện việc đọc hàng ngày, người đọc sách cần tham khảo những phương pháp về thời gian, địa điểm, hay tiến trình đọc.
Trao tặng quà cho các bạn đọc thường xuyên của Thư viện Tạ Quang Bửu. Ảnh: Thu Hà
Phùng Đức Tùng, sinh viên Trường Điện – Điện tử, CLB Yêu sách Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc đọc sách giúp ích rất nhiều cho sinh viên, không chỉ trong việc nâng cao tri thức, nhận thức mà còn rèn luyện tính sáng tạo, khả năng tư duy và nhân cách.
“Việc đọc sách của mỗi cá nhân sẽ nâng cao văn hóa đọc sách của cả cộng đồng”, Tùng nhấn mạnh. Hiện nay, CLB Yêu sách Bách khoa Hà Nội có khoảng 1000 đầu sách phục vụ hoạt động cho sinh viên mượn sách. CLB cũng có tổ chức nhiều sự kiện và cuộc thi khác để khuyến khích văn hóa đọc sách trong cộng đồng Bách khoa Hà Nội.
Theo ThS Hà Thị Huệ, phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thư viện. Để phát triển văn hoá đọc, trong những năm qua thư viện Tạ Quang Bửu đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như Đại sứ văn hóa đọc, các hoạt động tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu sách hay, các buổi tọa đàm phát triển bản thân cùng sách và các sự kiện nhân Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 21/4.
Thư viện Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được thành lập từ năm 1956 (ngay sau ngày thành lập trường). Thư viện lưu giữ và truyền tải tri thức thông qua vốn tài liệu và công tác phục vụ bạn đọc, đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho sinh viên. Hiện nay, thư viện Tạ Quang Bửu có số lượng lớn các đầu sách bao phủ nhiều lĩnh vực khoa học – công nghệ, văn học, lịch sử, ngoại ngữ, hay kỹ năng sống...
CCPR
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn