Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có quy định chi tiết về cơ sở giáo dục đại học nói chung, về đại học nói riêng.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu thêm thông tin về mô hình đại học nhìn từ góc độ quy định trong 03 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và xem xét thêm về mô hình đại học gần hơn với sự phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo luật định, “cơ sở giáo dục đại học” thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng. Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học, học viện và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Về loại hình cơ sở giáo dục đại học, có “Cơ sở giáo dục đại học công lập” do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu và “Cơ sở giáo dục đại học tư thục” do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.
Căn cứ vào năng lực và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cơ sở giáo dục đại học xác định mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng.
Cũng theo luật định, “Đại học” là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Với hai mô hình “đại học” đã có ở nước ta là “đại học quốc gia” và “đại học vùng”, được xác định là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Trong đó, quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành, còn quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo luật định, còn có hai mô hình “đại học” mới là chuyển từ trường đại học thành đại học và liên kết các trường đại học thành đại học.
Đại học có nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể gồm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đại học; quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động đào tạo của đại học; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, chia sẻ tài nguyên và cơ sở vật chất dùng chung trong đại học; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đại học đặt trụ sở theo quy định; được chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức bộ máy; các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của đại học bao gồm: hội đồng đại học; giám đốc đại học và phó giám đốc đại học; hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học. Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học sẽ quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức cụ thể của đại học, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc đại học.
Nghị quyết chuyên đề số 85-NQ/ĐU ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Ban chấp hành Đảng bộ Trường ĐHBK Hà Nội khóa XXX về chuyển đổi mô hình tổ chức, xây dựng hình mẫu Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại đã xác định quan điểm chính là: Xây dựng hệ thống tổ chức và quản trị đại học theo mô hình tiên tiến, tinh gọn và hiệu quả, phân cấp mạnh hơn nhưng không phân lập, không xây dựng các đơn vị trực thuộc, các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.
Với quan điểm đó, mô hình chuyển trường đại học thành đại học là mô hình gần hơn cả và vì thế cần được phân tích kỹ hơn.
Trong Nghị định số 99/2019/NĐ-CP có riêng điều 4 về chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, có 3 điều kiện cơ bản để chuyển trường đại học thành đại học, bao gồm:
+ Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;
+ Có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại khoản 4 Điều 4 (NĐ 99/2019/NĐ-CP); có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;
+ Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập.
Đối với điều kiện thứ 2, về trường thuộc trường đại học, thì Luật Giáo dục đại học xác định đây là đơn vị đào tạo thuộc trường đại học, không có tư cách pháp nhân, do hội đồng trường đại học quyết định thành lập theo quy định của Chính phủ, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Để thành lập “trường thuộc”, cần thỏa mãn các điều kiện: có ít nhất 05 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 01 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc trường đại học.
Trong trường hợp thành lập trường chỉ để đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng thì không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ ít hơn quy định thì phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào tính đặc thù của lĩnh vực hoặc trình độ đào tạo.
Với tên của trường thuộc, có quy định rõ: tên của trường phải bảo đảm không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học đã thành lập hoặc đăng ký, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ, không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tên giao dịch quốc tế của trường được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, phải sử dụng các thuật ngữ tiếng nước ngoài theo thông lệ quốc tế.
Để thành lập trường thuộc trường đại học, cần xây dựng hồ sơ thành lập, có đủ các nội dung như: đề án thành lập nêu rõ sự cần thiết thành lập trường, giải pháp thực hiện đề án, các minh chứng về điều kiện thành lập trường theo quy định. Hội đồng trường đại học có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc trường đại học, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo.
Thực hiện chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, vào tháng 10 năm 2021 Trường ĐHBK Hà Nội đã thành lập 03 trường thuộc. Các trường Cơ khí, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Điện – Điện tử đã thực hiện ngay công tác kiện toàn tổ chức, triển khai hoạt động có hiệu quả.
Mô hình Đại học Bách khoa Hà Nội với quan điểm xuyên suốt “Một Bách khoa Hà Nội” đang được xây dựng theo đúng kế hoạch, hướng tới hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết chuyên đề số 85 là “xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, các đơn vị gắn kết hữu cơ, tập trung nguồn lực và hoạt động hiệu quả, khẳng định vị thế trong và ngoài nước”.
Phòng Thanh tra – Pháp chế. Nguồn: Hust
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn