…Tôi có 21 năm giảng dạy và làm việc tại Bách khoa Hà Nội. Đối với mỗi vị trí công việc, mỗi giai đoạn, tôi đều giữ những ấn tượng rất tốt về nhà trường, về các thầy cô giáo, các em sinh viên…
Những hạt nhân đổi mới
Giai đoạn 1994-1997 là giai đoạn Trường có những chuyển biến rất quan trọng từ cơ cấu tổ chức đến các hoạt động về khoa học công nghệ, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất. Đây cũng là giai đoạn Bách khoa Hà Nội đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, thúc đẩy, gắn kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Lúc đó Trường đào tạo nhiều ngành nghề mới đã đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt chú trọng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Các ý tưởng chủ động hợp tác quốc tế trong giai đoạn này được các lãnh đạo trường/khoa/bộ môn, các thầy cô tham gia rất tích cực. Chương trình dự án hợp tác tăng lên đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất là số lượng các thầy cô được cử đi đào tạo ở nước ngoài tăng lên. Đây là nguồn cán bộ quan trọng giúp cho các bộ môn, các khoa xây dựng được đội ngũ. Các thầy cô hiện nay vẫn đang công tác tại các bộ môn ở Bách khoa.
Cuộc chạy đua tiếp sức giữa các thế hệ ở Bách khoa
Khi tham gia công tác quản lý, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi chính là không khí làm việc rất nhiệt tình, sôi nổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn của các thầy/cô/sinh viên Bách khoa. Mọi người sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động của Nhà trường.
Sau này công tác ở Bộ GD&ĐT khoảng 10 năm, tôi đi công tác hầu hết các tỉnh trong cả nước, từ những nơi xa xôi hẻo lánh cho đến các thành phố lớn, may mắn được gặp rất nhiều cựu sinh viên Bách khoa. Mọi người đến chơi không phải với tư cách tôi là lãnh đạo Bộ GD&ĐT mà với tư cách tôi là thầy giáo, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi chia sẻ nhiều kỷ niệm về các thầy cô, về những biểu tượng của Trường như cổng Parabol, sân trước Nhà C1, ký túc xá Bách khoa… Ai cũng hồ hởi, phấn khởi, giữ gìn kỷ niệm tốt đẹp về Nhà trường, tình cảm thầy trò rất sâu nặng. Đó là một trong những điều tôi khó tìm thấy được ở nơi nào khác.
Đối với tôi và nhiều cán bộ đã công tác tại Trường, Bách khoa Hà Nội không hẳn là một ngôi trường ở đó chúng tôi công tác, giảng dạy, học tập mà hơn thế nữa, Bách khoa Hà Nội còn là mái nhà chung, là một gia đình lớn trong đó các thế hệ thầy trò, cán bộ, giảng viên có quan hệ rất chân tình, cởi mở; nơi mọi người có thể gửi gắm các mong muốn, các hy vọng vào Nhà trường.
Bên cạnh đó, khi nói về truyền thống, lịch sử, khi nhắc về những kỷ niệm với Nhà trường sẽ thấy lịch sử, truyền thống của Bách khoa Hà Nội là một dòng chảy liên tục, là một cuộc chạy đua tiếp sức giữa các thế hệ. Mỗi một giai đoạn, mỗi một thế hệ đều để lại một số dấu ấn nhất định. Điều này luôn luôn được duy trì và phát triển. Chính vì vậy, nhìn lại mỗi một giai đoạn, chúng ta luôn tự hào, phấn khởi về truyền thống và sự phát triển của Nhà trường. Ai cũng nhìn thấy hình bóng của mình – dù ít dù nhiều – trong hình ảnh của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Khẳng định vị thế của Bách khoa trong khu vực và trên thế giới
Khi trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới thành lập, mục tiêu đặt ra là trở thành một trường đại học kỹ thuật trọng điểm, đầu ngành của đất nước, mang tính định hướng trong hệ thống đại học của nước ta. Trong quá trình phát triển, bằng các hoạt động của mình, Trường đã chứng tỏ được vai trò đó, ngày càng khẳng định vị thế của Đại học Bách khoa trong hệ thống các trường đại học cả nước.
Đến giai đoạn hiện nay, mặc dù hệ thống đại học có nhiều thay đổi, nhưng tính chất, vai trò của Đại học Bách khoa Hà Nội không thay đổi. Đây cũng là mong muốn, là nguyện vọng của các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội muốn gửi gắm vào Nhà trường, để trong giai đoạn phát triển sau này, Trường sẽ luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu, dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Tôi luôn luôn suy nghĩ, theo sát các bước đi của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, của nhiều thầy cô ở các đơn vị trong Trường. Tôi và nhiều người yêu Bách khoa luôn mong Trường sớm thực hiện được mục tiêu, chiến lược đã đề ra, đưa Bách khoa Hà Nội trở thành một trung tâm đầu tầu về nghiên cứu chất lượng cao, đạt được trình độ của các trường đại học tiên tiến trong khu vực, từng bước vươn tới trình độ của các đại học tiên tiến trên thế giới; đáp ứng được yêu cầu nhân lực trình độ chất lượng cao của công cuộc xây dựng CNH – HĐH đất nước.
Để đạt được mục tiêu đó thì phải chia nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có mục tiêu cụ thể hơn. Có những việc chúng ta đang làm và bước đầu có kết quả. Có những việc còn khó khăn đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả tập thể.
Tôi tin rằng với năng lực của đội ngũ các giảng viên, cán bộ, với nhiệt huyết, trách nhiệm của sinh viên, với truyền thống vẻ vang của ngôi trường có lịch sử 65 năm phát triển, chúng ta chắc chắn sẽ thực hiện được mong muốn đó.
“Tôi trưởng thành từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thật may mắn khi có một môi trường làm việc thuận lợi như vậy. Anh em, bạn bè, học trò, mỗi người đều có một đóng góp, hỗ trợ cho Nhà trường, trong đó bản thân tôi cũng được hưởng một phần nào đó. Tôi rất cảm ơn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” – PGS. Nguyễn Minh Hiển – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Gia Hân (ghi). Ảnh: NVCC
Nguồn: HUST
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn