Chiều nay (5/11/2021), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng các Trường: Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện – Điện tử.
Theo nội dung quyết định, PGS. Nguyễn Việt Dũng, PGS. Phạm Văn Sáng, TS. Hoàng Hồng Hải được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí.
PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình, PGS. Cao Tuấn Dũng, TS. Nguyễn Thanh Hùng được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT).
PGS. Nguyễn Huy Phương, PGS. Hoàng Sĩ Hồng, PGS. Nguyễn Xuân Quyền được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - nhận định với việc thực hiện bổ nhiệm chức vụ quản lý 3 trường mới được thành lập: Trường Cơ khí; Trường CNTT&TT và Trường Điện – Điện tử, Bách khoa Hà Nội đã tiến thêm một bước trong quá trình tái cấu trúc.
Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội các thời kỳ đã có tầm nhìn rất xa với mong muốn Trường sẽ có cơ chế để thay đổi. Thời điểm trước, vì những điều kiện không cho phép, Trường phải đặt tên các đơn vị là Viện đào tạo, còn tên tiếng Anh đi theo đúng chuẩn mực quốc tế là School.
“Điều đó nói lên rằng quá trình vận động, xây dựng, tái cấu trúc, trăn trở làm thế nào để Bách khoa Hà Nội phát triển luôn nằm trong tiềm thức người Bách khoa” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.
Giao nhiệm vụ cho các cán bộ quản lý mới bổ nhiệm, PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh về những thay đổi rất lớn của 3 trường mới. Số lượng cán bộ, số lượng sinh viên Trường Cơ khí, Trường Điện – Điện tử tăng lên rất nhiều. Nhìn bề ngoài, Trường CNTT&TT vẫn giữ nguyên nhưng với sự phát triển nhanh của ngành, đòi hỏi các thầy cô phải có chuyển biến, có sự thích ứng.
Cùng đó, cần tái cấu trúc các khoa theo các Đề án đã xây dựng; xây dựng các nhóm chuyên môn, các lab nghiên cứu, lab đào tạo; tối ưu về cơ sở vật chất; đổi mới chương trình đào tạo, quy hoạch các phòng thí nghiệm nghiên cứu,… đảm bảo từng trường phù hợp với tên gọi, để có thể khẳng định cái tên Cơ khí Bách khoa Hà Nội, CNTT&TT Bách khoa Hà Nội, Điện – Điện tử Bách khoa Hà Nội cho xã hội, cho các cơ quan quản lý, cho các trường đại học trong nước và bạn bè quốc tế.
“Mong rằng BGH 3 trường sẽ lựa chọn thêm vào đội ngũ cán bộ quản lý của mình những thầy cô trưởng – phó khoa nhiệt huyết, kinh nghiệm, đẩy mạnh sự phát triển của từng ngành – nghề của Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi rất kỳ vọng các thầy cô ở từng trường sẽ luôn đoàn kết, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm quản lý các trường theo từng mô hình đặc thù để phát triển từng lĩnh vực đó thành sức mạnh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. ” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ.
Về những bước đi tiếp theo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết trong thời gian tới, Bách khoa Hà Nội, sẽ có khoảng 6-7 trường và các khoa tương ứng, thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục. Trường có khoảng thời gian từ 3-5 tháng để hoàn thành Đề án chuyển đổi mô hình thành Đại học, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PGS. Nguyễn Huy Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử - phát biểu nhận nhiệm vụ
PGS. Nguyễn Huy Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử - chia sẻ: Với mô hình mới, chúng tôi mong muốn sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về hình thức của một cấu trúc quản lý mới mà phải là sự thay đổi căn bản về tư duy quản trị, sự thay đổi nhận thức các chức năng quản lý trong mô hình mới này, giảm bớt nghiệp vụ quản lý, tập trung hướng tới chất lượng chuyên môn và đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người học.
Thay mặt 9 thầy cô nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ quản lý hôm nay, PGS. Nguyễn Huy Phương bày tỏ quyết tâm sẽ cố gắng hết sức mình, làm việc tâm huyết, cống hiến và trách nhiệm, hướng tới một Bách khoa ngày càng phát triển.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Kể từ ngày 8/10/2021, khi Hội đồng trường ra Nghị quyết thành lập 3 trường Cơ khí, CNTT&TT, Điện – Điện tử, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ xã hội, từ các trường đại học trong nước, các cơ quan quản lý. Các ý kiến đều đánh giá cao cách làm của Bách khoa Hà Nội khi lựa chọn cho mình một con đường đúng luật, phù hợp với lộ trình phát triển của giáo dục đại học thế giới. Con đường này đã được trăn trở, ươm mầm từ các thế hệ lãnh đạo trước đây. Đặc biệt, chúng ta đã rút kinh nghiệm, mạnh dạn và dũng cảm chọn một mô hình đại học phù hợp và vẫn thể hiện được sức mạnh của Bách khoa Hà Nội”. |
Ảnh: Duy Thành
Nguồn: Hust
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn