Chuyện về thầy giáo 6 bảng ở Bách khoa Hà Nội

Thứ tư - 16/11/2022 04:00
Năm đó, ở Việt Nam, gọi điện thoại từ tỉnh này sang tỉnh khác là một điều xa xỉ. Vậy mà một sáng 20/11, thầy giáo dạy Toán Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – NGƯT. PGS. Nguyễn Cảnh Lương nhận được một cuộc điện thoại của một cựu sinh viên Bách khoa từ tận Vũng Tàu chúc mừng thầy nhân ngày 20/11: “Thầy ơi, thầy không biết em đâu. Nhưng em luôn nhớ những giờ Toán thầy dạy. Mãi đến hôm nay em mới biết số điện thoại của thầy, thầy cho phép em qua điện thoại chúc mừng thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam…” Chuyện cũ lâu lắm rồi mà hồi nhớ lại, thầy Cảnh Lương vẫn rất xúc động về tình thầy trò thiêng liêng.
PGS. Nguyễn Cảnh Lương. Ảnh: Kim Chi
PGS. Nguyễn Cảnh Lương. Ảnh: Kim Chi

“Sinh viên Bách khoa – Nguồn cảm hứng của tôi”

PGS. Nguyễn Cảnh Lương vẫn nhớ những ngày đầu dạy tại khoa Toán ở Đại học Bách khoa Hà Nội - năm 1984, nhìn xuống lớp là các sinh viên trẻ trung, tiếp thu rất nhanh, sinh viên tranh luận sôi nổi trước những vấn đề thầy đưa ra, còn các lớp kỹ sư tài năng thì sinh viên có những cách giải sáng tạo khiến thầy Cảnh Lương rất thán phục và nghĩ “Các em có lời giải còn hay hơn mình”.

Trên lớp thầy truyền kiến thức cho trò, nhưng chính thầy cũng âm thầm học từ trò những tư duy sáng tạo. Thầy Lương cảm thấy rất hạnh phúc. – PGS. Cảnh Lương chia sẻ. “Dạy học ở Bách khoa cảm hứng lắm. Có lúc tôi còn không muốn ngừng giờ dạy! Những tiết học đó tôi không bao giờ quên được.”

Với PGS. Nguyễn Cảnh Lương, nghề dạy học vô cùng thú vị! Bởi mỗi giờ dạy, mỗi đối tượng, thầy lại có cách dạy học khác nhau, có những ví dụ khác nhau, cùng một nội dung truyền đạt, nhưng ở lớp này thấy nói khác lớp kia. Sinh viên có điều kiện có thể dự học các lớp thầy dạy mà không thấy chán!

Không chỉ truyền đạt kiến thức, PGS. Nguyễn Cảnh Lương còn chú ý rèn sinh viên tác phong nghiêm túc, chỉn chu. Như việc đúng giờ, trong lớp chú ý nghe giảng, tôn trọng thầy cô… Thầy tạo mọi điều kiện cho sinh viên, khuyến khích các em đặt vấn đề, trong giờ giảng có gì không hiểu, sinh viên cứ giơ tay hỏi, thầy sẽ dừng giờ giảng để giải thích cặn kẽ, nhiệt tình, yêu cầu duy nhất là sinh viên phải nghiêm túc, tập trung.  

Thầy là một tấm gương về tuân thủ giờ giấc như một người lính - chưa bao giờ vào lớp muộn và cũng không lạm dụng giờ giảng, cứ chuông reo nghỉ là cả giảng đường giải lao, chuông hết tiết là tất cả sinh viên tan lớp.

 

PGS. Nguyễn Cảnh Lương và 6 chiếc bảng huyền thoại. Ảnh: Internet

Thầy giáo 6 bảng

 Ở Đại học Bách khoa, việc thầy giáo viết kín 6 bảng là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng thời thầy Nguyễn Cảnh Lương những năm 8X, đó có thể nói là một huyền thoại!

Sẽ có không ít người thắc mắc: Tại sao phải nhiều bảng thế? Đại học chứ có phải phổ thông cấp 4 đâu? Mà thời buổi công nghệ này, tất cả chỉ cần một…con chuột... Nhưng thầy Nguyễn Cảnh Lương vẫn làm thế, ở một trường kỹ thuật nổi tiếng là Đại học Bách khoa Hà Nội. Và thầy cũng nổi danh vì điều đó. Thế mới lạ!

Đầu mỗi năm học, trên các trang mạng xã hội hay đăng ảnh PGS. Nguyễn Cảnh Lương cùng 6 cái bảng kín mít chữ, biểu đồ, công thức.... Điều đó cũng nói lên tâm huyết của thầy với nghề.

Nói về lý do của việc làm “kỳ lạ” đó, thầy Lương giãi bày: “Không phải trong 1 tiết viết đầy 6 bảng mà phải là 3 tiết. Học Toán, nếu tiết sau sinh viên chưa nhớ được kiến thức của tiết trước, nhìn lên bảng là có. Làm thế mình vất vả, nhưng sinh viên sẽ theo dõi kịp, nhìn được tổng thể, hiệu quả giờ giảng sẽ cao hơn.

Nếu để nhàn hơn một chút thì có thể dùng slide. Nhưng slide trôi qua rồi, sinh viên không nhớ slide trước là gì cả, không theo dõi kịp. Đầu tiên tôi viết ở góc trên cùng bên trái và cứ đặt dấu chấm ở góc cuối cùng bên phải là “vừa xinh” hết tiết thứ 3!”.

Để viết được kín 6 bảng như thế, thầy Lương cũng phải mất nhiều năm trời đúc rút, học hỏi kinh nghiệm. Không phải nói xa xả rồi đưa hết lên bảng, thế thì bảng nào cho đủ? Nên cần biết nói gì, viết gì để bắt đầu ở đầu bảng 1 và kết thúc cuối cùng ở bảng 6, không thừa không thiếu.

Những tìm tòi, đúc rút  để trở thành “ông thầy 6 bảng” với những bài giảng hay đó là xuất phát từ một niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Thầy nói “Dù trong hoàn cảnh nào, đã đứng trên bục giảng là đem hết tâm huyết với học trò.”

Giờ đến tuổi nghỉ hưu, nhìn lại quãng đường mình đã đi, thầy tự hào khẳng định: “Suốt 44 năm làm giảng viên, tôi chưa bỏ dạy”! Kể cả khi rất bận với công việc quản lý, chưa bao giờ thầy xao nhãng việc dạy học. Trong tuần, ít nhất thầy cũng dạy một buổi vào đầu giờ - từ 7h kém 15 đến 8h kém 15 - sau đó đi họp và làm việc quản lý.

“Ông thầy 6 bảng” là dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong lòng của sinh viên đại học Bách khoa về PGS.Nguyễn Cảnh Lương. Có sinh viên đã vẽ chân dung của Thầy trong 10 tiếng dự cuộc thi viết về người thầy Bách khoa, bức ảnh đó được Đoàn Thanh niên Trường in và tặng thầy Lương nhân dịp 20/11/2021. Với một người thầy, đón nhận tình cảm chân thành của sinh viên thật xúc động và hạnh phúc!

 

PGS. Nguyễn Cảnh Lương (ngoài cùng bên phải ảnh) thời gian đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy Trường ĐHBK Hà Nội. Ảnh: Trương Chí Thụy

Tâm huyết của nhà quản lý

Bên cạnh công việc giảng dạy, nghiên cứu, viết sách…, có thời gian PGS. Nguyễn Cảnh Lương còn đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với ông, làm quản lý hay làm giảng viên đều có những đam mê, hứng thú riêng. Có thể hiểu công tác chuyên môn là về những con số, còn công tác quản lý là về những con người. Tuy nhiên, điểm chung và cũng là cái hay nhất của cả hai công việc này chính là tính logic, gần với chuyên môn Toán của thầy Lương.

Nghe nói việc quản lý logic, có người sẽ nghĩ ngay đến việc cứng nhắc, 1+1=2, nhưng thầy Lương phủ nhận ngay: “Logic nhưng không áp đặt, cứng nhắc. Tôi sẵn sàng lắng nghe và thay đổi ý kiến khi nhận được những góp ý xác đáng, hợp lý chứ không cứng nhắc cho mình là đúng, bởi không ai đúng hoàn toàn. Làm quản lý hay làm chuyên môn cũng vậy.”

Với tâm thế sẵn sàng đón nhận góp ý, sẵn sàng học hỏi, PGS. Nguyễn Cảnh Lương đã vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn của lĩnh vực đào tạo - Câu chuyện PGS nhớ nhất trong thời gian làm quản lý của mình là năm 2007, thời điểm bắt buộc chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, triển khai một chủ trương lớn nêu ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần tứ XXVI năm 2005.

PGS. Nguyễn Cảnh Lương nhớ lại: “Tôi mất ăn mất ngủ vì bài toán này. Miền Bắc chưa có trường nào làm, không học hỏi được ai. Cuối cùng có ý nghĩ: Phải làm thí điểm từng đơn vị. Mọi người cũng đều đồng tình, ủng hộ.

Khi đó, tôi dẫn đầu một đoàn cán bộ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm lãnh đạo một số Khoa và một số Phòng chức năng vào TP.HCM, đến một trường bạn để học kinh nghiệm bởi họ là 1 trong những trường đại học đầu tiên của Việt Nam triển khai đào tạo tín chỉ. Sau khi trao đổi, Trường bạn khuyên: Không nên thí điểm từng khoa, bởi nếu thí điểm khó khăn là các khoa khác sẽ không làm. Phải triển khai cho cả khóa, bắt đầu làm từ năm thứ nhất.

Vì vậy, Nghị quyết của Đảng bộ Trường đưa ra năm 2005 quyết định triển khai đào tạo tín chỉ năm 2007 cho K52, chuẩn bị trong vòng 2 năm. Lúc đó, phần mềm quản lý theo tín chỉ chưa có. Họp bàn trong ban lãnh đạo, tất cả quyết định Bách khoa Hà Nội tự xây dựng phần mềm, lập 1 tổ chuyên viết phần mềm trong vòng 2 năm để đáp ứng việc này. Sau 2 năm, những modul chính đã xong, 2 năm tiếp theo nữa thì hoàn thiện.

Có thể nói sự trăn trở của PGS. Nguyễn Cảnh Lương để tìm ra phép giải “Bài toán đào tạo tín chỉ” đã đem lại sự phát triển cho nhà trường trong xu thế đổi mới của GD-ĐT. 

Triển khai chủ trương lớn về đào tạo trong lúc các công việc khác vẫn phải “chạy” bình thường, PGS. Lương dành toàn bộ thời gian từ sáng sớm đến tối mịt ở trường mà không thấy mệt với lịch làm việc có phần quá đà đó mà vẫn đầy năng lượng. Có được điều đó bởi thầy rất yêu Trường, bởi còn nhiều cán bộ cũng miệt mài công việc như thầy, để rồi 7h tối mà đèn dãy nhà C1 vẫn sáng trưng, ai cũng miệt mài với công việc.  

Bách khoa mãi là ngôi nhà thứ 2 của thầy Cảnh Lương và của rất nhiều cán bộ, giảng viên nhà trường.

 

PGS. Nguyễn Cảnh Lương chúc mừng các tân tiến sỹ Bách khoa năm 2012. Ảnh: Trương Chí Thụy

Niềm tự hào về thương hiệu Bách khoa Hà Nội

Cống hiến hết tâm sức cho Bách khoa, PGS. Nguyễn Cảnh Lương đồng thời tự hào về thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội. Có những lần đi công tác Đà Nẵng, TP. HCM, trao đổi với doanh nghiệp, đối tác, nghe họ khẳng định: “Cứ sinh viên Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp về đây là chúng tôi nhận ngay, không cần qua tuyển dụng”, thầy Lương mới thấy những gì mình và các đồng nghiệp bỏ tâm sức thật không lãng phí, nghe người ngoài khen sinh viên của Trường mà lòng cứ nở hoa như họ đang khen “máu thịt” của mình vậy!

Về Bách khoa Hà Nội năm 1984, thôi công việc quản lý từ 2/2015, nhận quyết định về hưu tháng 3/2022, nhìn lại, điều hạnh phúc nhất với thầy Cảnh Lương chính là những năm tháng rất đẹp ở Bách khoa, đi đâu trong trường hay đến bất cứ đơn vị nào ở ngoài cũng được đón tiếp rất chân tình.

Cũng vì vậy, PGS. Nguyễn Cảnh Lương chưa bao giờ phải hối tiếc điều gì trong cuộc đời làm thầy, bởi các sinh viên Bách khoa rất thông minh luôn làm PGS háo hức, phấn chấn và đam mê khi đứng trên bục giảng; còn với đồng nghiệp PGS luôn chân tình, chia sẻ, đồng hành. “Có lẽ chính Đại học Bách khoa Hà Nội đã làm nên điều đó trong tôi - Văn hóa Bách khoa!” - thầy Cảnh Lương nói. 

Điều khiến người viết thú vị nhất trong cuộc trò chuyện chính là tiết lộ bất ngờ về ngày đặc biệt nhất trong một năm của thầy giáo gạo cội Nguyễn Cảnh Lương: Buổi đầu tiên lên lớp sau kỳ nghỉ hè! Sau mấy chục ngày không lên lớp, không cầm phấn, không viết bảng đến ngày đầu vào lớp lại thấy khác hẳn, với một khí thế khác thường nhật, có cái gì đó rất phấn chấn. Hôm đó, thầy Lương dậy sớm hơn mọi ngày, đi ra khỏi nhà sớm hơn, chú ý hình thức hơn, tâm trạng có chút háo hức đón các sinh viên mới.

Lúc kể chuyện này, PGS. Nguyễn Cảnh Lương mắt lấp lánh, vui tươi, như ngược dòng thời gian trở thành anh giáo trẻ mong ngày khai giảng để dạy buổi đầu tiên trong cuộc đời vậy. Nhìn PGS lúc này mới thấy thầy hạnh phúc biết nhường nào khi được theo đuổi đam mê dạy học.

“Dường như khi học tốt môn Toán thì sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển” – PGS. Cảnh Lương dạy Toán đại cương, nên nhiều sinh viên trong trường đều học thầy. Nếu coi thầy là một “cây tre” mạnh mẽ, cứng cáp, thì có rất nhiều “cây măng” được chọn làm giảng viên Bách khoa Hà Nội được thầy truyền lửa, đã tiếp nối tinh thần đam mê nghề giáo, thương yêu sinh viên, cống hiến hết mình cho khoa học, không chỉ trong lĩnh vực Toán học, mà còn là những giảng viên của Viện Kinh tế - Quản lý, Viện Vật lý, Trường CNTT&TT… Đúng như câu nói “đào tạo một người thầy thì được cả một thế hệ”. PGS. Nguyễn Cảnh Lương là một người thầy như vậy.  

Gia Hân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây