Sáng nay (5/11/2022), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ trao bằng cho 165 nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, được công nhận học vị tiến sỹ trong 3 năm 2020, 2021, 2022.
Bách khoa Hà Nội - Bệ phóng để các nhà khoa học làm việc, sáng tạo, tỏa sáng
Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - chúc mừng tất cả các tân tiến sỹ đã hoàn thành chặng đường nhiều gian nan, thử thách để có được thành công ngày hôm nay. 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục, nhưng với sự đồng hành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, của các thầy cô hướng dẫn, sự động viên của gia đình, người thân, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của bản thân, các tiến sỹ đã hoàn thành chặng đường học tập, nghiên cứu của mình.
“Các tân tiến sỹ nhận bằng ngày hôm nay, ở một bậc học vị cao hơn, với vai trò và vị trí công việc nặng nề hơn, đòi hỏi những chia sẻ và cống hiến nhiều hơn. Tôi tin chắc rằng niềm đam mê khoa học, say mê khám phá, khát vọng sáng tạo ở mỗi tân tiến sỹ sẽ không dừng lại, sẽ bùng cháy hơn để thực hiện các công việc của mình được tốt hơn. Những kiến thức và kinh nghiệm mỗi người học tập và tiếp thu được trong quá trình học tập ở Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là những vốn quý để áp dụng thực tiễn tại công việc của các tân tiến sỹ.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đặt niềm tin và trao gửi trách nhiệm mỗi tân tiến sỹ sẽ phát huy chất xám, năng lực và kinh nghiệm của mình để tiêp tục phát triển sự nghiệp của bản thân, tiếp tục chặt chẽ hợp tác với các thầy cô hướng dẫn ở Trường để tiếp tục phát triển các nhóm chuyên môn, những Phòng thí nghiệm nghiên cứu của Nhà trường” - Thầy Hiệu trưởng bày tỏ tin tưởng.
Tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng tự hào thông tin: Hiện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 1785 cán bộ, trong đó có 1065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sỹ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 GS/PGS, chiếm 26,19%. Năm 2022, Trường có 16 PGS và 2 GS được công nhận đạt chuẩn, đang ở những giai đoạn cuối cùng để công nhận và công bố.
Năm học 2022-2023, Bách khoa Hà Nội đặt ra 7 nhiệm vụ năm học với 26 chỉ số đánh giá thách thức. Trường sẽ tiếp tục chuyển mình theo các phương châm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
“Mỗi người Bách Khoa, có khát vọng làm việc và cống hiến, cùng quyết tâm để phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ mà ngành giáo dục đòi hỏi, mà Đảng, Nhà nước giao phó. Chúng tôi tự hào rằng, “người Bách khoa” là tài sản quý báu nhất của Trường, triết lý cốt lõi của Đại học Bách khoa Hà Nội là “Nhà trường làm nền tảng, người thầy là chủ thể, là động lực phát triển, người học là trung tâm”. Những thế hệ người Bách khoa hiện nay sẽ tiếp nối, sẽ làm việc hết mình để kế thừa và phát triển những thành quả tự hào của Trường. Năm nay, khi đất nước long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam, đối với mỗi chúng ta, điều đó lại càng trở nên tự hào và thiêng liêng!
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, tập thể Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là bệ phóng vững chắc để các thầy cô, các nhà khoa học được làm việc, sáng tạo và tỏa sáng.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng phát biểu.
Có thể thấy, sự thành công của các tân tiến sỹ - những nhà khoa học - hôm nay chính là niềm tự hào của Nhà trường, góp phần làm nên thương hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong sứ mệnh phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội và đất nước.
Bách khoa kết nối những hoài bão, đam mê chinh phục tri thức mới
Đại diện 165 tân tiến sỹ vinh dự nhận bằng sáng nay, TS. Nguyễn Xuân Nghĩa – ngành Điện – Điện tử - trong phát biểu của mình đã thể hiện niềm tự hào khi được là sinh viên, học viên, gắn bó nhiều năm với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, coi đây thực sự là mối lương duyên lớn trong cuộc đời, kết nối những con người từ mọi miền Tổ quốc, kết nối những hoài bão, đam mê chinh phục chân trời tri thức mới.
“Qua thời gian tích cực học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi đã được các Phòng/Ban, các Trường/Viện chuyên ngành, Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học, các thầy/cô, cán bộ, chuyên viên quản lý dào tạo của Trường tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có được những tri thức mới, vượt qua những thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, nghiên cứu của mình. Chúng tôi biết ơn sự hướng dẫn tỉ mỉ và sự chỉ bảo nghiêm khắc trong nghiên cứu của các thầy/cô hướng dẫn” – TS. Nghĩa xúc động phát biểu.
Chặng đường làm tiến sỹ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các NCS không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được các thầy cô truyền thụ cách tư duy, nhận thức, tinh thần nhân văn và cống hiến.
Trước các nhà khoa học, thầy cô hướng dẫn, thay lời 165 tân tiến sỹ, TS. Nguyễn Xuân Nghĩa xin hứa sẽ gương mẫu trong mọi mặt đời sống, thể hiện mình là người được Đại Bách khoa đào tạo; không ngừng học tập, NCKH, ứng dụng tri thức đã học vào cuộc sống… Đặc biệt, mỗi tân tiến sỹ sẽ là những đầu mối tích cực để tăng cường hợp tác giữa tổ chức đang làm việc với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để có được những sản phẩm kết tinh các giá trị cao phục vụ kinh tế, xã hội.
Cùng chung tâm niệm, tân Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quang – ngành CNTT – chia sẻ: Tôi coi đây là một giai đoạn mở đầu cho chặng đường NCKH tiếp theo của mình. Tôi tự hào là người Bách khoa khi là sinh viên K49, học thạc sỹ và giờ là tiến sỹ CNTT Bách khoa Hà Nội. Tôi đang công tác tại một công ty về phần mềm nên sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu, tiếp nối những hướng nghiên cứu về AI, IoT mà các thầy tôi là PGS. Nguyễn Đức Nghĩa và PGS. Đỗ Phan Thuận đã truyền cảm hứng và tri thức cho mình. Tôi muốn song hành với Bách khoa Hà Nội lâu nhất có thể!
Còn tân tiến sĩ Ngô Thị Thanh Hiền – ngành Kỹ thuật Hóa học, hiện là giảng viên tại Trường Đại học Quy Nhơn – trong giây phút xúc động nhận bằng tiến sỹ đã nhớ đến sự giúp đỡ của các thầy cô giáo tại Bách khoa Hà Nội, đặc biệt là PGS. Phạm Thanh Huyền – cô giáo hướng dẫn chị từ hồi còn học đại học đến khi chị làm nghiên cứu sinh.
“Các thầy cô Bách khoa có kết nối rất rộng, tạo cho nhiều cơ hội cho NCS học hỏi không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Khi làm tiến sĩ tại Bách khoa, tôi và các NCS trong nhóm có 2 đợt tham gia Chương trình trao đổi NCS theo học bổng Eramus+, chúng tôi được tiếp cận phương pháp nghiên cứu mới, mở mang tư duy, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia… Tôi biết ơn các thầy/cô Bách khoa đã hỗ trợ, khuyến khích tôi bước đầu thành một nhà nghiên cứu độc lập.
Buổi lễ kết thúc trong niềm hân hoan, tự hào, hạnh phúc với những nụ cười rạng rỡ của 165 tiến sỹ cùng các thầy cô hướng dẫn và đông đảo gia đình người thân, bạn bè đồng nghiệp.
Trong số 165 NCS nhận bằng tiến sỹ ngày 5/11/2022 có: 30 NCS năm 2020 79 NCS năm 2021 56 NCS năm 2022 Trong 3 năm 2020, 2021, 2022, trung bình mỗi NCS có 6-7 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế, hội thảo, hội nghị..; 80% NCS năm 2022 có bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus. |
Tác giả: Nguyễn Diệu Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn