Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHBK Hà Nội đã cống hiến cho đất nước hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có hàng ngàn nữ sinh viên và nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học uy tín, nhà giáo mẫu mực, cán bộ lãnh đạo và quản lý giỏi, doanh nhân tiêu biểu, cán bộ kỹ thuật chủ chốt trong nhiều lĩnh vực, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hội Cựu nữ sinh tổ chức buổi gặp mặt truyền thống ngày 13/10, tại Hội trường C2 nhân dịp 60 năm thành lập Trường (1956 – 2016).
Tiết mục văn nghệ của cựu nữ sinh khóa 18
Mở đầu chương trình, bà Nguyễn Thị Anh Nhân – Cựu nữ sinh khóa 3 Hóa thực phẩm, Trưởng Ban liên lạc cựu nữ sinh Trường đã ôn lại quá trình xây dựng, phát triển của ĐHBK Hà Nội, sự lớn mạnh của nữ sinh Trường cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong quá trình học tập, khi ở nhiều trường đại học khác nữ sinh viên học khiêu vũ, tập thể dục nhịp điệu thì nữ sinh viên Bách Khoa lại tập chạy, bóng chuyền,… như các bạn nam. Khi thực tập trong xưởng thì các bạn nữ cũng tay kìm, tay búa, cầm cờ lê, mỏ lết như nhiều bạn nam và cũng tự thiết kế, lắp ráp các thiết bị thí nghiệm…Tuy nhiên, quá trình đào tạo, rèn luyện đó đã tạo ra những cô gái Bách Khoa thông minh, năng động, tự tin, cần cù và chăm chỉ. Chính nhờ những phẩm chất này mà nhiều năm qua, tuy tỷ lệ nữ sinh thấp hơn nam sinh về số lượng nhưng thành tích học tập lại không chịu thua kém. Trong số thủ khoa tốt nghiệp đại học loại giỏi hàng năm được nêu tên trên bảng vàng danh dự thì số nữ sinh giỏi có tỷ lệ rất cao, chiếm tới 2/3.
Cô Phạm Minh Hà - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường
nhiệm kỳ 1994 - 1997
Với “bản lĩnh Bách Khoa”, khi ra trường các nữ sinh đã tiếp tục phát huy năng lực, kiến thức để đóng góp tích cực cho xã hội và thành đạt trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng để các thế hệ sau noi gương học tập và bước theo.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhiều người đã và đang là những nhà quản lý giỏi, năng động như: PGS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova đã đạt giải thưởng Kovalevskaia năm 1993; bà Vũ Mai Hương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom)…
Trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học nhiều chị đã vượt qua những khó khăn trở ngại để cống hiến hết mình vì khoa học, vì các thế hệ sinh viên và đã được xã hội vinh danh như: NGND.GS Đặng Kim Chi – Nguyên Phó Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường với Giải thưởng Kovalevskaya năm 2008; Ngô Thị Minh Thùy với học bổng Thạc sĩ 42.000 euro tại Hà Lan rồi học bổng tại ĐH tổng hợp Illinois (Mỹ) hàng đầu thế giới về nghiên cứu Lý Sinh trước khi trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ) danh tiếng khi mới 32 tuổi.
10 nữ sinh có kết quả học tập xuất sắc nhận phần thưởng
của Ban liên lạc cựu nữ sinh ĐHBK Hà Nội
Với nghị lực phấn đấu và trưởng thành trong công việc, nhiều nữ sinh đã thể hiện tài năng quản lý, được các đồng nghiệp cũng như sinh viên yêu kính, nể trọng, như cô Phạm Minh Hà – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường nhiệm kỳ 1994 - 1997, nguyên đại biểu Quốc hội khóa X; cô Đặng Huyền Thái - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII; cô Phạm Thị Thu Thủy – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường nhiệm kỳ 2008 – 2013…
Nhân dịp này, Ban liên lạc cựu nữ sinh Trường đã tặng cho 10 nữ sinh viên có kết quả xuất sắc trong học tập và rèn luyện với tổng trị giá 20.000.000 đồng.
Tác giả: Nguyễn Diệu Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn