Tham gia giao thông, các bạn sinh viên cần bổ sung, cập nhật một số quy định về trật tự an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh nhé.
Những giấy tờ phải mang theo khi tham gia giao thông
Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, trong đó quy định các loại giấy tờ mà người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo, đó là:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật Giao thông đường bộ;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật Giao thông đường bộ;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra các giấy tờ theo quy định nêu trên; đồng thời, trong từng tình huống cụ thể để phục vụ công tác kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra các giấy tờ liên quan đến an toàn trong hoạt động vận tải, giấy tờ tùy thân của người lái xe.
Hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép bị xử phạt như thế nào?
1. Các mức xử phạt đối với hành vi đua xe trái phép
* Xử phạt vi phạm hành chính hành vi đua xe trái phép
Căn cứ Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép.
+ Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi này còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bị tịch thu phương tiện (trừ súc vật kéo, cưỡi).
- Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự tội đua xe trái phép
Người có hành vi đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đua xe trái phép” quy định tại Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), cụ thể:
- Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc tổ chức đua xe trái phép (Điều 265 Bộ luật Hình sự) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, cụ thể:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Mức phạt cao nhất đối với tội danh đua xe trái phép là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Tổ chức đua xe trái phép có thể bị phạt tù chung thân
Căn cứ Điều 265 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Mức phạt tối đa đối với tội danh này là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Làm chết 03 người trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp như thế nào?
Hiện nay, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Cụ thể như sau:
Đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn:
Mức vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (điểm c khoản 6 Điều 6). Hình phạt bổ sung Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (điểm đ khoản 10 Điều 6).
Mức vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (điểm c khoản 7 Điều 6). Hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (điểm e khoản 10 Điều 6).
Mức vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (điểm e khoản 8 Điều 6). Hình phạt bổ sung ước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm g khoản 10 Điều 6).
Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn:
Mức vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (điểm c khoản 6 Điều 5). Hình phạt bổ sung Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (điểm e khoản 11 Điều 5).
Mức vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (điểm c khoản 8 Điều 5). Hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (điểm g khoản 11 Điều 5).
Mức vi phạm nồng độ cồn Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (điểm a khoản 10 Điều 5). Hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm h khoản 11 Điều 5).
Đối với người điều khiển xe đạp vi phạm nồng độ cồn:
Người điều khiển xe đạp tham gia giao thông là đối tượng bị thổi nồng độ cồn theo quy định pháp luật. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người đi xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện cũng sẽ bị thổi nồng độ cồn như các loại xe máy và ô tô.
Cụ thể, tại Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện khi vi phạm nồng độ cồn cũng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng khi trong máu, trong hơi thở có chứa nồng độ cồn vượt quá mức 80mg/100ml máu hay vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Đặc biệt, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện khi vi phạm nồng độ cồn cũng sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hay chưa có 0,25mg/lít khí thở.
Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng khi người đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện có nồng độ cồn vượt quá mức 50 - 80mg/100ml máu hay vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở.
Trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi chống đối thì bị phạt tiền ở mức cao nhất, đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như: Chống người thi hành công vụ, Gây rối trật tự công cộng…
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm.
Theo: Bộ Công an