Chủ động ứng dụng các kết quả nghiên cứu hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, mỗi giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang là những chiến sĩ trên mặt trận nghiên cứu khoa học – công nghệ sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19.
Sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã góp phần hỗ trợ xã hội và các đơn vị chuyên ngành để phòng chống đại dịch COVID-19 trong giai đoạn có nhiều diễn biến phức tạp. Các sản phẩm được làm ra từ chính tâm huyết và trí tuệ này sẽ giúp các bác sĩ nơi tuyến đầu kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân, góp phần sớm đưa Việt Nam vượt qua đại dịch.
Cùng điểm lại những nghiên cứu, sáng tạo của thầy và trò Trường Đại học Bách khoa trong những ngày tháng khó quên này.
Tháng 7/2021, phối hợp với doanh nghiệp, các giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu, sản xuất thành công máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1. Hơn 200 máy BKVM-HF1 đã được chuyển tới các tâm dịch của Việt Nam. | |
Tháng 8/2021, phối hợp với doanh nghiệp, các giảng viên Trường Đại học Bách khoa đã nghiên cứu thành công Container tạo oxy và khí nén y tế di động để hỗ trợ bệnh viện dã chiến thu dung điều trị người bệnh Covid-19. Sản phẩm được Bộ Y tế đánh giá cao và đặt hàng để giúp các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19. | |
Không chỉ chủ động nghiên cứu, sáng tạo, các giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội còn hướng dẫn sinh viên NCKH phục vụ cộng đồng. Nhóm sinh viên K62 của Viện Kỹ thuật Hoá học gồm Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo, và Kiều Thị Thuỳ Linh dưới sự cố vấn của PGS. Vũ Đình Tiến đã thiết kế áo chống nóng theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh. | |
Kit test Covid-19 RT-LAMP là kết quả nghiên cứu của TS. Lê Quang Hòa – Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm và TS. Nguyễn Lê Thu Hà – Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Quốc tế Innogenex cùng các cộng sự ngay từ khi dịch mới bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc năm 2020. Đây là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới sử dụng kỹ thuật RT-LAMP để phát hiện nhanh SARS-CoV-2, tác nhân virus gây COVID-19. Hiện sản phẩm được phép lưu hành tại châu Âu. | |
Sản phẩm Cáng cách ly áp lực âm được PGS. Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học lên ý tưởng và cùng các sinh viên tiến hành lắp ráp và hoàn thiện chỉ trong vòng ba tháng với mục đích vận chuyển các bệnh lây nhiễm nói chung và bệnh nhân của dịch Covid-19 nói riêng. Tháng 10/2020, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao tặng hai chiếc băng ca áp lực âm BK-IC 4.0 cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai. | |
Tháng 7/2020, 4 buồng áp lực dương được thiết kế trên chuyến bay từ Việt Nam đến Guinea Xích đạo đón 219 công dân Việt Nam, trong đó có hơn 120 bệnh nhân dương tính Covid-19, có thể diệt tối đa virus corona. Mô hình buồng áp lực dương do nhóm giảng viên Trường Đại học Bách khoa thực hiện theo đặt hàng của các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhằm bảo vệ người không bị nhiễm Covid-19. | |
Xuất phát từ nhu cầu và mong muốn của các bác sĩ và nhân viên y tế trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc người bệnh Covid-19, PGS. TS Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhóm nghiên cứu đã thiết kế và chế tạo sản phẩm mũ thở khí tươi giúp hạn chế sự lây nhiễm, dễ dàng thao tác và di chuyển. | |
Nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thành Nhân – Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội – làm trưởng nhóm, tập hợp các thành viên Viện KH&CN Môi trường, Viện Vật lý Kỹ thuật và các kỹ sư mới ra trường cùng các em sinh viên phối hợp với Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) thiết kế và chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân di động, có thể được đưa vào ứng dụng ở các nơi khác có yêu cầu sát khuẩn như bệnh viện, các khu vực cách ly. | |
Các giảng viên – nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu, chế tạo máy thở có khả năng hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân viêm hô hấp cấp do Covid-19. Sản phẩm do PGS. Vũ Duy Hải – Giám đốc Trung tâm Điện tử Y sinh cùng nhóm nghiên cứu gồm 9 thành viên thuộc các chuyên ngành Cơ khí, Cơ khí động lực, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật y sinh và Kỹ thuật hóa học chế tạo. | |
Đáp ứng nhu cầu người dân dùng khẩu trang phòng dịch bệnh Covid-19, PGS. Vũ Thị Hồng Khanh – Giảng viên Viện Dệt may Da giày và Thời trang Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – cùng các cộng sự đã nghiên cứu loại vải bông 100% dệt thoi, sử dụng hoạt chất kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam có khả năng kháng khuẩn đến hơn 50% sau 15 lần giặt. Công nghệ này sau đó đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp dệt may để sản xuất ra vải kháng khuẩn và ứng dụng vào khẩu trang. |
Nguồn: CCPR -HUST (tổng hợp)
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn