Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố thành lập 3 trường trên cơ sở tổ chức lại một số viện đào tạo và viện nghiên cứu, đánh dấu bước chuyển đổi mô hình thành Đại học. Nhân dịp này, Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng trả lời phỏng vấn báo Khoa học và Phát triển về mục đích và lợi ích mà việc chuyển đổi có thể mang lại.
Mô hình trường là sự phát triển của mô hình viện đào tạo, và sẽ tiếp tục được phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong tự chủ, bổ sung thêm một số cơ chế tự chủ quản trị nhân sự, cơ sở vật chất và thực hiện các dự án đầu tư. Điều này cũng có nghĩa Hiệu trưởng và Ban giám hiệu các trường chịu trách nhiệm cao hơn và áp lực lớn hơn về hiệu quả công việc. Ở đây, họ phải thể hiện bản lĩnh trong quản trị, đặc biệt khi mà số lượng cán bộ của trường tăng lên, ví dụ Trường Cơ khí có khoảng 315 cán bộ và 10.000 sinh viên.
3 trường vừa được Trường ĐHBK Hà Nội công bố thành lập gồm:
- Trường Cơ khí được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện KH&CN Nhiệt lạnh;
- Trường Điện-Điện tử trên cơ sở tổ chức lại Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông, và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng;
- Trường CNTT&TT trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện CNTT&TT.
Số sinh viên của 3 trường này sẽ chiếm khoảng 71% tổng số sinh viên của Trường ĐHBKHN.
Mục tiêu cụ thể cho việc thành lập 3 trường, đó là: ĐHBKHN sẽ phát triển mạnh mẽ ba lĩnh vực Cơ khí, CNTT&TT, Điện - Điện tử; các trường sẽ thực hiện đào tạo và nghiên cứu tốt nhất để mỗi nhóm ngành tương ứng trong khoảng thứ hạng từ 300-400 của thế giới theo bảng xếp hạng QS vào năm 2025 (năm 2021 đang ở trong khoảng từ 401-450).
|
Trong Luật Giáo dục đại học năm 2018, Trường Đại học được hiểu là cơ sở đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành; Đại học được hiểu là cơ sở giáo đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực với các đơn vị cấu thành cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung; và lĩnh vực được hiểu là tập hợp các nhóm ngành có điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ. |
Trân trọng cảm ơn ông.
Sức mạnh của cơ chế tự chủ đại học
Dự kiến, Đề án chuyển đổi mô hình thành Đại học của Trường ĐHBKHN sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ thông qua trong Quý 1 năm 2022. Trong ảnh: Nghi thức thành lập 3 trường mới trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Trường ĐHBK Hà Nội, sáng 15/10/2021. Ảnh: HUST
Trong số 3 trường mới được thành lập, duy nhất Trường CNTT&TT được nâng cấp từ một đơn vị là Viện CNTT&TT.
PGS Tạ Hải Tùng, người vừa được bổ nhiệm Hiệu trưởng từ vị trí Viện trưởng Viện CNTT&TT, cho biết, trong 3 năm kể từ khi hoạt động theo mô hình tự chủ, mọi chỉ số của Viện đều tăng từ 80% đến 150% - trong đó ngân sách nghiên cứu khoa học tăng 5 lần; số công trình công bố ISI-Scopus tăng 2 lần; kinh phí chuyển giao công nghệ lên đến hàng chục tỷ đồng, với những dự án có tầm ảnh hưởng ở quy mô quốc gia.
Lý giải vì sao cơ chế tự chủ có thể tạo ra những thay đổi rõ rệt như vậy, PGS Tạ Hải Tùng, nói với Khoa học và Phát triển: “Từ cuối năm 2018, Trường ĐHBKHN triển khai phân cấp ngân sách xuống các viện-khoa đào tạo dựa trên hiệu quả hoạt động của đơn vị, kèm theo đó là công thức tính lương tăng thêm cho mỗi cán bộ giảng viên.
Công thức tính lương này phản ánh hiệu quả chất lượng công việc của mỗi cá nhân giảng viên - nhà khoa học ở cả 3 mảng công việc chính: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ (các hoạt động quản lý, hoặc hỗ trợ khác, ví dụ: tổ chức thi, kiểm tra...). Kèm theo đó là các hệ số phù hợp với từng vị trí chuyên môn cũng như quản lý, nhưng điều tạo động lực thay đổi rõ nét nhất chính là hệ số nghiên cứu (được tính dựa trên năng suất nghiên cứu khoa học thể hiện qua công bố và chỉ số trích dẫn), cũng như hệ số KPI đánh giá chất lượng hoàn thành mỗi đầu mục công việc trong cả năm.
Việc ngân sách và lương tăng thêm được tính toán minh bạch, công khai và được phân theo hiệu quả hoạt động của đơn vị và cá nhân đã tạo ra một cú hích lớn, góp phần thay đổi nhận thức cả về quản lý và điều hành ở cấp đơn vị, cũng như định hướng của mỗi cá nhân. Các đơn vị muốn gia tăng ngân sách phải tối ưu nguồn lực, tinh gọn và nâng chất chương trình đào tạo, mở các ngành tuyển sinh mới hướng tới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; cũng như tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Cá nhân cán bộ - giảng viên muốn tăng thu nhập thì không cần phải đi làm thêm ngoài đơn vị, mà chỉ cần tập trung vào chuyên môn chính của mình: hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, tập trung vào nghiên cứu, gia tăng công bố quốc tế, cũng như hoàn thành đầy đủ các nội dung công việc với chất lượng cao.
Và tất cả các thay đổi này đã tạo ra một sự hào hứng mới trong cán bộ - giảng viên, qua đó tạo bước biến chuyển tích cực mọi mặt hoạt động của nhà trường, và cuối cùng người học là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.”
|
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn