“Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động đầy mạnh mẽ đến đời sống con người, công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng, kỹ năng lao động thay đổi một cách toàn diện. Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, lực lượng lao động cần chuẩn bị và thay đổi như thế nào để bắt kịp cuộc đua công nghệ này?” Đó là câu hỏi của PGS Hoàng Minh Sơn tại tọa đàm “Con đường học vấn” được Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức tối 11/3.
PGS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng; PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng và các vị khách mời: PGS Nguyễn Chấn Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ CMC; Ông Phạm Thế Trường – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam; Ông Nguyễn Bá Đức – CEO Homedy Inc và đông đảo sinh viên tham dự tọa đàm.
Đông đảo sinh viên tham dự chương trình
Tại buổi tọa đàm, PGS Hoàng Minh Sơn thông tin tại Mỹ tỷ lệ sinh viên theo học sau đại học lấy bằng Thạc sỹ khoảng 40% và khoảng 7% cho Tiến sỹ, trong khi đó theo thống kê, Việt Nam sinh viên theo học sau đại học chỉ khoảng 7% và chưa được 1% cho bậc Tiến sỹ. Hơn nữa, trong những năm gần đây, con số này còn giảm xuống. PGS Hoàng Minh Sơn trăn trở: “Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao, đòi hỏi những kỹ năng, tư duy sâu, sẵn sàng làm chủ công nghệ. Để đáp ứng được nhu cầu đó, sinh viên cần được trang bị khả năng làm chủ công nghệ, nghiên cứu phát triển, đó là lý do Trường ĐHBK Hà Nội xây dựng các chương trình đào tạo thạc sĩ nhằm cung cấp một cơ hội học tập cho các bạn sinh viên. Theo học các chương trình đào tạo tại Trường, sinh viên được trang bị những kỹ năng như tự nghiên cứu và sáng tạo, nghiên cứu công nghệ, quản lý cấp cao…”.
Các vị khách mời giao lưu cùng sinh viên (từ trái qua: PGS Hoàng Minh Sơn; Ông Phạm Thế Trường; Ông Nguyễn Bá Đức và PGS Nguyễn Chấn Hùng)
Ông Phạm Thế Trường chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra đầy sôi động và nhanh chóng. Trong cuộc cách mạng này, khoảng 26% lực lượng lao động được thay thế bởi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, rô bốt. Tuy nhiên, nhu cầu về lực lượng lao động với bộ kỹ năng mới, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu là 27%. “Điều này cho thấy là trong tương lai gần, bộ kỹ năng mới chính là khả năng sáng tạo, tự nghiên cứu và khởi nghiệp. Do vậy, nếu sinh viên chỉ dừng lại ở trình độ Kỹ sư, Cử nhân thì chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, thậm chí sẽ bị bỏ lại trong quá trình vận động của xã hội và xu hướng việc làm tương lai.
Sinh viên đặt câu hỏi tới các vị khách mời
Trong khuôn khổ buổi giao lưu, ông Nguyễn Bá Đức – cựu sinh viên K45 ngành Điện tử Viễn thông chia sẻ: “Hiện nay, với tư cách là CEO Homedy, cá nhân tôi nhận thấy nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao là rất lớn. Bởi thế, vai trò của các cơ sở đào tạo trong giai đoạn hiện nay là đào tạo ra nguồn nhân sự có khả năng tư tự học, nghiên cứu và tư duy sâu”.
Các vị khách mời trả lời câu hỏi của sinh viên
Theo PGS Nguyễn Chấn Hùng, hiện tại, Viện Nghiên cứu công nghệ CMC có khoảng 90% cán bộ, nhà khoa học là cựu sinh viên từ Trường ĐHBK Hà Nội. Họ, với bản sắc riêng đậm “chất”, luôn bền bỉ, sáng tạo, đang là những chuyên viên đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Viện. PGS Nguyễn Chấn Hùng hi vọng trong thời gian tới, ĐHBK Hà Nội tiếp tục cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao, có trình độ sau đại học, đủ bản lĩnh và khả năng đáp ứng công việc ngày càng cao khi thị trường lao động đang đòi hỏi ngày càng cao và khắt khe.
Cũng tại buổi giao lưu, các vị khách mời đã chia sẻ kinh nghiệm học tập đại học, sau đại học và con đường nghề nghiệp. Các bạn sinh viên cũng đã có những câu hỏi giao lưu đầy ý nghĩa.
Đứng trước những thay đổi nhanh chóng đó, hiện nay ĐHBK Hà Nội đang triển khai Chương trình đào tạo (CTĐT) Thạc sĩ Khoa học/Kỹ thuật, Công nghệ thiết kế theo hai định hướng: Định hướng ứng dụng phù hợp với người học đang hoặc có nguyện vọng làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị kinh tế; Định hướng nghiên cứu phù hợp với người học đang hoặc có nguyện vọng làm việc ở các vị trí nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, hoạch định chính sách hoặc nghiên cứu phát triển và CTĐT Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Quản lý kinh tế, Quản lý Kỹ thuật - Công nghệ với định hướng ứng dụng.
Với hai chương trình đào tạo Thạc sĩ này, ĐHBK Hà Nội mang đến cơ hội và những lựa chọn linh hoạt hơn cho người học. Để tùy mục đích và định hướng nghề nghiệp trong tương lai mà người học có những lựa chọn phù hợp. Song song với các chương trình đào tạo tiên tiến đó, ĐHBK Hà Nội tạo điều kiện tối đa cho sinh viên đăng ký học thạc sĩ với chương trình đào tạo tích hợp Cử nhân – Kỹ sư – Thạc sĩ với hai định hướng ở trên. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tài chính và học bổng dành cho sinh viên.
Theo đó, học viên trúng tuyển chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, tập trung toàn thời gian tại Trường năm 2019 theo hình thức xét tuyển đạt các điều kiện sau sẽ được cấp học bổng:
* Học bổng toàn phần (trị giá 100% học phí của CTĐT chuẩn)
- Tốt nghiệp chương trình đại học của Trường không quá 1 năm (tính đến thời điểm tuyển sinh); Kết quả học tập đại học đạt (CPA) từ 3.2 trở lên.
- Tác giả chính theo địa chỉ của Trường 01 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI hoặc tác giả chính 02 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục Scopus.
* Học bổng bán phần (trị giá 50% học phí của CTĐT chuẩn)
- Tốt nghiệp chương trình đại học của Trường không quá 1 năm (tính đến thời điểm tuyển sinh; Kết quả học tập đại học đạt (CPA) từ từ 2.8 đến cận 3.2.
- Là tác giả chính theo địa chỉ của Trường 01 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục Scopus.
* Các trường hợp khác được xét cấp học bổng nếu trúng tuyển vào CTĐT Thạc sĩ định hướng nghiên cứu, tập trung toàn thời gian tại Trường theo hình thức xét tuyển.
- Tốt nghiệp đại học tại Trường không quá 3 năm (tính đến thời điểm tuyển sinh) và Kết quả học tập đại học đạt (CPA) từ 3.2 trở lên;
- Người học đã tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi tại trường khác không quá 1 năm tính đến thời điểm tuyển sinh;
- Người học có quốc tịch nước ngoài.
Tác giả: Nguyễn Kim Chi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn