Techconnect & Innovation Vietnam 2024: Thầy trò Bách khoa Hà Nội ứng dụng KHCN - ĐMST góp phần phát triển Thủ đô, đất nước

Thứ hai - 30/09/2024 09:03
Techconnect & Innovation Vietnam 2024: Thầy trò Bách khoa Hà Nội ứng dụng KHCN - ĐMST góp phần phát triển Thủ đô, đất nước
11 sản phẩm có trình độ khoa học và công nghệ cao đã được Đại học Bách khoa Hà Nội mang tới sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect & Innovation Vietnam 2024), tổ chức tại tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) từ ngày 30/9 - 1/10.

Sản phẩm “made in Bách khoa” thu hút khách tham quan

Nổi bật tại ô triển lãm số 129 – 130 trong khuôn khổ không gian trình diễn thành tựu công nghệ, các sản phẩm công nghệ cao được coi là “đặc sản” của Đại học Bách khoa Hà Nội thu hút đông đảo khách tham quan đến khám phá, trải nghiệm. 
 
20240930 CBO 3578
Gian triển lãm của Đại học Bách khoa Hà Nội đặt tại ô số 129 – 130, tầng 3, Trung tâm Hội nghị quốc gia
Có thể kể đến các sản phẩm/giải pháp: Máy tạo dây in 3D composite; Máy cắt cuống cà tự động; Giải pháp đào tạo AI vision và COBOT trên trạm đào tạo tiêu chuẩn cho các trường cao đẳng nghề, các trường đại học đào tạo công nghệ, trung tâm đào tạo robot của doanh nghiệp; Nanocenlulo; Hệ thống kẹp hybrid mô phỏng ngón tay bẻ cong bị động của con người; Thiết bị tích hợp lên men và chưng cất đa năng; Giải pháp ứng dụng mô hình AI trong cảnh cáo sớm và phòng cháy tự động; Trạm sản xuất linh hoạt dùng robot, tay máy và vision; …

Được giới thiệu tại mặt tiền gian triển lãm, cánh tay robot MG400 là một thành phần trong bộ kit thực hành của đề tài “Giải pháp đào tạo AI vision và COBOT trên trạm đào tạo tiêu chuẩn cho các trường cao đẳng nghề, các trường đại học đào tạo công nghệ, trung tâm đào tạo robot của doanh nghiệp” – nhận được nhiều câu hỏi của quan khách.
 
20240930 CBO 3594
Cánh tay robot MG400
Đây là sản phẩm được nhóm sinh viên K64 Trường Cơ khí triển khai dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Chí Hưng (Giảng viên Trường Cơ khí), được dùng để ứng dụng trong đào tạo về robot, tự động hoá. Đề tài được thực hiện với mong muốn cung cấp cho sinh viên kiến thức về lập trình robot, hiểu rõ vai trò của robot trong các công đoạn sản xuất công nghiệp để có nền tảng vững chắc khi ra trường, làm việc tại các doanh nghiệp.

Trong gian triển lãm còn có các sản phẩm của đề tài thuộc chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước - KC-4.0, được PGS. La Thế Vinh (Phó Hiệu trưởng Trường Hoá và Khoa học sự sống) mang tới trưng bày: Sơn vô cơ creamic (giai đoạn 2011-2015), Bột màu vô cơ chịu nhiệt, Băng tải cao su (giai đoạn 2016 – 2020). 

Được biết đến là nhà nghiên cứu say mê các chất hoá học, PGS. La Thế Vinh là chủ nhiệm của nhiều đề tài trọng điểm trong lĩnh vực vật liệu mới. Đặc biệt, sơn vô cơ creamic do thầy Vinh nghiên cứu được đánh giá là dẫn đầu các loại sơn ở Việt Nam về khả năng chịu nhiệt cao.

Thầy trò Bách khoa Hà Nội sáng tạo từ nhu cầu thực tiễn

Phỏng vấn các sinh viên Bách khoa Hà Nội về ý tưởng triển khai các sản phẩm/ giải pháp đổi mới sáng tạo, câu trả lời nhận được nhiều nhất là: Sáng tạo/Cải tiến từ thực tiễn!

Trưởng nhóm nghiên cứu “Giải pháp ứng dụng mô hình AI trong cảnh cáo sớm và phòng cháy tự động” Quyền Đình Quyết – Sinh viên K65 Trường Cơ khí - cho biết ý tưởng về một mô hình cảnh báo, phòng cháy tự động xuất phát từ thực trạng nhiều vụ hoả hoạn lớn gây thiệt hại lớn về người và của đã xảy ra trong thời gian qua. 
 
20240930 CBO 3595
Bàn trưng bày “Giải pháp ứng dụng mô hình AI trong cảnh cáo sớm và phòng cháy tự động”
“Các sản phẩm báo cháy trên thị trường đều có hạn chế chung như khó phát hiện đám cháy có nhiệt độ thấp, không xác định chính xác tọa độ điểm cháy, đôi khi còn gặp lỗi báo động giả. Rút kinh nghiệm từ các nhược điểm này, nhóm nghiên cứu mong muốn ứng dụng AI giúp nhận diện đám cháy có nguy cơ gây hỏa hoạn nhanh chóng và chính xác.”

Sử dụng camera AI 2D để tối ưu chi phí, hệ thống sẽ phát hiện và xác định vị trí những đám cháy nhỏ, đồng thời tự động điều chỉnh vòi phun đến vùng cháy, kích hoạt còi báo, gửi tin nhắn đến người dùng để kịp thời chữa cháy. Sau nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm đã tự tin đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng có cơ hội đồng hành của các doanh nghiệp uy tín để đưa sản phẩm xuất hiện rộng rãi trong các hộ gia đình trên cả nước. 

Sản phẩm Máy tạo dây in 3D composite của 2 giảng viên Trường Cơ khí - TS. Phùng Xuân Lan, TS. Nguyễn Kiên Trung và 4 sinh viên lab IMS, K65 Trường Cơ khí - cũng được nghiên cứu xuất phát từ thực tế phát triển lĩnh vực kỹ thuật mô và y học tái tạo

Theo đuổi nghiên cứu in 3D sinh học từ nhiều năm nay, TS. Phùng Xuân Lan đã dẫn dắt học trò không ngừng cải tiến sản phẩm. Máy tạo dây in 3D composite nâng cấp từ Máy in 3D tích hợp đa chức năng được cô trò mang tới Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE) vừa qua. 
 
20240930 CBO 3581
Các tác giả của sản phẩm Máy tạo dây in 3D composite
Sản phẩm cải tiến có khả năng tạo dây in 3D trực tiếp từ hỗn hợp vật liệu sinh học dạng bột. Máy được chế tạo với giá thành hợp lí đa dạng vật liêu sinh học, hiệu quả cao. Sản phẩm này có thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng trong lĩnh vực y sinh cũng như chế tạo viên thuốc in 3D mà không cần đầu tư các máy in 3D sinh học đắt tiền. 

Trưởng nhóm đề tài Vũ Mạnh Tùng chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu là tìm ra vận tốc và nhiệt độ phù hợp cho từng vật liệu. Nhóm nghiên cứu đã mất hơn 2 tháng thí nghiệm không ngừng để tìm ra chế độ phù hợp với từng loại vật liệu, tạo ra chất lượng dây in 3D tối ưu nhất. Nhìn lại thành quả của nhóm mang tới triển lãm hôm nay, Vũ Mạnh Tùng khẳng định: “Mọi nỗ lực đều xứng đáng!”

Ngắm gian triển lãm của thầy trò Bách khoa Hà Nội, không ít khách tham quan phải thốt lên: “Wow”, “Ấn tượng quá!”. Thực tế, 11 sản phẩm đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia Techconnect & Innovation Vietnam 2024 chỉ là là một phần nhỏ trong rất nhiều đề tài của cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội mong muốn ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để góp phần phát triển Thủ đô, đất nước. 
 
Techconnect and Innovation Vietnam 2024 có chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững", là chương trình có quy mô quốc gia, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức. 

Sự kiện gồm các hoạt động chính: 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Công nghệ ngành Xây dựng; Công nghệ ngành Y tế; Công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xúc tiến Đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung - cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.

Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây