Cân nặng 51kg, cao 1m70, cô giáo nhận xét là người ít nói, nhưng có “lửa” rất mạnh trong người, quyết tâm làm gì là làm bằng được… - Đó là hình dung về Đỗ Đức Tú – Thủ khoa Kỳ thi Đánh giá tư duy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022. Điểm thi 3 tổ hợp của Tú là: K00: 26,6; K01: 27,37; K02: 27,05. Đạt điểm cao với đề thi “khó nhằn”, học khá tiếng Anh, nhưng với Tú, vẫn có điều cậu nuối tiếc trong lần thi này…
Bữa tiệc đột xuất!
Sáng sớm 24/7/2022, đang còn lơ mơ ngủ, Đỗ Đức Tú – học sinh lớp 12 chuyên Toán Trường THPT Chuyên Bắc Giang - bị đánh thức bởi một cuộc điện thoại từ một cô giáo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, báo cậu đã đỗ thủ khoa Kỳ thi Đánh giá tư duy của Trường. “Lúc đó em bừng tỉnh luôn, muốn hét lên nhưng vì đang nói chuyện điện thoại với cô giáo nên em phải kìm lại!” – Tú kể lại.
Mẹ Tú ngồi ngay cạnh con trai lúc cậu nhận điện thoại. Thấy vẻ mặt sung sướng và những câu hỏi của con về điểm thi, chị đã đoán ra phần nào câu chuyện. Phản ứng của người mẹ khi biết tin là ngay lập tức thông báo với chồng và chuẩn bị… đi chợ để làm tiệc mừng buổi tối!
Vẫn còn đang sốc với tin báo là thủ khoa Kỳ thi Đánh giá tư duy, Tú liên tiếp nhận các tin nhắn chúc mừng từ điện thoại, zalo, messenger của thầy cô giáo, bạn bè và người thân. “Fanpage Trường Bách khoa đưa tin, giờ cả lớp, cả họ hàng em đều biết, ai cũng chúc mừng. Em trả lời tin nhắn cả ngày vẫn chưa hết!” – Tú vui vẻ kể.
Cậu còn đang chuẩn bị tinh thần cho bữa tiệc 15 mâm buổi tối để mừng tân sinh viên ngành IT1 Bách khoa Hà Nội. Các cô, chú đã sang nhà để chuẩn bị cùng mẹ cậu làm tiệc mừng. “Họ hàng nhà em cũng đông” – Tú có phần bẽn lẽn giải thích về số lượng “đầu bếp” đông đảo nấu cỗ mừng thành viên trong gia đình đỗ trường đại học danh giá của Việt Nam.
“Giá mà em nghĩ ra cách giải sớm hơn!”
Thật ngạc nhiên với một ngày học rất đỗi “bình thường” của Thủ khoa Đánh giá Tư duy Bách khoa: Sáng học ở trường, chiều ở nhà học rồi giúp đỡ bố mẹ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo. Món ăn Tú nấu không chỉ có trứng rán, mà còn có thịt kho cùng các món cơ bản… đủ để nấu cho em trai lớp 8 “ăn không chê” khi bố mẹ đi vắng.
Trong các môn học, Đỗ Đức Tú đặc biệt yêu thích giải các bài toán thực tế giống kiểu bài trong đề thi Đánh giá tư duy của Bách khoa. Cậu có thể làm Toán, mày mò các đề thi trên mạng cả ngày. Đợt ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10, Tú ôn những bài tập Toán nâng cao rất khó, mải mê việc học, cậu sụt mất gần 3kg, gầy như một cái que! “Bố mẹ luôn bắt em ăn nhiều nhưng không hiểu sao em không tăng được cân nào. Gọi em là “cái que, cái sào” chắc cũng đúng!” Tú hóm hỉnh nói.
Tú thích nhất là tự học. Lúc đầu, việc tự tìm hiểu tài liệu trên mạng cũng khiến Tú “hoa mắt”, không biết bắt đầu từ đâu, lấy tài liệu nào “sát” với những gì muốn học. Sau này, Tú biết cách chọn lọc hơn, biết xin ý kiến tư vấn của thầy cô giáo tìm sách tham khảo hoặc tài liệu uy tín. Đến giờ, Tú tự nhận mình đã biết cơ bản các “form” đề để chọn làm đề nào sát với kiến thức của kỳ thi, phù hợp với mình.
Đỗ Đức Tú và cô giáo Vũ Thị Vân
Người khơi nguồn đam mê với môn Toán cho Tú là cô giáo Vũ Thị Vân. Cô Vân dạy Toán cho Tú và các bạn từ lớp 10 đến lớp 12. Tú học cô sự cẩn thận, nhiệt huyết trong mỗi mục tiêu theo đuổi. Tú nhớ nhất lời cô hay nói với cậu: “Cô tin ở em!”. Niềm tin đó là động lực để Tú phấn đấu mỗi ngày!
Nói đến Toán là Tú rất say mê, thoát hẳn khỏi mác cậu học sinh “rụt rè, ít nói”. Tú kể cậu thích nhất đề thi Toán Bách khoa vì bài toán rất thực tế, gần gũi chứ không khô cứng kiểu sách giáo khoa. Thích nhất nhưng cũng nuối tiếc nhất vì cậu không đạt được điểm tuyệt đối môn Toán. Tú kể hôm đó, cậu dành 30 phút cuối để nghĩ cách giải cho một câu duy nhất (0,4 điểm) chưa làm xong. Nhưng cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi mà không ra. Nộp bài xong, Tú nhẩm tính mình chắc “chỉ” đạt 14,6/15 điểm!
Trưa đó ăn xong, lúc ngồi uống nước, Tú lấy đề thi ra xem lại, vừa nhìn câu chưa làm được, cậu nghĩ ngay ra cách giải. Suy nghĩ lóe lên trong đầu Tú lúc đấy là: “Sao mình… ngốc thế nhỉ. Có thế mà không nghĩ ra”. Nói với bố mẹ niềm tiếc nuối, Tú nhận được lời khuyên: Thôi bỏ đi, dành sức cho buổi thi chiều!
Quyết tâm chinh phục Bách khoa
Trước khi thi Đánh giá tư duy, thấy mấy bạn trong lớp đạt giải HSG Quốc gia được xét tuyển vào Bách khoa, Tú mừng cho bạn nhưng cũng hơi sốt ruột với bản thân. Lúc đó, cậu thầm ước mau chóng đến kỳ thi tư duy để được thử sức, thi đỗ ngôi trường cậu yêu thích.
Đỗ Đức Tú và mẹ
Bố mẹ Tú rất quan tâm đến việc học của con. Hôm Tú đi thi, cả nhà dậy từ hơn 4h sáng, lục tục chuẩn bị rồi cả bố, mẹ, em trai “tháp tùng” Tú lên Hà Nội đi thi Đánh giá tư duy. Trong lúc con trai thi, gia đình Tú “tham quan” trong và ngoài Bách khoa, hình dung luôn cuộc sống của con khi là sinh viên Bách khoa như thế nào. Để thấy người thân Đỗ Đức Tú có niềm tin rất lớn với cậu trong mỗi bước đường chinh phục thử thách.
Hỏi Tú điều gì cậu ấn tượng nhất sau một ngày thi ở Bách khoa, Tú nói: “Em nhớ nhất các thầy cô giáo dễ mến, thân thiện. Có thầy giáo đã giúp em bút viết để làm bài thi tốt hơn”. Thì ra Tú đã làm rơi bút trước khi vào phòng thi môn KHTN. Lúc lấy bút ra thi, cậu mới biết mình chỉ có một nắm… ruột bút bi.
“Lúc đó em rất cuống. Xác định tinh thần là sẽ cầm ngòi để đánh bài thi trắc nghiệm, nhưng lúc thầy giáo đi qua bàn, em đánh bạo khẽ hỏi thầy có thể cho mượn bút viết của thầy không? Ngay lập tức em được thầy trợ giúp cùng nụ cười động viên”. Tú xúc động kể lại.
Tú quyết tâm chinh phục Bách khoa cũng có một phần lý do từ một người anh rể họ - một cựu sinh viên CNTT Bách khoa Hà Nội hiện là lãnh đạo cấp phòng Tập đoàn FPT. Tú vốn đã “nhắm” Bách khoa từ lâu rồi, tìm hiểu về các chương trình học, ngành học, phương thức xét tuyển rất kỹ trên mạng. Nhưng câu chuyện của anh về cuộc sống sinh viên Bách khoa, về những đợt thi cực kỳ khó, về cơ hội việc làm sau khi ra trường… đã thúc đẩy thêm ước mơ được làm sinh viên IT của Bách khoa Hà Nội trong Tú.
Tú rất thú vị với việc biết được mình là thủ khoa trước khi biết điểm thi! “Giờ em đã hình dung ra cuộc sống của sinh viên Đỗ Đức Tú rồi. Sẽ là tự lập, học cách sống xa nhà, tự làm mọi việc, thi IELTS…”. Với một người thường xuyên nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo cho cả nhà và thích tự học như Tú, cuộc sống sinh viên có vè không có gì bỡ ngỡ!
Điều cậu háo hức nhất chính là chinh phục các kỳ thi của Bách khoa. Tú kể: “Các thầy/cô giáo của em hay nói học Bách khoa hãy chuẩn bị tinh thần thi lại”. Em tò mò lắm, không biết mọi người có nói quá lên không nhỉ!”.
Với tâm niệm: Không nên quá tạo áp lực cho mình lúc đi thi. Hãy nghĩ kỳ thi như một trải nghiệm, kết quả sẽ vượt ngoài mong đợi, Tú đang mong chờ thời điểm nhập học để thử sức với các môn học, kỳ thi tại Bách khoa. Rồi ngày nghỉ về nhà, kể với em trai về cuộc sống sinh viên, những môn học, thầy cô giáo, kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ lần đầu tiên trong đời cậu được dự, “nuôi” cho em tình yêu với ngôi trường đại học cậu sắp theo học. “Hai anh em em cùng học Bách khoa Hà Nội thì thật tuyệt!”.
Hôm nay, với niềm vui Thủ khoa, Tú đang mạnh dạn đi xa hơn, cùng em trai xây giấc mơ tương lai với Bách khoa Hà Nội…
“Chúc mừng em Đỗ Đức Tú đạt kết quả cao nhất trong Kỳ thi Đánh giá tư duy của Bách khoa Hà Nội năm 2022. Tôi không quá bất ngờ về kết quả này vì luôn có niềm tin với em Tú, em làm gì chắc nấy, trình bày rất rõ ràng, bài toán em giải tôi không bao giờ phải sửa. Tú ít nói, rụt rè nhưng trong em có ngọn lửa rất mãnh liệt, đã quyết là làm bằng được. Tú là một học sinh có mục tiêu, ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Tôi từng động viên Tú theo đội tuyển HSGQG nhưng Tú nói em theo đuổi mục tiêu khác. Năm 2000, tôi từng thi đỗ vào ngành CNTT của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Do điều kiện gia đình, tôi rẽ ngang học sư phạm. Giờ nghĩ lại vẫn tiếc nuối, nhưng nhiều học sinh của tôi, của Trường THPT Chuyên Bắc Giang đã, đang và sẽ đỗ vào Bách khoa, viết tiếp ước mơ của tôi khi lỡ hẹn với Bách khoa năm xưa.” – Cô Vũ Thị Vân – giáo viên Toán Trường THPT Chuyên Bắc Giang. |
Gia Hân. Ảnh: NVCC
Tác giả: Nguyễn Diệu Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn