Người Bách khoa nhận bằng tiến sĩ danh dự tại ĐH Uppsala, Thụy Điển 

Chủ nhật - 12/03/2023 21:00
GS. Nguyễn Đức Hòa chụp ảnh bên những khẩu đại bác trong lễ vinh danh các nhà khoa học
GS. Nguyễn Đức Hòa chụp ảnh bên những khẩu đại bác trong lễ vinh danh các nhà khoa học
Mới đây, tại Thành phố Uppsala (Thụy Điển), GS. Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự nhận bằng TS danh dự ĐH Uppsala. Sau 3 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, ĐH Uppsala mới có dịp tổ chức buổi lễ truyền thống vinh danh các nhà khoa học. Cùng GS. Hòa nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành Kỹ thuật năm 2022 còn có 8 giáo sư đến từ Mỹ, Anh, Đức… - các quốc gia có nền khoa học công nghệ rất phát triển trên thế giới. Người Bách khoa Nguyễn Đức Hòa là nhà khoa học duy nhất trong nhóm đến từ một đại học châu Á. 
image004
GS. Nguyễn Đức Hòa cùng đối tác tại ĐH Uppsala 
 Quả ngọt từ quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc tế của Đại học Bách khoa Hà Nội 

ĐH Uppsala là trường ĐH lâu đời nhất ở Thụy Điển, được biết đến với truyền thống và những thành tích nổi bật trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu, đã có 8 nhà khoa học giành được giải Nobel. Danh hiệu tiến sĩ danh dự được ĐH Uppsala trao cho những cá nhân đã thúc đẩy nghiên cứu tại trường ĐH; các học giả (chủ yếu từ nước ngoài) - những người đã thiết lập mối quan hệ với các nhà nghiên cứu học thuật Thụy Điển, được giới thiệu vào cộng đồng nghiên cứu quốc gia này. 

GS. Nguyễn Đức Hòa được ĐH Uppsala trao tặng bằng tiến sĩ danh dự ngành Kỹ thuật do những đóng góp của anh trong việc phát triển hợp tác khoa học giữa Viện ITIMS - Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam và ĐH Uppsala, Thụy Điển; Cùng đó, GS. Nguyễn Đức Hòa cùng cơ quan chủ trì đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vật liệu điện tử, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano. 

Trong hơn 10 năm qua, Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học do Chính phủ, doanh nghiệp, và một số nước phát triển tài trợ. Thông qua các dự án nghiên cứu, ĐH Uppsala đã phối hợp với Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo.  

Hàng năm, hai bên cử các chuyên gia sang làm việc, cũng như trao đổi sinh viên tại Việt Nam và Thụy Điển; nhiều NCS Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua các dự án đã bảo vệ thành công luận án TS trong nước cũng như tại các nước châu Âu. Viện ITIMS, ĐHBK Hà Nội là đơn vị điển hình trong quốc tế hóa bởi đây là địa chỉ thường xuyên tiếp đón các nhà khoa học trên thế giới đến hợp tác. Hiện đang có 1 chuyên gia của ĐH Uppsala và 2 học viên của ĐH Sungkyunkwan (Hàn Quốc) đang làm việc và thực hành thí nghiệm tại Viện ITIMS.

Cá nhân GS. Nguyễn Đức Hòa cùng các nhà khoa học tại ĐH Uppsala đã có những hợp tác nghiên cứu, công bố hơn 20 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín SCI. Để có được mối quan hệ hợp tác lâu dài, các cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội đã rất miệt mài nghiên cứu, cho ra những sản phẩm hiệu quả, được đối tác tin cậy và nể phục về cường độ làm việc và tính trách nhiệm cao.  
image006
GS. Nguyễn Đức Hòa tại phòng đọc đặc biệt của thư viện 
Những trải nghiệm chỉ ở Uppsala mới có 

Buổi sáng hôm trao bằng tiến sĩ danh dự tại ĐH Uppsala, người dân Uppsala được đánh thức bằng loạt đại bác bắn từ khuôn viên Lâu đài Uppsala vào lúc 7h sáng, sau đó đại bác lại nổ ùng oàng từ 12h50 đến 15h chiều từ Tòa nhà Chính của Đại học để vinh danh các tiến sĩ lúc nhận bằng. Theo lịch sử của ĐH Uppsala, từ những năm 1800, trường ĐH bắt đầu tôn vinh các tân tiến sĩ bằng màn chào đại bác. Nếu không bị gián đoạn bởi các sự cố như đại dịch Covid-19 thì 2 năm một lần, sau tiếng đại bác đánh thức lúc 7h, tiếng chuông nhà thờ Storan – Nhà thờ Chính tòa Uppsala sẽ vang lên lúc 8h sáng, kéo dài 10 phút trong ngày đặc biệt này.  

Chương trình chính lễ trao bằng diễn ra từ lúc 11h hơn. GS Nguyễn Đức Hòa tiết lộ anh và các GS quốc tế đã có một buổi tập dượt trước, được Ban Tổ chức dặn rất kỹ về quy cách, màu sắc trang phục. Có một điều khiến vị giáo sư Đại học Bách khoa Hà Nội tiếc nuối là anh không được biết trước để mang trang phục trao bằng tiến sĩ của Đại học Bách khoa Hà Nội sang đây mặc. Đây là điều Ban tổ chức cho phép nhưng lại không nhắc trong các email gửi tới anh.  

Lễ trao bằng được tổ chức tại Thính phòng lớn của ĐH Uppsala. Kịch bản buổi lễ được duy trì từ khi ĐH Uppsala được thành lập (1477). Mỗi khoa chỉ định một người trao các biểu tượng danh dự cho các tân tiến sĩ (khoa đào tạo và tiến sĩ danh dự) là bằng tiến sĩ và mũ tiến sĩ hoặc vòng nguyệt quế. Ngoài ra còn có một biểu tượng danh dự thứ ba là chiếc nhẫn tiến sĩ. TS. danh dự nhận bằng trước, sau đó là các TS tốt nghiệp. Sau khi nhận bằng xong, mỗi tiến sĩ sẽ cúi đầu cảm ơn vị Hiệu trưởng và hai vị Phó hiệu phó ngồi ở hàng ghế danh dự phía dưới.  

Mỗi tân tiến sĩ, tiến sĩ danh dự được mời đứng lên một bục cao để trao biểu tượng danh dự. Bục trong buổi lễ tượng trưng cho ngọn núi linh thiêng của các vị thần Hy Lạp, nói lên rằng kể từ lúc này, họ đã trở thành một giáo viên hàn lâm. Ngành Kỹ thuật của GS. Hòa được trao biểu tượng là vòng nguyệt quế - cây của thần Apollo. Mỗi TS danh dự còn được trao chiếc nhẫn thiết kế bản quyền của trường - tượng trưng cho lòng trung thành với khoa học/học thuật.  Các khoa khác nhau có các biểu tượng khác nhau để tô điểm cho chiếc nhẫn.  

Trước buổi lễ chính, các tiến sĩ tham quan căn phòng đặc biệt trong Thư viện ĐH Uppsala, nơi được mệnh danh là tập trung trí tuệ nhân loại. Căn phòng này chỉ mở cửa cho những nhân vật đặc biệt, dịp lễ đặc biệt. Các lễ hội tiếp tục diễn ra vào buổi tối, với bữa tiệc chiêu đãi tại Hội trường Nhà nước trong Lâu đài Uppsala. Gần 700 người được mời tham dự Tiệc Phong tặng – các tân tiến sĩ, tiến sĩ danh dự và người thân của họ, khách mời danh dự, các giáo sư và nhân viên khác. 

Hỏi cảm xúc của GS. Nguyễn Đức Hòa sau khi tham dự một buổi lễ hoành tráng như vậy, anh nói đơn giản: “Tôi trải nghiệm xem có gì mới lạ, chứ nói thật, đứng đó nhưng lại cứ nhớ về Bách khoa!” Thì ra điều GS. Hòa quan tâm hơn chính là nhận bằng tiến sĩ danh dự sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong hợp tác sau này vì giờ đây, anh vừa là người Bách khoa, vừa là thành viên ĐH Uppsala, nên nếu anh cần gì, có đề xuất gì, ĐH Uppsala sẽ luôn sẵn sàng hợp tác. Nhìn thấy trước những dự án hợp tác rất bền chặt, hiệu quả cho sinh viên, những cơ hội nâng cao chuyên môn cho các cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.  

Cùng đó, GS. Hòa nghĩ tới trách nhiệm của một tiến sĩ danh dự ĐH Uppsala - truyền bá kiến thức cho người học, đóng góp tri thức cho xã hội. Thật giống với Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi GS. Hòa học tập, công tác, gắn bó hơn 10 năm nay với những người Bách khoa luôn mộc mạc, giản dị, chân thành, luôn làm việc với sự tôn trọng cá nhân, sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, khát vọng sáng tạo và đột phá. Cũng như ngôi trường Uppsala gần 550 tuổi luôn gìn giữ truyền thống, xây dựng hình ảnh những thành viên Uppsala nhiệt huyết, có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã làm được điều đấy.
  
GS. Nguyễn Đức Hòa: 
Giáo sư trẻ nhất Ngành Vật lý năm 2019 (41 tuổi); 
Công bố trên 100 bài báo quốc tế uy tín SCI, tổng trích dẫn hơn 6000 lần, với chỉ số H-index 47; 
Sở hữu 1 sáng chế quốc tế, 3 sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước (7 đang trong quá trình xét duyệt); 
Thành viên hội đồng Quỹ Nafosted ngành Vật lý 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2019-2022; 2023-2024); 
Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2021; 
Giảng viên tiêu biểu Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021; 
Tiến sĩ danh dự ĐH Uppsala năm 2023. 

 Hùng Phong 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây