Xây dựng hình mẫu Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại

Thứ hai - 26/04/2021 15:32

Từ 23 - 25/4/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn cán bộ Đảng, chính quyền, công đoàn, tập trung vào nội dung “Chuyển đổi mô hình tổ chức, xây dựng hình mẫu Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại”. Các cán bộ nhà trường đã tâm huyết đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất hoàn thiện nội dung này.

Phương án “Một Bách khoa Hà Nội”

Hội nghị thống nhất quan điểm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, đến giai đoạn hiện nay, nhà trường cần phải chuyển đổi mô hình để có thể đạt được những bước đột phá mới. 

Theo báo cáo những nội dung cơ bản của việc chuyển đổi mô hình tổ chức từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, trong các phương án lựa chọn mô hình chuyển đổi, nhà trường đã chuẩn bị trong nhiều năm cho việc “chuyển đổi” thành Đại học. Mô hình sẽ là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việc chuyển đổi này đúng theo Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học, khẳng định vị thế, theo đúng chiến lược và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ XXX, khắc phục một số nhược điểm của mô hình hiện tại. 

Quan điểm xây dựng mô hình Đại học Bách khoa Hà Nội là xây dựng thành các trường là đơn vị thuộc trên cơ sở tái cấu trúc và nâng cấp từ các Viện hiện tại. Xây dựng các đơn vị phải đảm bảo tính cơ hữu, theo xu thế phát triển của ngành nghề tương ứng, không ghép cơ học. 

Mô hình Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có chuyên môn hóa, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp mạnh nhưng không phân lập, thống nhất mô hình “Một Bách khoa Hà Nội”. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ trong quản trị, giảng dạy và nghiên cứu.

Hành lang pháp lý đã có, những phần việc cơ bản nhất đã được chuẩn bị trong 5 năm trở lại đây, vấn đề còn lại là việc tổ chức, xây dựng một cách khoa học, hợp lý và sự đoàn kết, đồng thuận của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường. Hội đồng trường sẽ phê duyệt các đề án thành lập các Trường, còn đề án chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

 PGS. Nguyễn Hữu Thanh trình bày dự thảo mô hình Trường Điện - Điện tử tại Hội nghị

Hình dung mô hình Đại học Bách khoa Hà Nội

Các Trường trong Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ do Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định việc thành lập, trên quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.

Các đơn vị thuộc Trường bao gồm: Văn phòng; Khoa; Viện nghiên cứu/ Trung tâm nghiên cứu/ Trung tâm hỗ trợ chuyển giao Công nghệ; Trung tâm kỹ thuật. Trong các Trường, nhóm chuyên môn và phòng thí nghiệm nghiên cứu (lab nghiên cứu) là các hạt nhân để phát triển chuyên môn về đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức.

Hội nghị lắng nghe phần trình bày của: GS. Vũ Văn Yêm về mô hình của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Tạ Hải Tùng về dự thảo mô hình Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông; PGS. Trương Hoành Sơn: Dự thảo mô hình Trường Cơ khí; PGS. Nguyễn Hữu Thanh: Dự thảo mô hình Trường Điện - Điện tử. 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu tại Hội nghị

Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường, việc tái cấu trúc trên cơ sở cơ cấu, tổ chức và cách thức vận hành của 3 trường với tích hợp, nâng cấp từ 1-3 viện sẽ là một đối sánh quan trọng để các Viện hiện nay đang trong quá trình tiến lên trường có thể học hỏi kinh nghiệm, dần từng bước hình thành Trường dựa trên định hướng phát triển ngành nghề, làm sao để kế thừa những thành quả tốt đẹp, đào tạo, nghiên cứu khoa học tốt hơn và tuyển sinh tốt hơn. 

Lộ trình dự kiến

Tại Hội nghị tập huấn, các cán bộ Đảng, chính quyền và công đoàn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được nắm rõ lộ trình dự kiến của quá trình chuyển đổi mô hình Nhà trường.

Đó là đến cuối năm 2021 sẽ thành lập ít nhất 3 Trường và được phê duyệt đề án chuyển đổi thành Đại học.

Đến cuối năm 2022: Thành lập 5 đến 6 trường và 4 – 5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành các Ban thuộc Đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa.

Tới năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, khẳng định vị thế trong và ngoài nước. Trong quá trình chuyển đổi, lãnh đạo nhà trường luôn ưu tiên để đảm bảo thu nhập của cán bộ không giảm. 

GS. Nguyễn Đức Chiến – Nguyên Bí thư Đảng Uỷ Trường - góp ý cho Đề án

Các ý kiến tâm huyết góp ý triển khai đề án tại Hội nghị đã được ban lãnh đạo Nhà trường trân trọng tiếp thu; đồng thời khẳng định việc xây dựng đề án chuyển đổi sẽ được làm hết sức nghiêm túc, khoa học; kế thừa những thành quả từ cơ chế tự chủ trong thời gian qua. 

Hiện Đề án đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ GD&ĐT. Thời điểm hiện tại cần nhất sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của Đảng ủy, Tập thể lãnh đạo Trường, của các tổ công tác, các đơn vị, sự đoàn kết đồng lòng của toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường để chuyển đổi mô hình thành công.

Cũng trong chuyến tập huấn, Công đoàn trường và Công đoàn các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao như bóng đá, tennis, yoga bãi biển, giao lưu văn nghệ… để các cán bộ giao lưu, tăng tình đoàn kết giữa các đơn vị và cán bộ trong toàn trường.

Quan trọng nhất là sự đoàn kết, đồng thuận

- TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Xu hướng đi lên này là không thể đảo ngược, muốn thành công, cán bộ toàn Trường phải đồng tâm nhất trí. 

- GS. Nguyễn Đức Chiến – Nguyên Bí thư Đảng Uỷ Trường:  Cần làm rõ mô hình cho cán bộ, giảng viên toàn Trường, tạo sự đồng thuận trong Trường.

- PGS. Nguyễn Cảnh Lương - Nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường: Xu hướng đi lên này của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là tất yếu. Mỗi lần thay đổi không tránh khỏi sẽ gặp phải khó khăn, thách thức. Muốn chuyển đổi thành công, cán bộ, giảng viên phải đồng lòng. 

GS. Vũ Văn Yêm – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ: Để thành công cần thay đổi tư duy của cán bộ, giảng viên, tạo sự đồng thuận.

Gia Hân. Ảnh: Kim Chi

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây