Xây dựng, đổi mới mô hình, nội dung chương trình đào tạo (CTĐT) nhằm nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế là những nội dung quan trọng trong Hội nghị do Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức ngày 23/11/2016, tại Phòng Hội thảo C2. Hội nghị do PGS Hoàng Minh Sơn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng chủ trì, cùng sự tham dự của lãnh đạo các Phòng, Ban, Khoa Viện Đào tạo trong toàn Trường.
Trong bối cảnh nền giáo dục thế giới đang có những biến chuyển nhanh theo xu thế thời đại, đương đầu với sự cạnh tranh, các trường đại học ở Việt Nam đang đứng trước những vận hội, thời cơ và thách thức mới. Do vậy, mỗi trường phải luôn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định thương hiệu bằng việc cung ứng cho thị trường lao động những sản phẩm đào tạo chất lượng cao và gắn liền với định hướng nghiên cứu.
Trường ĐHBK Hà Nội với vai trò là một trường đại học trọng điểm quốc gia và luôn đi đầu trong đổi mới, đang trong lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện và xây dựng các chiến lược phát triển thành một đại học nghiên cứu đạt chuẩn mực của khu vực và thế giới. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐHBK Hà Nội đã nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa, rà soát các CTĐT trong những năm 2004, 2007 (chuẩn hóa lại CTĐT theo tín chỉ), 2009 (tinh giản CTĐT trung bình 15-20%)... Cho đến nay, trong quá trình thực hiện còn những hạn chế, khó khăn, do vậy, Trường đã rà soát và đề ra những chủ trương đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu xã hội trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, PGS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh vào các nội dung quan trọng cần được trao đổi thống nhất và nguyên tắc và cách thức thực hiện, đó là: đổi mới mô hình đào tạo, xây dựng CTĐT và nội dung chương trình. Cụ thể, Trường cần chú trọng đến tính thiết thực, hiệu quả của CTĐT, phát huy tiềm năng của người học, nâng cao kỹ năng của sinh viên để nhanh chóng thích ứng với công việc sau khi tốt nghiệp, tăng cường đổi mới phương pháp dạy – học mới, ứng dụng công nghệ như đào tạo trực tuyến, học liệu mở, giáo trình online; sắp xếp chương trình, tổ chức đào tạo, thiết kế các bài thí nghiệm thực hành và những loại thiết bị cần thiết để đầu tư....
Đáng chú ý, bên cạnh các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ khoa học theo hướng chuyên sâu hiện nay, một trong những chủ trương đổi mới đang được Trường ĐHBK đưa ra là mô hình 4+1,5 (cử nhân - thạc sĩ kỹ thuật). Đây là mô hình đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng, ngành rộng đáp ứng thị trường lao động đa dạng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cử nhân lựa chọn học tiếp cao học do ưu điểm rút ngắn thời gian đào tạo. Việc tăng cường đào tạo đội ngũ thạc sĩ chất lượng được coi là một trong hướng chính của Trường ĐHBK Hà Nội, phù hợp với xu thế phát triển chung, dựa trên cơ sở mô hình đào tạo của thế giới cũng như khung trình độ và cấu trúc CTĐT mà Chính phủ đã ban hành.
Theo đó, các đơn vị đào tạo trong Trường đã trao đổi, đề xuất đóng góp ý kiến và thống nhất về những chủ trương do Trường ĐHBK Hà Nội đề ra về mô hình đào tạo, xây dựng nội dung CTĐT, thiết kế thí nghiệm, thực tập tốt nghiệp của sinh viên, công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng đại học...
Trên cơ sở đó, Hiệu trưởng yêu cầu Phòng Đào tạo Đại học và Viện Đào tạo Sau đại học tổng hợp và xây dựng kế hoạch, Đề án, thống nhất với Hội đồng khoa học và đào tạo Trường, sau đó trình Hiệu trưởng phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Trường cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn cho các đơn vị chuẩn bị bài giảng giáo trình áp dụng từ năm học 2018-2019 trở đi và ban hành theo từng chương trình, chuẩn danh mục CTĐT, chú trọng thiết kế bài thí nghiệm... nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch đặt ra.
Hoàng Anh
Tác giả: TT TT & QHCC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn