Nam sinh tốt nghiệp xuất sắc Trường Cơ khí “bật mí” bí quyết làm đẹp CV

Thứ năm - 09/05/2024 03:13
Nguyễn Văn Đức - Sinh viên Trường Cơ khí, tốt nghiệp xuất sắc ĐHBK Hà Nội năm 2024
Nguyễn Văn Đức - Sinh viên Trường Cơ khí, tốt nghiệp xuất sắc ĐHBK Hà Nội năm 2024
Nguyễn Văn Đức là sinh viên lớp Cơ Điện tử 01 K64, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước khi hoàn thành tốt nghiệp loại xuất sắc với mức CPA 3.63 và 93 ĐRL, Đức đã là một kỹ sư thiết kế máy tự động hóa của Samsung Electronic Vietnam. Ngày 11/5 tới đây, Văn Đức sẽ đại diện cho các sinh viên tốt nghiệp phát biểu chia sẻ cảm nghĩa trong khoảnh khắc đáng nhớ này.

Thông minh, tự tin và quyết đoán là những từ chính xác nhất để mô tả về cậu sinh viên này. Xuyên suốt buổi chia sẻ cùng tác giả, Văn Đức đã gửi gắm rất nhiều kinh nghiệm quý báu về việc làm thế nào để có thể vừa giữ vững thành tích học tập, lại vừa xây dựng được một bộ CV ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng.

Xác định rõ mục tiêu

Niềm đam mê với việc chế tạo máy móc của Nguyễn Văn Đức được khơi dậy từ sau buổi Open Day năm 2019, khi cậu lần đầu theo chân chị gái - người từng là sinh viên ngành Kỹ thuật hóa học K60 tới trường. Trong buổi Open Day, Văn Đức đặc biệt chú ý tới sản phẩm máy in 3D được giới thiệu bởi Trường Cơ khí. Ngày điền nguyện vọng xét tuyển Đại học, cậu mang theo sự ấn tượng đó, không ngần ngại mà đăng ký ngành Cơ Điện tử làm nguyện vọng 1. 
 
Nguyễn Văn Đức khi còn là sinh viên năm nhất
Sau 5 năm học, Nguyễn Văn Đức cảm nhận rõ rằng Cơ Điện tử là là một ngành rất rộng, bao hàm nhiều kiến thức chuyên ngành phức tạp. Sinh viên học Cơ Điện tử có thể “đầu quân” cho rất nhiều ngành nghề, từ lập trình cho tới chế tạo máy móc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sinh viên cần phải đưa ra những lựa chọn sớm và bắt đầu thử “chinh phục” lựa chọn đó, thay vì cứ mãi đắn đo rằng bản thân nên phát triển theo hướng nào. Với Văn Đức, lựa chọn của cậu là chuyên ngành chế tạo máy móc, cụ thể là máy in 3D. Từ quyết định đó, cậu đã xây dựng nên một lộ trình học tập hữu ích cho định hướng phát triển của mình.

Nguyễn Văn Đức khẳng định: “Việc lựa chọn hướng đi từ sớm đã giúp tôi tối ưu hóa việc học.” Từ năm nhất, trong lúc bạn bè xung quanh vẫn còn đang loay hoay với các môn đại cương, nhờ có kinh nghiệm từ chị gái, Văn Đức đã trang bị sẵn cho mình tài liệu và phương pháp để “giải quyết” những môn học khó nhằn này. Về các môn học chuyên ngành, Văn Đức xác định rằng song song với việc nắm vững kiến thức cơ bản, bản thân sẽ cần đầu tư và chau chuốt hơn ở một số môn học có liên hệ trực tiếp với định hướng công việc sau này. Đặc biệt, Văn Đức vô cùng chú trọng tới việc thí nghiệm và thực hành những kiến thức đã học. Chính những bí kíp này đã giúp cậu sinh viên giữ vững điểm GPA ở mức 3.6 xuyên suốt các kỳ học. 

Có những chiến hữu kề vai sát cánh

Từ khi bắt đầu “nên duyên” với Đại học Bách khoa Hà Nội cho tới lúc chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, Nguyễn Văn Đức luôn luôn có cho mình những mối quan hệ chất lượng, đồng hành, dẫn dắt và chia sẻ trong mọi thời điểm quan trọng của cuộc đời sinh viên. Với Văn Đức, việc xây dựng và gìn giữ những mối quan hệ như vậy không chỉ mang lại cho cậu những kỉ niệm vô cùng khó quên, mà còn tạo cơ hội cho cậu được kết nối với những người bạn cùng chí hướng, những người giảng viên tận tâm, tận lực dìu dắt học trò của mình.
 
Nguyễn Văn Đức (thứ ba từ trái sang) cùng nhóm bạn ôn luyện tại Thư viện Tạ Quang Bửu
Nguyễn Văn Đức cùng những người bạn thân của cậu đã đi cùng nhau trong suốt cuộc hành trình chinh phục các môn học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhóm bạn của Đức gồm có 6 thành viên cùng học lớp Cơ Điện tử 01 K64. Mặc dù học chung lớp nhưng Thư viện Tạ Quang Bửu mới là nơi đưa các chàng trai đến với nhau qua một buổi tình cờ gặp gỡ trong lúc ôn luyện môn Giải tích I. Từ sau lần gặp đó, Đức và nhóm bạn hay hẹn nhau lên thư viện học bài, đăng ký chung nhiều môn học và làm bài tập nhóm cùng nhau. Văn Đức kể: “Càng về sau, khi đã trò chuyện và tìm hiểu về nhau đủ sâu rồi, chúng tôi lại càng thân thiết hơn, đến độ cùng rủ nhau vào lab, cùng tham gia các cuộc thi chuyên môn. Thậm chí, tôi và hai người bạn khác trong nhóm còn quyết định làm đồ án tốt nghiệp cùng nhau nữa.”
 
Nguyễn Văn Đức (thứ ba từ trái sang) trong Lễ bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp
Nhắc đến quá trình làm đồ án tốt nghiệp, Đức vui vẻ hồi tưởng: “Nhóm tôi lựa chọn tự đề xuất đề tài với GVHD thay vì triển khai các đề tài do thầy cô gợi ý, vì vậy trong quá trình nghiên cứu gặp khá nhiều bất đồng và khó khăn. Những lúc ấy, cô Nguyễn Thị Kim Cúc cùng thầy Vũ Tiến Dũng - hai giảng viên Trường Cơ khí kiêm giáo viên hướng dẫn đồ án tốt nghiệp của nhóm - luôn vô cùng kiên nhẫn, lắng nghe từng ý tưởng của chúng tôi và đưa cho chúng tôi những lời khuyên chính xác.” Cùng với việc định hướng và góp ý cho đề tài, các thầy cô vẫn luôn đề cao sự sáng tạo và lựa chọn của sinh viên. Trước sự động viên và giúp đỡ nhiệt tình của GVHD, Văn Đức cùng những người bạn của cậu đã hoàn thành đồ án tốt nghiệp một cách xuất sắc.

Trước đó, đồng hành cùng Nguyễn Văn Đức trong đồ án 1 về thiết kế hệ thống cơ khí - robot, PGS. TS. Nguyễn Xuân Hạ - giảng viên Trường Cơ khí - cũng để đã lại trong lòng cậu học trò những ấn tượng tốt đẹp bằng sự nhiệt tình và vốn kiến thức chuyên môn sâu rộng của mình. Với Văn Đức, thầy Hạ không chỉ am hiểu sâu sắc về quy trình kế máy, mà còn rất thành công trong việc truyền tải những kiến thức của mình tới sinh viên. Đức nhớ lại: “Có lần, trong một buổi báo cáo tiến độ, nhóm chúng tôi bị thầy Hạ ‘mắng’ vì những sai phạm và chậm trễ khi hoàn thiện nhiệm vụ đồ án. Đó là lần đầu tiên người thầy luôn nhẹ nhàng chỉ bảo chúng tôi nổi giận. Khi ấy, tôi hiểu bản thân mình đã mắc sai lầm và cần nghiêm túc chấn chỉnh lại. Chính nhờ sự nghiêm khắc đó, chúng tôi cùng ngồi lại xem xét, xốc lại tinh thần và tập trung hơn vào từng bước của đồ án.”

Bổ sung các kĩ năng mềm

Nộp hồ sơ xin việc vào Samsung Electronic Vietnam từ trước khi tốt nghiệp một kỳ, Nguyễn Văn Đức xuất sắc vượt qua 3 vòng tuyển dụng và trở thành một kỹ sư thiết kế máy tự động hóa của công ty, làm việc tại trụ sở Bắc Ninh. Khi được hỏi về “bí quyết” giúp ghi điểm trong mắt một công ty lớn như vậy, Đức bật mí: “Một trong những yếu tố được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao chính là kĩ năng mềm. Bản thân mình đã cố gắng rèn luyện những kĩ năng đó trong suốt quá trình học.” 

Khi “xả vai” một sinh viên ngoan ngoãn và chăm chỉ trên lớp, Văn Đức trở thành nguyên Chủ nhiệm của CLB Năng suất chất lượng Bách khoa Gen 8, đồng thời là thành viên nghiên cứu thuộc Lab 307. Đây là hai tập thể quan trọng đã góp phần to lớn trong việc xây dựng nên một Văn Đức hoạt bát, tự tin như bây giờ. 
 
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Đức (ngồi cạnh bạn nữ) cùng CLB Năng suất chất lượng Bách khoa Gen 8.
Không chỉ là một điểm dừng chân đáng nhớ trong quãng thời gian sinh viên, CLB Năng suất chất lượng Bách khoa còn đem lại cho Nguyễn Văn Đức nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Trong thời gian giữ chức vụ Chủ nhiệm, Văn Đức học được kĩ năng quản lý thời gian và công việc nhờ luôn phải sắp xếp, điều hành và theo sát các nhiệm vụ của CLB. Bên cạnh đó, những hoạt động như tham quan doanh nghiệp, trao đổi thông tin với diễn giả, nhà tài trợ các sự kiện cũng giúp Đức nâng cao kĩ năng giao tiếp. Ngoài ra, cậu còn rèn luyện được kĩ năng nói trước đám đông qua những buổi diễn thuyết, rèn luyện kiến thức chuyên môn trước các thành viên trong CLB.
 
Nguyễn Văn Đức (quàng khăn đỏ) cùng đội thi của Lab 307 trong cuộc thi Student chie-tech 2023
Lab 307 cũng là một trong những tập thể vô cùng quan trọng đối với Nguyễn Văn Đức. Dưới sự dẫn dắt của cô Nguyễn Thị Kim Cúc, Văn Đức đã thành công chế tạo một chiếc máy in 3D của riêng mình. Đồng thời, cậu cũng cùng các thành viên của lab cũng đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi liên quan tới chuyên ngành cơ khí. Trong cuộc thi Sáng tạo robot thuỷ khí 2021, đội của Đức đã đạt giải Khuyến khích cho đội chơi Fair Play với sản phẩm “Robot di chuyển dưới nước”, hay trong cuộc thi Công nghệ trí tuệ Student chie-tech 2023, “Thiết bị kẹp giấy tự động” do đội của Đức chế tạo cũng đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết toàn quốc. Bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm thuyết trình và kĩ năng chuyên môn, hồ sơ xin việc của Đức cũng dần dần được lấp đầy bởi các thành tựu khoa học mà cậu đã đạt được.

Nhắn nhủ tới các bạn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Đức nói: “Mỗi bạn sinh viên nên lựa chọn cho mình một hướng đi ngay từ những năm đầu Đại học. Các bạn cần chú trọng vào việc học trên lớp, bởi những kiến thức nền được học sẽ đóng vai trò cốt lõi trong công việc sau này. Đồng thời, hãy thử tham gia vào các hoạt động ngoại khóa để vừa có thể tích lũy kinh nghiệm, vừa có thể xây dựng những kỉ niệm đẹp thời sinh viên.”
Hoàng Linh
Ảnh: NVCC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây