MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐƠN XIN CẤP VĂN BẰNG BẢO HỘ

Chủ nhật - 13/11/2016 19:59

1. Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một Văn bằng bảo hộ, loại Văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn;

2. Mọi tài liệu của đơn phải được làm bằng tiếng Việt và trình bầy theo chiều dọc trên một mặt khổ giấy A4, nếu loại tài liệu nào cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó bằng cách điền vào những chỗ thích hợp;

3. Các loại tài liệu phải được trình bầy rõ ràng, sạch sẽ bằng hình thức đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai, không tẩy xoá, không sửa chữa;

Các loại tài liệu cần thiết trong 01 bộ hồ sơ đơn

A. Đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế /giải pháp hữu ích:

1. Tờ khai yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế (làm theo mẫu) – 03 bản

2. Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích – 03 bản

3. Yêu cầu bảo hộ

4. Bản vẽ, sơ đồ, bản tính toán…(nếu cần) để làm rõ thêm bản chất của giải pháp kỹ thuật nêu trong bản mô tả – 03 bản

5. Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế – 01 bản

6. Chứng từ nộp lệ phí – 01 bản

Yêu cầu:

Đối với bảng mô tả: phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật cần được bảo hộ. Trong bản mô tả phải có đầy đủ các thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó.

Bản mô tả phải làm rõ được tính mới, trình độ sáng tạo (nếu đối tượng cần bảo hộ là sáng chế) và khả năng áp dụng của giải pháp kỹ thuật cần được bảo hộ.
Bản mô tả bao gồm các nội dung sau :

· chỉ số phân loại sáng chế quốc tế (theo thoả ước Strasbourg) ,

· tên giải pháp kỹ thuật,

· lĩnh vực trong đó giải pháp kỹ thuật được sử dụng hoặc liên quan,

· tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực nói trên tại thời điểm nộp đơn (các giải pháp kỹ thuật đã biết)

· bản chất của giải pháp kỹ thuật,

· mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có),

· ví dụ thực hiện giải pháp kỹ thuật,

· những lợi ích có thể đạt được (hiệu quả của giải pháp kỹ thuật).

Đối với Yêu cầu bảo hộ: phải được trình bầy ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của giải pháp kỹ thuật cần bảo hộ.

Đối với Bản tóm tắt sáng chế/ giải pháp hữu ích: để công bố một cách vắn tắt về bản chất của sáng chế/giải pháp hữu ích, Bản tóm tắt phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của giải pháp kỹ thuật nhằm mục đích thông tin

 

B. Đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp:

1. Tờ khai yêu cầu cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (làm theo mẫu) – 03 bản

2. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp – 03 bản

3. Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ KDCN – 06 bộ

4. Tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá nếu KDCN có chứa nhãn hiệu hàng hoá – 01 bản

5. Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bầy triển lãm nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế – 01 bản

6. Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Giấy chứng nhận thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn; Hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động…) – 01 bản

7. Chứng từ nộp lệ phí – 01 bản

Yêu cầu:

 

Đối với Bản mô tả KDCN: phải trình bầy đầy đủ, rõ ràng bản chất của KDCN, phải phù hợp với bộ ảnh chụp hay bản vẽ và bao gồm các nội dung sau:

· Tên KDCN

· Chỉ số phân loại quốc tế

· Lĩnh vực sử dụng

· Các kiểu dáng tương tự đã biết

· Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ

· Bản chất của KDCN ( mô tả những đặc điểm tạo dáng cơ bản của KDCN yêu cầu bảo hộ khác biệt với KDCN đã biết)

 

Đối với Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ: phải thể hiện đầy đủ bản chất của KDCN như đã được mô tả nhằm xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ KDCN đó, cụ thể :

· ảnh chụp/bản vẽ phải rõ ràng và sắc nét, không được lẫn các sản phẩm khác với sản phẩm mang KDCN yêu cầu bảo hộ;

· Tất cả ảnh chụp/bản vẽ phải theo cùng một tỷ lệ. Kích thước mỗi tấm ảnh chụp không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 210mm x 297mm.

 

C. Đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá:

1. Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu hàng hoá (làm theo mẫu) – 03 bản

2. Mẫu nhãn hiệu – 15 bản

3. Bản sao tài liệu xác nhận quyền kinh doanh hợp pháp – 01 bản

4. Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Chứng nhận thừa kế, chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động…) – 01 bản

5. Qui chế sử dụng nhãn hiệu nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ là nhãn hiệu tập thể – 01 bản

6. Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế – 01 bản

7. Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương nếu nhãn hiệu chứa đựng các thông tin đó – 01 bản ]

8. Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, nếu trên nhãn hiệu có sử dụng các biểu tượng, tên riêng… – 01 bản

9. Chứng từ nộp lệ phí – 01 bản

Yêu cầu:

 

Đối với Tờ khai:

· Phần mô tả nhãn hiệu phải làm rõ khả năng phân biệt của nhãn hiệu, trong đó phải chỉ rõ từng yếu tỗ cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu. Nếu nhãn hiệu có chứa từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch nghĩa ra tiếng Việt.

· Nếu các chữ, từ ngữ yêu cầu bảo hộ được trình bầy dưới dạng hình hoạ như là yếu tố phân biệt của nhãn thì phải mô tả dạng hình hoạ của các chữ, từ ngữ đó;

· Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả rập hoặc chữ số La mã thì phải dịch ra chữ số ả rập;

· Nếu nhãn hiệu gồm nhiều phần tách biệt nhau nhưng được sử dụng đồng thời trên một sản phẩm thì phải nêu rõ vị trí gắn từng phần của nhãn hiệu đó trên sản phẩm hoặc bao bì đựng sản phẩm.

· Phần khai các danh mục sản phẩm, dịch vụ phải phù hợp hoặc cùng loại với sản phẩm dịch vụ được phép kinh doanh như đã nêu trong Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và phải được phân nhóm theo Bảng phân loại quốc tế các sản phẩm dịch vụ ( theo Thoả ước Nixơ)

 

Đối với mẫu nhãn hiệu: phải được trình bày rõ ràng với kích thước không được vượt quá khuôn khổ 80mm x 80mm. Nếu yêu cầu bảo hộ mầu sắc thì tất cả các mẫu nhãn hiệu đều phải được trình bầy đúng mầu sắc cần bảo hộ.

 

 

D. Đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá:

1. Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá (XXHH) (làm theo mẫu) – 03 bản

2. Bản sao tài liệu kinh doanh hợp pháp – 01 bản

3. Bản thuyết minh về đặc thù, chất lượng của sản phẩm mang tên gọi XXHH, trong đó có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền – 01 bản

4. Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền rằng sản phẩm do người nộp đơn sản xuất hoặc kinh doanh thương mại có tính chất, chất lượng đặc thù và được sản xuất tại vùng lãnh thổ tương ứng với tên gọi xuất xứ hàng hoá đó – 01 bản

5. Bản đồ mô tả phạm vi lãnh thổ tương ứng với tên gọi XXHH, trong đó có chỉ dẫn địa điểm sản xuất, kinh doanh của người nộp đơn – 01 bản

6. Bản sao Văn bằng bảo hộ tên gọi XXHH do nước xuất xứ cấp, hoặc tài liệu của nước xuất xứ xác nhận quyền của người nộp đơn được sử dụng tên gọi XXHH (nếu tên gọi XXHH có nguồn gốc từ nước ngoài) – 01 bản

7. Chứng từ nộp lệ phí – 01 bản

Nếu người nộp đơn chỉ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi XXHH đối với một tên gọi xuất xứ hàng hoá đã được đăng bạ từ trước thì trong Đơn không cần có các loại tài liệu (3), (5). Nếu tên gọi XXHH có nguồn gốc nước ngoài thì trong Đơn không cần có các loại tài liệu (2), (3), (5).

 

 

E. Đơn yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ:

1. Tờ khai yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ (làm theo mẫu) – 02 bản

2. Bản gốc Văn bằng bảo hộ

3. Tài liệu xác nhận việc sửa đổi tên, địa chỉ của chủ Văn bằng bảo hộ – 01bản

4. Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ phương án KDCN cần loại bỏ – 02 bộ

5. Mẫu nhãn hiệu hàng hoá đã sửa chữa – 10 bản

6. Chứng từ nộp lệ phí – 01 bản

 

G. Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ:

1. Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ (làm theo mẫu) – 02 bản

2. Bản gốc Văn bằng bảo hộ

3. Chứng từ nộp lệ phí – 01 bản

 

H. Đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp:

1. Tờ khai đề nghị đăng ký Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (làm theo mẫu) – 02 bản

2. Bản gốc hoặc bản sao Hợp đồng chuyền giao, kể cả phụ lục (nếu có); nếu Hợp đồng làm bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch có xác nhận Công chứng – 02 bản

3. Bản gốc Văn bằng bảo hộ (đối với trường hợp chuyển giao quyền sở hữu đối tượng SHCN);hoặc bản sao Văn bằng bảo hộ (đối với trường hợp chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN), nếu Hợp đồng cần đăng ký là hợp đồng li-xăng thứ cấp thì phải kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng li-xăng độc quyền trên thứ cấp tương ứng. – 01 bản

4. Văn bản đồng ý của các chủ sở hữu chung về việc chuyển giao quyền nếu quyền SHCN tương ứng là chủ sở hữu chung; hoặc nếu không đạt được điều thoả thuận nói trên thì phải có văn bản giải trình lý do của việc không đồng ý của số chủ sở hữu chung còn lại – 01 bản

5. Giấy phép kinh doanh của bên nhận (bản sao có công chứng) – 01 bản

6. Chứng từ nộp lệ phí – 01 bản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây