Trong khuôn khổ Dự án V2WORK (*) tọa đàm “Gắn kết đào tạo, nghiên cứu với nhu cầu doanh nghiệp” được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều cựu sinh viên là lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp…., như cựu sinh viên Phạm Thế Duyệt – Nguyên thường trực Bộ chính trị, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cựu sinh viên Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS Võ Sỹ Nam - thành viên Viện nghiên cứu Big Data thuộc Tập đoàn Vingroup…
Cựu sinh viên Phạm Thế Duyệt – Nguyên thường trực Bộ chính trị tham dự toạ đàm (Ảnh: Ninh Nam)
Báo cáo tại tọa đàm, PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhiều năm qua, hợp tác của nhà trường với các doanh nghiệp phát triển khá tốt. Về hình thức kết nối, có 65% là hợp tác liên quan đến tuyển dụng, 35% là hoạt động liên quan đến đăng ký thông tin về tuyển dụng; 30% liên quan dến tổ chức các hội thảo về việc làm. Hình thức tham quan, thực tập sinh viên vẫn còn khiêm tốn với tỷ lệ 20%. Còn lại, 10% liên quan đến trao học bổng và 5% là các hình thức kết nối khác. Gần dây, có doanh nghiệp đã bắt đầu tài trợ cho học viên cao học của nhà trường. Trong tương lai sẽ có thêm học bổng của doanh nghiệp dành cho cho sinh viên.
Khảo sát của Phòng Công tác sinh viên của trường về kiến thức, kĩ năng cho thấy, về cơ bản, sinh viên có kĩ năng, kiến thức, khả năng ngoại ngữ, tin học… cơ bản đáp ứng yêu cầu, dù tỷ lệ khá, giỏi… khác nhau. “Việc khảo sát không chỉ phục vụ công tác đào tạo của nhà trường, công khai thông tin đến người học mà còn nhằm suy ngẫm trong vấn đề hợp tác với doanh nghiệp, để làm sao sinh viên ra trường có cơ hội việc làm tốt hơn, mức thu nhập cao hơn” – PGS Trần Văn Tớp cho hay.
Hiện nay, 100% sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau 6 tháng tốt nghiệp bắt buộc phải khảo sát; từ đó nhà trường có được con số khá tốt về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, lĩnh vực mà sinh viên làm việc. Cụ thể, theo khảo sát năm 2018-2019, sau 6 tháng tốt nghiệp, 73% sinh viên đã có nơi nhận, 11% sinh viên có triển vọng được nhận, 3% có triển vọng đi học tiếp, 8% chưa đi tìm việc làm, 2% đã có nơi tiếp nhận học tiếp…
Với sự chủ trì của Chủ tịch mạng lưới Cựu sinh viên Nguyễn Quân, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn và Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp, buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các cựu sinh viên đang giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các tập đoàn, công ty, chia sẻ kinh nghiệm về việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu với nhu cầu doanh nghiệp; những góc nhìn riêng về việc đào tạo, đề xuất các giải pháp để sinh viên, giảng viên nhà trường bổ sung thêm những kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Đặc biệt là ý kiến nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp góp sức cùng nhà trường trong công tác đào tạo đã nhận được tràng vỗ tay tán thành của toàn bộ khách mời tham dự.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu rõ chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp; sự hỗ trợ này càng quan trọng trong bối cảnh trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ. Đây cũng là trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp cần nhận thấy. Những hỗ trợ này có thể thông qua việc phối hợp xây dựng chương trình đào tạo; tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập; cấp học bổng; tạo điều kiện tuyển dụng sinh viên, học viên nhà trường tốt nghiệp; trở thành giảng viên parttime của nhà trường – nếu có kĩ năng sư phạm tốt - giúp nhà trường trong việc đưa thông tin mới, kiến thức mới về sản xuất kinh doanh vào trong hệ thống chương trình đào tạo…
Được biết, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang có ý định thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp cho sinh viên và cán bộ trẻ nhà trường. Mạng lưới cựu sinh viên đang kêu gọi các cựu sinh viên thành đạt tham gia đầu tư vào quỹ này.
Kết luận chính đạt được:
Trường ĐH cần kiên định với việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo trong đó cần trang bị thêm các kỹ năng cho sinh viên như: Kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình, Đạo đức kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp,..
Doanh nghiệp sẽ chung tay cùng Trường trong quá trình đào tạo: tiếp nhận sinh viên thực tập, tham gia đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, cử chuyên gia đến thỉnh giảng, tham gia các hoạt động truyền cảm hứng và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, tổ chức Jobfair, tham gia đóng góp xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, cấp học bổng,...
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác R&D giữa doanh nghiệp và Nhà trường, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên.
(*) Dự án "Nâng cao hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nhằm tăng cơ hội việc làm và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường" (Strengthening the Vietnamese Higher Education System to improve graduates’ employability and entrepreneurship skills), viết tắt là V2WORK được điều phối bởi Trường Đại học Alicante (Tây Ban Nha).
Tác giả: Phòng Công tác Sinh viên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn