Chuyên gia nhận định ngành dệt may và da giày chuyển mình sau Covid-19

Thứ năm - 14/01/2021 23:05

Ngành dệt, may và da giày Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khi chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn và các thị trường nhập khẩu đóng cửa. Nhưng mặt khác, Covid-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng tỉ lệ nội địa hóa và thay đổi tư duy về chuyển đổi số.

Các chuyên gia tham dự Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Dệt, May & Da Giày lần thứ 2 tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 15/1 đều đánh giá các doanh nghiệp ngành dệt, may và da giày đã nhanh chóng thích ứng và tìm kiếm cơ hội phát triển trong khủng hoảng Covid-19.

‘Thời thế tạo anh hùng’

Trong năm 2020, do tác động của dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị cắt ngắn. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải quay trở lại thị trường trong nước để tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu. “Tỉ lệ nội địa hóa của ngành nhờ vậy đã tăng thêm 2%,” TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo chuyên gia này, trong nhiều năm qua, nguồn vải của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài với tỉ lệ khoảng 65% từ Trung Quốc, 30% từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may là 39 tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu lên tới 22,3 tỷ USD.

Mặc dù số liệu thống kê cho thấy doanh thu xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2020 giảm hơn 12% xuống còn 34,5 tỷ USD so với năm 2019 nhưng giá trị nội địa hóa tăng lên tới 19 tỷ USD, tương đương 55% tổng kim ngạch cả năm. “Nếu so với tỉ lệ 15% của ngành điện tử và viễn thông, tỉ lệ nội địa hóa 55% của ngành dệt may cao hơn rất nhiều,” TS. Hoàng Xuân Hiệp nhận xét.

PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tham dự Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Dệt, May và Da Giày lần thứ 2 tổ chức vào ngày 15/1 tại Thư viện Tạ Quang Bửu. Ảnh: Duy Thành.  

Bên cạnh đó, phát biểu tại hội thảo, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng với lợi thế của một quốc gia sản xuất dệt may, da giầy hàng đầu thế giới, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội rất lớn” khi các hiệp định tự do thương mại, bao gồm Hiệp định xuyên Thái Bình Dương CPTPP và hiệp định EVFTA ký với Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên, để hưởng mức thuế suất 0% vào thị trường châu Âu từ mức trung bình 17% hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, nghĩa là phải dùng vải sản xuất nội địa hoặc vải nhập khẩu từ EU và các nước có hiệp định thương mại tự do với cả Việt Nam và EU.

Nhằm tối đa hóa lợi ích thu được từ các hiệp định tự do thương mại, ngành dệt may sẽ phải chú trọng phát triển công nghiệp dệt, nhuộm và công nghiệp phụ trợ để nâng dần tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

PGS. Huỳnh Đăng Chính dự đoán trong thời gian tới, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành sợi, dệt, nhuộm và may sẽ tăng cao. “Ngoài ra, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ,” Phó hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội nói, "sẽ quyết định sự phát triển bền vững của ngành."

Chuyển đổi số để phát triển bền vững

Theo dự đoán của công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PWC, Covid-19 có khả năng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển sang các hoạt động gia tăng giá trị thay vì tập trung vào công việc ở công đoạn cuối cùng của chuỗi giá trị sản xuất là “cắt, may và chỉnh sửa” như từ trước đến nay.

Để làm chủ các khâu có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào chuyển đổi số. Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam hiện đầu tư 3%-5% lợi nhuận sau thuế vào nghiên cứu và phát triển R&D, đặc biệt có doanh nghiệp đầu tư hơn 16%.

“Tuy nhiên, các trường hợp đầu tư mạnh vào R&D đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài”, TS. Hoàng Xuân Hiệp nêu ra thực tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là tư duy và nhận thức của lãnh đạo đối với chuyển đổi số. “Muốn là một chuyện, muốn và hành động là chuyện khác,” TS. Hoàng Xuân Hiệp nói.

TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, trình bày tham luận tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Dệt, May và Da Giày lần thứ 2 tổ chức ngày 15/1 tại Thư viện Tạ Quang Bửu. Ảnh: Tiến Được. 

Nghiên cứu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho thấy nhà máy sợi theo mô hình 4.0 giúp giảm 70% lao động và giảm năng lượng sử dụng tới 25%. Nhà máy dệt nhuộm 4.0 giảm 30% lao động, giảm 50% lượng nước sử dụng cho nhuộm và 50% năng lượng tiêu hao.

Ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn giúp ổn định chất lượng nhuộm và tăng tỷ lệ nhuộm chính xác. Trước đây, tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu chỉ từ 70% thì nay nhờ công nghệ, tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu có thể lên tới 98%.

Một ứng dụng quan trọng khác của công nghệ 4.0 là công nghệ in 3D giúp việc định hình từng sản phẩm một cách hiệu quả trong khâu thiết kế.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2025, tỉ lệ máy móc thay thế con người trong ngành dệt may ở Mỹ là 40%, còn với các nước đang phát triển như Việt Nam, tỉ lệ này là hơn 10%.

PGS. Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt May - Da Giày và Thời Trang, phát biểu tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Dệt, May và Da Giày lần thứ 2 tổ chức vào ngày 15/1 tại Thư viện Tạ Quang Bửu. Ảnh: Duy Thành. 

Trước thay đổi nhanh chóng của công nghệ, Viện trưởng PGS. Phan Thanh Thảo cho biết Viện Dệt May - Da giày và Thời trang thuộc Bách khoa Hà Nội đang đào tạo nhân lực chất lượng cao theo đúng quy trình khép kín của chuỗi cung ứng ngành với chương trình học bắt kịp với xu thế của thế giới.

Viện đào tạo từ ngành dệt cho đến xử lý hóa học vật liệu dệt bao gồm chuyên ngành nghiên cứu các tính năng đặc biệt cho vật liệu. Đi dần lên trên chuỗi giá trị là ngành công nghệ may và thiết kế kỹ thuật để tạo ra triển khai các bộ sưu tập thời trang trong sản xuất công nghiệp. Cuối cùng là chuyên ngành đào tạo nhân lực để tổ chức sản xuất hàng loạt trên dây chuyền công nghiệp.

Lợi thế cạnh tranh của các cử nhân và kỹ sư tốt nghiệp từ Viện là kết nối, tích hợp được vật liệu công nghệ cao với thiết kế thời trang công nghiệp và triển khai sản xuất hàng loạt,” Viện trưởng Phan Thanh Thảo chia sẻ.

Viện Dệt may - Da Giầy và Thời trang là cơ sở đào tạo số 1 về nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may Việt Nam từ năm 1956. Viện là cơ sở duy nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành công nghệ dệt may; cử nhân, kỹ sư ngành công nghệ da giày. 

Theo PGS. Phan Thanh Thảo, Bách khoa Hà Nội hướng tới việc đào tạo nhân lực làm chủ chuỗi giá trị của ngành và lấy kỹ thuật, khoa học, công nghệ làm gốc. Phó giáo sư dẫn ví dụ rằng nhà khoa học của Viện Dệt May - Da giày và Thời trang đang triển khai nhiều dự án nghiên cứu vật liệu mới như vật liệu nano.

“Vật liệu là một trong những hướng đi cao nhất trong chuỗi giá trị,” TS. Hoàng Xuân Hiệp khẳng định. Ông cũng nhấn mạnh rằng điều đó cho thấy “chúng ta đang dần làm chủ được những khâu khó nhất, những khâu mang nhiều giá trị thặng dư nhất trong chuỗi cung ứng.”

 “Nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là trụ cột mang tính quyết định cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong tương lai vì giá trị gia tăng của sản phẩm đến từ chính giá trị trí tuệ của con người,” Viện trưởng Viện Dệt May - Da giày và Thời trang kết luận.

Hồng Hạnh

 

 

Tác giả: Phạm Hồng Hạnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây