Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng để thúc đẩy phát triển Kinh tế tuần hoàn

Thứ năm - 28/01/2021 21:32

TS. Bùi Thị Ngọc Thủy, Phó trưởng Phòng Hợp tác Đối ngoại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Hội nghị ngày 29/01. Ảnh: Kim Chi

 

Góp phần ủng hộ việc thúc đẩy phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xác định giải quyết các thách thức về môi trường là một trong những trọng tâm nghiên cứu của Trường giai đoạn 2020 - 2025.” TS. Bùi Thị Ngọc Thủy, Phó trưởng Phòng Hợp tác Đối ngoại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Hội nghị tổng kết dự án “Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn: Thúc đẩy Nghiên cứu đa ngành, nâng cao năng lực và khả năng lãnh đạo”, và Seminar chuyên đề về Thúc đẩy phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam được tổ chức ngày hôm nay tại Khách sạn Pullman, Hà Nội. 

 

Dự án được tài trợ bởi Quỹ Newton (Hội đồng Anh đại diện) hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Aston (Vương quốc Anh).

 

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. 

 

Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái sản xuất và tái chế nhằm tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.

 

PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Hội nghị ngày 29/01. Ảnh: Kim Chi

 

Tại Hội thảo, Phó trưởng Phòng Hợp tác Đối ngoại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, TS. Bùi Thị Ngọc Thủy phát biểu: “Hiện nay, sự tăng trưởng của các quốc gia đang bị hạn chế bởi những vấn đề ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đang hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.”

 

Dự án này nhằm xây dựng Trung tâm tri thức đầu tiên về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam để trang bị kỹ năng và kiến ​​thức cần thiết cho các doanh nghiệp (tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ), sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam thông qua tái thiết kế quy trình kinh doanh, chuyển đổi tổ chức, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.

 

Các hoạt động dự án đã thực hiện được bao gồm: Thiết kế và phát triển Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn, thiết kế các chương trình đào tạo và xây dựng các học phần điện tử và phát triển Hệ thống Hỗ trợ Quyết định tự động dựa trên web.

 

Những kết quả của dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp các sáng kiến và các công cụ hữu ích cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và cho các chiến lược của chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

 

Được xem là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học môi trường, “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xác định giải quyết các thách thức về môi trường là một trong những trọng tâm nghiên cứu của Trường giai đoạn 2020 - 2025.” TS. Thủy khẳng định.

 

Cũng trong Hội thảo, PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra những so sánh, tác động vòng đời một số sản phẩm thay thế và tiếp cận Kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy và ngành nhựa.

 

Trần Trang

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây