Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 24/05/2023 23:03
Không khó để nhìn thấy niềm vui trên gương mặt của những cựu giáo chức trong ngày hội tụ “Lễ mừng thọ Hội cựu giáo chức 2023”, một sự kiện hết sức ý nghĩa và tràn đầy cảm xúc dành cho các Hội viên cao tuổi.
Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/05/2023, hội Cựu giáo chức của Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức chương trình “Lễ mừng thọ Hội cựu giáo chức 2023”. Đây cũng chính là dịp để các thầy cô giáo đã nghỉ hưu trong Hội có cơ hội được gặp mặt, giao lưu và đón nhận tình cảm tri ân nồng hậu từ Ban lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và những người con Bách khoa thế hệ ngày nay.
Tại buổi lễ, Hội cựu giáo chức Đại học Bách khoa Hà Nội tự hào khi có 246 hội viên được mừng thọ. Trong đó, 47 hội viên 90 và trên 90 tuổi; 46 hội viên 85 tuổi; 55 hội viên 80 tuổi; 59 hội viên 75 tuổi; 39 hội viên 70 tuổi.
Người thầy gắn bó phần lớn cuộc đời với 2 chữ “Bách khoa”
Gắn bó với Bách khoa hơn sáu mươi năm, tại buổi Lễ mừng thọ hôm ấy, thầy giáo Trần Đình Long (85 tuổi) rưng rưng nước mắt khi được đón nhận những tình cảm vô cùng đặc biệt từ Đại học Bách khoa Hà Nội: “Tôi thực sự rất tự hào. Bách khoa bao nhiêu năm tuổi là bấy nhiêu năm tôi gắn bó với nhà trường”.
Bắt đầu từ một chàng sinh viên Khóa 1, sau đó ở lại Trường làm giảng viên, ông từng giữ nhiều chức vụ quản lý như trưởng khoa Điện - Điện tử, Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
GS. Trần Đình Long không thể giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhớ về những kỷ niệm gắn bó với mái nhà Bách khoa: “Tôi luôn tự hào rằng số phận của mình gắn liền mật thiết với Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Nhớ về những ngày thầy mới bước vào trường, khi ấy những ngôi nhà tầng duy nhất chỉ là 4 tòa A,B,C,D. Thầy cho biết, cho đến nay, cơ ngơi của nhà trường đã thay đổi rất nhiều. GS. Trần Đình Long phấn khởi với những mục tiêu của nhà trường khi được lắng nghe chia sẻ từ ban lãnh đạo tại buổi lễ về kế hoạch phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội. “Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một cơ ngơi rất khang trang, to lớn phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của nhà trường”, thầy cho biết.
Điều khiến ông cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng nhất là luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo cuộc sống tinh thần từ nhà trường mặc dù đã về hưu 15 năm nay. Bách khoa luôn mở rộng vòng tay để hỗ trợ và phát triển các hoạt động của Hội cựu giáo chức nói chung, của các cán bộ, giảng viên cao tuổi nói riêng.
Buổi lễ mừng thọ chính là một minh chứng cho tình cảm ấy. Ông cũng hy vọng những hoạt động sau này của Hội cựu giáo chức Bách khoa sẽ ngày càng rộng lớn, chăm lo được nhiều hơn cuộc sống tinh thần, vật chất của các thầy cô giáo đã về hưu.
“Với tinh thần phát triển của Nhà trường, tôi mong muốn Đại học Bách khoa Hà Nội luôn giữ vững được vị trí trong tốp đầu các trường đại học tại Việt Nam và có ảnh hưởng và danh tiếng cao trong khu vực.” - thầy giáo Trần Đình Long xúc động chia sẻ.
Niềm tự hào về thế hệ học trò Bách khoa Hà Nội
Người đặt nền móng cho bộ môn Thiết bị Điện (ngành máy Điện) được nhà nước công nhận là đơn vị anh hùng của ngành giáo dục những năm 60 - thầy giáo Vũ Gia Hanh (94 tuổi) tự hào chia sẻ về thế hệ học trò vô cùng tài giỏi, đặc biệt là cô sinh viên Nguyễn Thị Nguyệt đã thiết kế chế tạo thành công máy biến áp 500kV đầu tiên ở Việt Nam.
Khi đất nước mới giải phóng, chỉ có đường dây trung áp 35kV nối Hà Nội - Hải Phòng - Hòn Gai, nhờ quá trình học tập và đào tạo của bộ môn, nữ kỹ sư ấy đã tự thiết kế các loại máy biến áp 100kV - 200kV - 500kV. Tuy cô sinh viên không có cơ hội đi nước ngoài nhưng cô đã chủ trì tất cả những sửa chữa của máy biến áp nước ngoài lúc bấy giờ.
“Học trò của tôi đã nhận được danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và 2 giải thưởng của Phụ nữ trí tuệ quốc tế. Người ta gọi nữ kỹ sư ấy là Người phụ nữ vàng của ngành Điện” - thầy giáo chia sẻ trong niềm cảm xúc đầy hãnh diện.
Cuộc đời đầy tự hào của người thầy Vũ Gia Hanh tại Bách khoa bắt đầu từ sự thành công trong sự nghiệp trồng người gắn liền với thế hệ học trò vô cùng giỏi giang, đóng góp những công lao to lớn cho sự nghiệp Điện khí hóa của Việt Nam.
Lắng nghe những viễn cảnh mở rộng của nhà trường, thầy giáo 94 tuổi không giấu nổi niềm tự hào khi Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học đầu tiên được ghi danh trên thế giới. “Tôi tin tưởng rằng những người con Bách khoa thế hệ sau này sẽ phát triển mạnh mẽ danh tiếng của nhà trường, đóng góp lớn cho sự nghiệp chung của đất nước”, thầy giáo Vũ Gia Hanh chia sẻ niềm tin sâu sắc với thế hệ Người Bách khoa kế cận.
Quyết tâm theo đuổi đam mê kỹ thuật tại Bách khoa của một giáo viên dạy Toán
“Tại tuổi 91 năm nay, tôi may mắn vì được tham gia Lễ mừng thọ Hội cựu giáo chức khá nhiều lần, mỗi dịp này là cơ hội cho tôi được gặp gỡ bạn bè và cùng trò chuyện về những kỷ niệm đáng nhớ ngày xưa.” - Thầy giáo Nguyễn Văn Ba (chi hội Công nghệ thông tin) tâm sự.
Buổi Lễ mừng thọ đầy cảm xúc đã tạo cơ duyên trò chuyện cùng thầy Nguyễn Văn Ba ôn lại những ký ức về những “ngã rẽ” cuộc đời đầy đặc biệt của một thầy giáo dạy Toán.
Kể về thuở ban đầu giảng dạy bộ môn Toán học tại các trường phổ thông, trung cấp, thầy luôn cho rằng ngành Toán không phải là ngành nghề tương lai của bản thân mình. Ấp ủ niềm đam mê ngành Kỹ thuật, thầy chần chừ chờ đợi một trường đại học tại Việt Nam đào tạo về kỹ thuật. Khi đó, Đại học Bách khoa - ngôi trường đào tạo về kỹ thuật đầu tiên đã ra đời, bù đắp lại sự mong mỏi từ niềm đam mê của một chàng trai trẻ lúc bấy giờ.
“Tôi đã lỡ hẹn với Bách khoa mất 1 năm bởi trường học tôi đang giảng dạy bộ môn Toán không cho tôi đi, sau đó tôi cũng đã trở thành sinh viên Khóa 2 theo học ngành Điện của trường” - thầy giáo bộc bạch.
Sau 2 năm theo học tại ngành Điện, nhà trường nhận thấy tiềm năng môn Toán học của thầy nên đã đưa thầy về bộ môn Toán để có thể trau dồi kiến thức bộ môn phục vụ cho công việc giảng dạy lúc bấy giờ.
Không chỉ dừng lại ở bộ môn Toán học, niềm đam mê của thầy đã tạo một sợi dây đặc biệt kết nối đến những thành công tại bộ môn Công nghệ thông tin và máy tính. Khởi nguồn sự thành công đó, thầy giáo Nguyễn Văn Ba là 1 trong 4 người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Công nghệ thông tin nước nhà được phong chức Phó giáo sư vào năm 1980.
PGS. Nguyễn Văn Ba tự hào chia sẻ dấu ấn của trường đại học tiên phong về ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam: “Bách khoa bắt đầu dạy Công nghệ thông tin từ những năm 1972, tiên phong trước các trường đại học trong nước 15 năm.” Có thể nói, những cán bộ đầu tiên xây dựng và công tác trong ngành lúc bấy giờ đều có xuất phát điểm từ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Khi được hỏi về sự khác biệt về ngành Công nghệ thông tin ngày xưa và bây giờ, thầy Ba đã kể lại về những sự thay đổi to lớn về những thiết bị trong ngành: “Máy tính ngày đó chiếm một phòng với diện tích 120 mét vuông. Đến bây giờ, máy tính hiện đại có kích thước nhỏ gọn nhưng lại vô cùng thông minh. Một ổ đĩa khi đó nặng mấy chục cân, người khỏe mới có thể nâng được chứ không được như bây giờ.”
Với sự phát triển công nghệ toàn cầu, những bước đi chập chững đầu tiên trong ngành Công nghệ thông tin cũng rất đặc biệt đối với người thầy 91 tuổi của Bách khoa - người đã đóng góp vào quá trình xây dựng nền móng của một ngành học vô cùng quan trọng của đất nước.
Gửi gắm lời chúc tới Hội cựu giáo chức và Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Ba đã chia sẻ với ánh mắt tràn đầy hy vọng: “Tôi mong rằng Hội ngày càng phát triển, quy tụ thêm nhiều thế hệ để cùng phát huy thế mạnh của người Bách khoa. Đặc biệt, tôi mong rằng ngành Công nghệ thông tin của Bách khoa sẽ thu hút thêm những nhân tài trẻ cùng đóng góp vào sự phát triển công nghệ chung của đất nước.”
Một vài hình ảnh tại Buổi lễ mừng thọ Cựu giáo chức Đại học Bách khoa Hà Nội: