Trò chuyện cùng Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội

Thứ hai - 05/06/2023 06:54
PGS. Chu Kỳ Sơn - Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống,  Đại học Bách khoa Hà Nội
PGS. Chu Kỳ Sơn - Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội
Là 1 trong 2 trường được Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội ký quyết định thành lập vào tháng 3/2023, Trường Hóa và Khoa học sự sống (SCLS) đang trong giai đoạn kiện toàn tổ chức. Dự kiến đến tháng 7/2023, mô hình quản lý mới của Trường sẽ được triển khai. Trao đổi cùng Trang Thông tin điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. TS. Chu Kỳ Sơn - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Hóa và Khoa học sự sống - rất tâm huyết chia sẻ về định hướng phát triển và kế hoạch triển khai trong thời gian tới của Trường với cụm từ khóa: ĐOÀN KẾT - THỐNG NHẤT – HỢP TÁC – PHÁT TRIỂN.  

Trường Hóa và Khoa học sự sống - Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 viện gồm: Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên.

Trường Hóa và Khoa học sự sống đào tạo những ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật chủ đạo, mang tính bền vững

- Thưa thầy, có thể hình dung về chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu của Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội là như thế nào? Sinh viên sẽ được học tập trong môi trường ra sao?

* Trường Hóa và Khoa học sự sống đào tạo trong các ngành Hóa học, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật thực phẩm, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường. Đây là những ngành vốn gần nhau về kiến thức cơ sở ngành, thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật chủ đạo, mang tính bền vững.

Trường Hóa và Khoa học sự sống triển khai nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu định hướng ứng dụng và nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực hóa và khoa học sự sống (Sinh học, Thực phẩm và Môi trường) góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội cũng như hội nhập của đất nước.

 Sinh viên của trường được học tập và làm việc với đội ngũ giảng viên và cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ cao với 92,8% giảng viên có học vị tiến sĩ và 36,9% giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhiều chương trình đào tạo của Trường đã được các tổ chức quốc tế như Tổ chức Đảm bảo chất lượng các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA) đánh giá và công nhận.

Sinh viên có rất nhiều cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các phòng thí nghiệm (PTN), trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ được trải nghiệm và thực tập tại nhiều doanh nghiệp, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, sinh viên được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để nâng cao trình độ ngoại ngữ, hoàn thiện kỹ năng mềm, phát triển tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Sinh viên có nhiều cơ hội nhận học bổng từ Đại học Bách khoa Hà Nội, từ các tổ chức và doanh nghiệp.

Đặc biệt các sinh viên xuất sắc, sinh viên thuộc các chương trình tiên tiến (ELITECH) còn được ưu tiên xét học bổng trao đổi, thực tập với các đối tác quốc tế.

- Có ý kiến cho rằng hiện tại, không có một nghiên cứu nào là không liên ngành, không có sự kết hợp giữa các ngành không thể nghiên cứu khoa học, cho ra những sản phẩm hữu ích được. Thầy đánh giá gì về nhận định này và điều đó có ý nghĩa gì không với sự sáp nhập 4 đơn vị thành Trường Hóa và Khoa học sự sống?

* Xu hướng tất yếu trong nghiên cứu phát triển công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là liên ngành và theo chuỗi giá trị.

Chính vì vậy, Trường Hóa và Khoa học sự sống được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị nhằm phát huy tính cộng hưởng và tối ưu hóa các nguồn lực đặc biệt là con người để triển khai hiệu quả hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ tạo ra những sản phẩm, giải pháp giá trị mang tính đột phá, từ đó tác động tích cực và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tự hào nguồn nhân lực mạnh là động lực then chốt để phát triển Trường Hóa và Khoa học sự sống

- Là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Hóa và Khoa học sự sống, nhìn thấy trước là thầy sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, thầy có thể cho biết thầy chuẩn bị tâm thế như thế nào để đảm nhận nhiệm vụ này? Phương châm trong hoạt động của Trường là gì, thưa thầy?

* Tôi rất vinh dự và tự hào là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Hóa và Khoa học sự sống, tôi xin trân trọng cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc và Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã tin tưởng giao cho tôi nhiệm vụ quan trọng này, trân trọng cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của tập thể lãnh đạo các đơn vị hợp thành: Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên cùng Tổ công tác xây dựng đề án thành lập trường.

Tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn trước Đảng ủy, Ban Giám đốc, Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Hóa và Khoa học sự sống. Tôi xin hứa sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Trường tập trung trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm; phát huy tinh thần ĐOÀN KẾT - THỐNG NHẤT – HỢP TÁC – PHÁT TRIỂN. Chúng tôi sẽ luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Trường.

Trường cần phát huy tối đa các thế mạnh truyền thống của 4 đơn vị về đào tạo, NCKH, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác đối ngoại đã đạt được trong 67 năm qua.

Với tinh thần ĐOÀN KẾT - THỐNG NHẤT – HỢP TÁC – PHÁT TRIỂN, tập thể lãnh đạo Trường cùng toàn thể các thầy cô trong Trường tập trung phát huy sức mạnh cộng hưởng từ nguồn nhân lực chất lượng cao với 225 giảng viên và cán bộ trong đó tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đạt 92,8%, giảng viên có học hàm Giáo sư và Phó giáo sư đạt 36,9%, đứng hàng đầu trong Đại học Bách khoa Hà Nội và cả nước. Đây là nguồn lực vô cùng to lớn và là động lực then chốt cho sự phát triển của Trường trong tương lai.
CBO 0096
PGS. Chu Kỳ Sơn: Một trong những mục tiêu của Trường Hóa và Khoa học sự sống là ứng dụng chuyển đổi số và mô hình quản trị tiên tiến của Đại học Bách khoa Hà Nội mang tính đặc thù của lĩnh vực Hóa và Khoa học sự sống trong mọi mặt hoạt động của Trường.
Học Trường Hóa và Khoa học sự sống, sinh viên mở rộng cơ hội việc làm

- Với góc độ của sinh viên, người học, việc sáp nhập các Viện chuyên ngành gần để thành lập Trường Hóa và Khoa học sự sống được hiểu là một chủ trương của Đại học. Tuy nhiên, điều mà sinh viên băn khoăn là cơ hội thực tập, cơ hội thực hành, cơ hội việc làm…  của sinh viên có tốt hơn so với việc các em được đào tạo tại các đơn vị đơn lẻ trước đây? Chất lượng đào tạo có được nâng lên, phù hợp với yêu cầu nhân lực của các doanh nghiệp về các kỹ sư, cử nhân tương lai, thưa thầy?  

* Thành lập Trường Hóa và Khoa học sự sống trên cơ sở sáp nhập 4 viện đào tạo và nghiên cứu nhằm tái cấu trúc, quy hoạch và sử dụng tối ưu nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu) là chủ trương quan trọng trong lộ trình phát triển của Trường và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việc quy hoạch và tập hợp trang thiết bị phục vụ đào tạo theo nhóm ngành, trang thiết bị thí nghiệm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu; tối ưu hóa sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm hiện đại sẵn có sẽ giúp cho sinh viên, người học có nhiều cơ hội được thực hành, thực tập, được đào tạo công nghệ lõi, chuyên sâu cũng như ứng dụng và triển khai trong thực tế, qua đó sẽ mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Sinh viên tốt nghiệp Trường Hóa và Khoa học sự sống có nhiều cơ hội làm việc với mức lương cạnh tranh trong các doanh nghiệp trong nước, liên doanh, FDI, các cơ quan quản lý nhà nước các bộ, sở ngành; giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực hóa và khoa học sự sống … với vị trí nghiên cứu phát triển kỹ thuật, phát triển công nghệ, phát triển thiết bị sản xuất; thiết kế, vận hành và điều khiển dây chuyền sản xuất, tổ chức và điều hành sản xuất, quản lý công nghệ và chất lượng; tư vấn, đầu tư, chuyển giao công nghệ…

Cơ hội và thách thức của Trường Hóa và Khoa học sự sống

- Xin thầy cho biết định hướng phát triển và mục tiêu chiến lược của Trường Hóa và Khoa học sự sống trong thời gian tới?

* Định hướng phát triển của Trường Hóa và Khoa học sự sống từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là hợp phần quan trọng trong định hướng phát triển của Đại học Bách Khoa Hà Nôi với 3 lợi thế được thể hiện qua Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ:

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung Nghị quyết chỉ rõ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước.

Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung của Nghị quyết chỉ rõ Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong hai cơ sở giáo dục ĐH được đầu tư tập trung, trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo chất lượng cao cho vùng và cả nước. Nghị quyết số 30 đã chỉ rõ vai trò rất quan trọng của Đại học Bách khoa Hà Nội gắn chặt với sự phát triển của Hà Nội và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ngày 08/02/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 14 đã “đặt hàng” giai đoạn 2023-2025 phải xây dựng Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm các cơ sở Giáo dục Đại học hàng đầu châu Á trình Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là cơ hội vô cùng to lớn, đồng thời vừa là thách thức của Đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó có Trường Hóa và Khoa học Sự sống.

Như vậy, định hướng phát triển dài hạn của Trường tập trung vào lĩnh vực Hóa và Khoa học sự sống, là hợp phần trong định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội trong đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, và chuyển giao công nghệ, gắn chặt với sự phát triển của TP. Hà Nội và khu vực đồng bằng sông Hồng và hướng tới nhóm các cơ sở Giáo dục Đại học hàng đầu châu Á.

Hai mục tiêu chiến lược của Trường Hóa và Khoa học sự sống là:

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao hàng đầu của Việt Nam phục vụ phát triển ngành hóa và khoa học sự sống với định hướng tích hợp, liên ngành đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;

Triển khai nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu định hướng ứng dụng và nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực hóa và khoa học sự sống cũng có uy tín trong nước, khu vực và thế giới góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội cũng như hội nhập của đất nước.

Cận cảnh mục tiêu cụ thể của Trường Hóa và Khoa học sự sống trong giai đoạn tới

- Xin thầy cho biết một số mục tiêu cụ thể của Trường Hóa và Khoa học sự sống trong giai đoạn tới sẽ là như thế nào, thưa thầy?

* Trong giai đoạn tới, Trường cần phát huy tối đa các thế mạnh và thành tựu mà 4 đơn vị đã đạt được trong suốt 67 năm về đào tạo, NCKH, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác đối ngoại, cụ thể:

Về Đào tạo:

Xây dựng các chương trình đào tạo mới mang tính liên ngành, tập trung vào các chương trình đào tạo ELITECH; 

Xây dựng các giải pháp tuyển sinh đại học và sau đại học mang tính đột phá để tuyển đủ chỉ tiêu và tuyển được nhiều sinh viên giỏi và phù hợp.

Về Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ:

Quy hoạch và xây dựng hệ thống PTN, trung tâm nghiên cứu gắn với quy hoạch và xây dựng cơ sở vật chất theo định hướng phát triển của Trường và Đại học Bách khoa Hà Nội;

Tập trung tăng công bố ISI với khối nghiên cứu cơ bản với kinh phí từ Quỹ NAFOSTED, đề tài KHCN, dự án hợp tác quốc tế;

Tập trung triển khai các đề tài NCKH ứng dụng, mang tính liên ngành đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của ngành Hóa, Sinh học, Thực phẩm, Môi trường với kinh phí từ doanh nghiệp, từ các đề tài, dự án của các Bộ ngành (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các Sở KHCN các tỉnh thành, các quỹ NCKH và đổi mới sáng tạo);

Tăng số lượng các sáng chế và giải pháp hữu ích, hình thành các start-up /spin-off.

Về Hợp tác đối ngoại:

Hợp tác với khối doanh nghiệp tại Việt Nam và mạng lưới cựu sinh viên: Tập trung khai thác và phát huy nguồn lực cộng hưởng đến từ Doanh nghiệp và Cựu sinh viên ngành hóa, sinh học, thực phẩm và môi trường với nguyên tắc hợp tác đôi bên cùng có lợi; Trường đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thông qua hỗ trợ sinh viên dưới dạng học bổng đề tài, dự án, thực tập tại doanh nghiệp; thực hiện các đề tài, dự án theo yêu cầu doanh nghiệp từ đó có nguồn thu ổn định cho hoạt động NCKH, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ của Trường và cải thiện thu nhập cho các cán bộ trong Trường;

Hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác với các đại học, viên nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trên thế giới thông qua các dự án đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, đồng thời hỗ trợ tích cực cho đào tạo sinh viên ELITECH và hướng tới môi trường quốc tế hóa tại Trường Hóa và Khoa học sự sống. 

Hợp tác đối ngoại sẽ là động lực quan trọng, tạo đột phá cho sự phát triển của Trường trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Về Quản trị:

- Ứng dụng chuyển đổi số và mô hình quản trị tiên tiến của Đại học Bách khoa Hà Nội mang tính đặc thù của lĩnh vực Hóa và Khoa học sự sống trong mọi mặt hoạt động của Trường.

- Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
 
Động lực then chốt để phát triển Trường Hóa và Khoa học sự sống là con người với 225 giảng viên và cán bộ trong đó tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đạt 92,8%, tỉ lệ giảng viên có học hàm giáo sư / phó giáo sư đạt 36,9% đứng hàng đầu trong Đại học Bách khoa Hà Nội và cả nước.
Gia Hân (thực hiện). Ảnh: Duy Thành

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây