Tại Triển lãm kỷ niệm 60 năm thành tựu khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (29 – 30/11/2019), gian hàng triển lãm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng công chúng tham quan, đặc biệt là những sản phẩm công nghệ lõi có sự hợp tác liên ngành, những sản phẩm từ trường ĐH ứng dụng trong cuộc sống nhờ cú bắt tay chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp, những sản phẩm có tính ứng dụng rất cao của sinh viên…
Cùng “điểm danh” một số sản phẩm công nghệ nổi bật của Trường ĐHBK Hà Nội tại sự kiện quy tụ các “anh tài” KHCN toàn quốc:
Chủ động công nghệ lõi
Tất cả khách tham quan triển lãm đều tỏ ra ngạc nhiên trước sản phẩm tàu ngầm Dolphin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Câu hỏi nhiều nhất là: Trường ĐH làm ra tàu ngầm? Sau cái gật đầu khẳng định là sự thán phục tính đột phá của sản phẩm, “chất xám” của các cán bộ, giảng viên nhà trường.
PGS. Trương Việt Anh giới thiệu sản phẩm với TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN
Được biết, ngay từ năm 2009, dù còn hạn hẹp về nguồn lực, đầu tư…nhà trường đã mạnh dạn đón đầu xu hướng với nhiều chương trình NCKH, trong đó có sản phẩm Thiết bị lặn không người lái Dolphin do PGS Trương Việt Anh làm chủ nhiệm chương trình. Đây là thành quả nghiên cứu liên 7 nhóm ngành: Nhóm Cơ khí động lực; Nhóm Thông tin dưới nước; Nhóm Vật liệu tiên tiến và cảm biến; Nhóm Tính toán, mô phòng, thiết kế; Nhóm điều khiển công suất và nguồn năng lượng; Nhóm nghiên cứu CNTT, mã hóa và xử lý tín hiệu; Nhóm nghiên cứu hệ định vị vệ tinh GPS. Sản phẩm có khả năng tự hành theo lập trình, phục vụ hiệu quả hoạt động quan trắc, quan sát, thu thập dữ liệu và giám sát dưới nước tại vùng biển nông, phục vụ ANQP và kinh tế biển, đảo.
Sản phẩm Giải pháp tổng hợp tiếng nói Tiếng Việt của TS Nguyễn Thị Thu Trang - giảng viên Viện CNTT&TT cùng các sinh viên cũng thu hút sự chú ý của người xem. Sản phẩm cho phép chuyển văn bản tiếng Việt thành giọng nói (Text-To-Speech). Tính nổi bật của sản phẩm chính là ý nghĩa nhân văn, mang lại nhiều tiện ích cho người khuyết tật, chính quyền và doanh nghiệp.
Nhiều bậc cha mẹ đã nán lại tại gian hàng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để hỏi thêm về sản phẩm khoa học công nghệ do PGS.TS Lã Thế Vinh – Trung tâm NAVIS, Trường ĐHBK Hà Nội nghiên cứu, giúp giám sát quá trình đón, trả học sinh và phát ra cảnh báo khi cần. Hệ thống Navimos ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ định vị vệ tinh giúp học sinh được cập nhật vị trí, thông tin gửi về cho phụ huynh và nhà trường để cùng giám sát, tránh xảy ra những sự cố ngoài ý muốn hay các nguy cơ mất an toàn.
GS. Hoàng Văn Phong - Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Nguyên hiệu trưởng ĐHBKHN - thăm gian hàng của Trường
Kết nối nghiên cứu với doanh nghiệp
Tại triển lãm, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tại Trường ĐHBK Hà Nội vượt ra khỏi quy mô của trường đại học và bước ra cuộc sống, đem lại hiệu quả tích cực và phát huy tốt vai trò của khoa học công nghệ trong thực tiễn. Đây là kết quả của sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Có thể kể đến nhóm sản phẩm thuộc “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”- Bộ Công thương - do PGS. TS Trương Quốc Phong – Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - làm chủ nhiệm đề tài. Người tiêu dùng có nhu cầu dễ dàng tìm mua Chế phẩm Coenzyme Q10 để bổ sung các vitamin cho cơ thể, giữ sự tươi trẻ, tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng... Hay các siêu thị, cửa hàng tiện ích rất hài lòng giới thiệu các chai nước mắm từ phụ mắm tôm, bột canh tôm nấm, trà đại mạch nảy mầm… đến khách hàng. Các sản phẩm đều đạt chuẩn theo quy định, được người tiêu dùng tin cậy.
Còn TS Nguyễn Thị Thu Trang lại quyết định thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải pháp công nghệ VBee - với nền tảng công nghệ cốt lõi là Text to Speech. Các chuyên gia Trường ĐHBK Hà Nội luôn tin tưởng công nghệ Text-To-Speech sẽ mang lại sự thay đổi và đóng góp lớn cho xã hội Việt Nam. Có thể thấy, yếu tố đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ góp phần làm ý tưởng khởi nghiệp thành công, các kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng trong thực tiễn.
Khơi lửa cho sinh viên khởi nghiệp, sáng tạo
Các cán bộ, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội không chỉ tạo ra những thành tựu cá nhân, thành tựu tập thể mà còn từng bước dẫn dắt các sinh viên sáng tạo khoa học. 2 dự án của sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội là “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục" và Dự án “Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc” góp mặt cùng thầy cô giáo tại triển lãm đã minh chứng cho điều đó.
2 dự án của sinh viên ĐHBK Hà Nội trước đó đã xuất sắc vượt qua gần 200 đội thi, lọt vào tốp 50 đội thi tốt nhất. Dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo” - SV Startup 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Được biết, hai dự án đều được kế thừa từ các “tiền bối Bách Khoa”. Như dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” được kế thừa từ PGS.TS Nguyễn Văn Vinh và TS Nguyễn Thị Kim Cúc – Phòng Thí nghiệm Quang cơ điện tử. Đề tài này có sự hợp tác giữa nhóm nghiên cứu của thầy Vinh chủ trì và nhóm nghiên cứu của thầy PGS. Ngô Duy Thìn Trường Đại học Y.
Còn đề tài “Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc” được nhóm SV kế thừa từ các anh chị Nghiên cứu sinh của Trường, trong đó phần thực nghiệm đã được cô Nguyễn Thị Kim Cúc thực hiện bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 1/2019. Có thể thấy sự tiếp nối các thế hệ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã mang lại niềm hứng khởi, sự tự tin, tính hiệu quả cho mỗi đề tài nghiên cứu.
Có thể thấy, dù còn không ít khó khăn về nguồn lực, hạn hẹp về đầu tư…, nhưng với đường hướng chỉ đạo đúng đắn từ Chính phủ, các cấp/ngành, phát huy truyền thống, thế mạnh vốn có, Trường ĐHBK Hà Nội đã chú trọng đón đầu xu thế nghiên cứu/phát triển của thế giới, tạo điều kiện cho các SV, giảng viên làm việc trong lĩnh vực R&D, phần mềm gắn kết với những lĩnh vực khác như Điện, Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí… trong mối liên hệ liên ngành. Để làm được điều này, Trường ĐHBK Hà Nội đã xây dựng chiến lược phát triển KH&CN trung và dài hạn, thường xuyên cập nhật thông qua việc xây dựng các chương trình nghiên cứu, mở rộng và nâng cao chất lượng các đề tài hướng sản phẩm công nghệ tiên tiến…
Tự hào về những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, GS.TS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội - khẳng định: Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục triển khai “mạch” nghiên cứu khoa học đang rất mạnh mẽ của nhà trường. Tuy nhiên, nếu có thêm những hỗ trợ về cơ chế chính sách, nguồn lực, đầu tư, chắc chắn nhiệm vụ này sẽ được thực hiện tốt hơn nữa, đem lại hiệu quả cho nhà nước, xã hội.
Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Trường ĐHBK đã đặc biệt tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, công bố khoa học trên tạp chí ISI của ĐHBK Hà Nội là 159, Tạp chí Scopus là 77, Tạp chí quốc tế khác là 41.
Mỹ Linh - Ảnh: Phương Nam
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn