Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ bảy - 13/01/2024 20:00
“Thú vị”, “bổ ích” và “thiết thực” là những tính từ mà các sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội miêu tả về trải nghiệm tham quan nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood.
Ngày 17/12/2023, 150 sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý tham gia sự kiện Tham quan doanh nghiệp tại nhà máy Nutifood, KCN Phố nối A – Hưng Yên. Đây là một trong những nội dung chính của học phần Nhập môn Quản trị kinh doanh của chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh, Viện Kinh tế quản lý, ĐHBK Hà Nội.
Sinh viên hiểu rõ hơn vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Chương trình Tham quan doanh nghiệp bắt đầu được đưa vào học phần từ năm 2017, khi Viện Kinh tế và Quản lý tiến hành điều chỉnh các chương trình đào tạo chuẩn đầu ra phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Trong chuyến tham quan, sinh viên được tìm hiểu cơ cấu tổ chức, chiến lược kinh doanh, hoạt động quản trị, văn hóa doanh nghiệp, bên cạnh cơ hội được tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất trong nhà máy để tìm hiểu các quy trình sản xuất, công nghệ cơ bản.
Theo PGS. Phạm Thị Kim Ngọc, Giám đốc chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh, hoạt động này giúp sinh viên hiểu rõ hơn được những vị trí công việc của ngành sau khi ra trường. “Những buổi chia sẻ này sẽ giúp sinh viên nhận thức rõ hơn những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần chuẩn bị để có thể làm việc tốt tại các doanh nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh thành công”, PGS. Kim Ngọc khẳng định.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình tổ chức hoạt động tham quan là phải kết nối với doanh nghiệp để đón tiếp số lượng sinh viên lớn. Đối với học phần nhập môn QTKD, số lượng sinh viên sẽ thường từ 100-150 sinh viên mỗi đợt.
Ngoài việc tổ chức các hoạt động tham quan doanh nghiệp cho sinh viên năm nhất, chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh dự định sẽ tổ chức thêm hoạt động tham quan doanh nghiệp cho những học phần cơ sở và cốt lõi ngành như quản trị nhân sự, marketing, quản trị sản xuất chuỗi cung ứng,… vào những năm học sau. Các buổi giao lưu, chia sẻ từ các diễn giả doanh nhân thành đạt cũng được chú trọng để tăng thêm kinh nghiệm thực tế và truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên.
Tìm hiểu doanh nghiệp, tự hào hơn về Người Bách khoa
Nguyễn Thu Hương, sinh viên Lớp Quản trị Kinh doanh 03 chia sẻ bản thân cảm thấy đã học được rất nhiều điều sau khi kết thúc chuyến đi, như cách quản lý một dây chuyền sản xuất hay những chính sách đãi ngộ người tài.
“Mặc dù dây chuyền sản xuất gần như là tự động hóa đến 90% nhưng cách làm việc của các nhân viên đều rất cẩn thận và chỉn chu để tránh những sự cố xảy ra”, Hương khẳng định bản thân cảm thấy rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ cách quản lý của những “bộ phận đầu não” của công ty. “Em rất tự hào khi biết 50% ban lãnh đạo là cựu sinh viên Bách khoa, những người có tầm nhìn và tư duy cực kì tốt”, cô sinh viên năm nhất khẳng định.
Một trong những dấu ấn của chuyến đi gây ấn tượng với các sinh viên là phòng Truyền thống của công ty. Lưu giữ kỉ niệm trong căn phòng Truyền thống giúp các sinh viên hiểu tầm quan trọng của việc tri ân quá khứ là tiền đề để phát triển tương lai. “Tôi cảm thấy sự ấm áp của công ty, không chỉ là nơi làm việc mà còn như một đại gia đình lớn”, Thu Hương cho biết.
Nguyễn Hoàng Dương, sinh viên lớp Quản trị Kinh doanh 02 thì cho rằng điều thú vị nhất sau chuyến tham quan là được tận mắt nhìn thấy những dây chuyền tự động hoá nghìn tỷ cùng kho hàng chứa tới hàng nghìn pallet. “Những chuyến tham quan này đưa một góc nhìn thực tế, hữu ích và rõ ràng hơn về ngành học”, Hoàng Dương hi vọng có thể tham gia nhiều hoạt động tương tự trong quá trình học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau chuyến đi, mỗi nhóm sinh viên cần hoàn thiện bài báo cáo nhóm tổng hợp các bài học và trải nghiệm thực tiễn. Hoạt động này cũng giúp các sinh viên thêm mở lòng và đoàn kết, tận dụng được nguồn trí tuệ tập thể.
Doanh nghiệp ấn tượng tư duy, tính ngăn nắp, kỷ luật của sinh viên Bách khoa
Anh Bùi Đăng Đạt, cựu sinh viên K54 của Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện là Trưởng phòng Quản lý chất lượng của công ty Nutifood, đại diện tiếp đón và giới thiệu về công ty trong chuyến tham quan nhà máy. Đối với Nutifood, đây là cơ hội để hình ảnh của công ty được đưa đến gần hơn với các sinh viên, cũng như giới thiệu các vị trí việc làm hiện có của công ty đến với các ứng viên tiềm năng.
“Tôi khá bất ngờ khi các sinh viên được kết nối doanh nghiệp từ năm Nhất, trong khi thời tôi còn đi học, phải đến năm ba mới được tham quan doanh nghiệp và nhà máy”, Trưởng phòng Quản lý chất lượng cho biết những chuyến đi này sẽ giúp người học có được bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp, cũng như cơ hội trao đổi và kết nối với các anh chị đi trước để có định hướng rõ hơn cho tương lai.
Đại diện Nutifood hi vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác về đào tạo và tuyển dụng, giám sát tài năng với Viện Kinh tế và Quản lý cũng như các trường khác từ ĐHBK Hà Nội để đảm bảo có sự đầu tư tốt nhất cho những cử nhân, kỹ sư tài năng trong tương lai.
Là trưởng phòng một đơn vị của Nutifood, anh Bùi Đăng Đạt từng đón nhiều đoàn sinh viên từ các đại học lớn, nhưng anh khẳng định sinh viên Bách khoa Hà Nội vẫn có những “chất” rất riêng.
“Các cán bộ Nutifood cảm thấy rất ấn tượng về tính ngăn nắp, kỷ luật và tư duy của sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý, đặc biệt khi các em mạnh dạn đưa ra những câu hỏi hay và có định hướng trong buổi giao lưu với Ban lãnh đạo doanh nghiệp”, anh Đạt hãnh diện cho biết.