Bách khoa Hà Nội nhìn lại chương trình đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người học và doanh nghiệp

Thứ sáu - 29/12/2023 04:35
Bách khoa Hà Nội nhìn lại chương trình đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người học và doanh nghiệp
Ngày 26/12/2023, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng tốt nhất cho sinh viên trong bối cảnh thách thức, không ngừng đổi mới của lĩnh vực giáo dục,  Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo Tổng kết 6 năm triển khai đào tạo các học phần kiến thức bổ trợ và Hội thảo Tổng kết công tác đào tạo tiếng Anh cơ sở trên nền tảng số với các chương trình đào tạo trong giai đoạn 2017-2023.

2 Hội thảo được tổ chức cùng ngày nhằm đánh giá, tổng kết 6 năm triển khai đào tạo các học phần kiến thức bổ trợ và đào tạo tiếng Anh cơ sở trên nền tảng số; mở ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm từ thầy cô và các doanh nghiệp tới tham luận; xác định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của các khối kiến thức liên quan trong chương trình đào tạo (CTĐT).

Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho sinh viên

Trao đổi trong buổi Hội thảo “Tổng kết 6 năm triển khai đào tạo các học phần kiến thức bổ trợ”, PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong giáo dục đại học. Kỹ năng mềm góp phần tạo nên sự thành công của sinh viên khi ra trường, bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu.
PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trao đổi tại Hội thảo
Phát biểu tại khai mạc, PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Mục tiêu của chương trình đào tạo là hỗ trợ sinh viên bổ sung kỹ năng cần thiết, đạt được thành công trong sự nghiệp và tiếp tục phát triển chuyên môn cao”.

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội giao nhiệm vụ cho Ban Đào tạo trong giai đoạn tiếp theo tiếp tục bổ sung các học phần bổ trợ và mô đun hóa theo các nhóm kỹ năng, thái độ cần thiết. Mục tiêu phấn đấu đảm bảo chương trình kiến thức bổ trợ sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và kỳ vọng của sinh viên và nhà tuyển dụng. 

Cùng với đó, PGS. Nguyễn Phong Điền hy vọng tất cả các đơn vị sẽ tích cực tham gia vào Hội đồng Phát triển khối kiến thức bổ trợ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chung tay tạo nên sự thành công của sinh viên sau tốt nghiệp.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Trưởng Ban Đào tạo - đưa ra những tổng kết và định hướng đổi mới nội dung đào tạo trong năm học tới, tăng cường định hướng nghề nghiệp cho sinh viên bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế. Bồi dưỡng thêm kỹ năng ứng xử, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lãnh đạo và làm việc nhóm.
TS. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Trưởng Ban Đào tạo - báo cáo tại Hội thảo
Theo TS. Nguyễn Xuân Tùng, các doanh nghiệp có yêu cầu cao về kỹ năng mềm, tác phong làm việc và tinh thần cầu thị bên cạnh các kỹ năng chuyên môn.

Thông qua Hội thảo Ban Đào tạo đề xuất nên chia 2 nhóm kỹ năng: Kỹ năng quan trọng cho công việc gồm ngoại ngữ, máy tính, pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, thích nghi và rèn thái độ tích cực; Kỹ năng giúp người tốt nghiệp dễ dàng thành công gồm quản lý cảm xúc, giao tiếp, thuyết phục, xử lý dữ liệu, tư duy sáng tạo.

Các con số trong báo cáo CTĐT của Ban Đào tạo dựa trên yêu cầu từ phía doanh nghiệp và nhà tuyển dụng liên quan đến các vị trí việc làm. Thông qua khảo sát từ doanh nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội có thể xác định được những năng lực nghề nghiệp mà người tốt nghiệp cần phải có để đáp ứng yêu cầu trong công việc. Đồng thời thích ứng với môi trường và phát triển bản thân trong quá trình thực hiện công việc.
 
Các thầy/cô và doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo 
 
Nâng cao tiếng Anh để ngoại ngữ trở thành thế mạnh

Hội thảo "Tổng kết công tác đào tạo tiếng Anh cơ sở trên nền tảng số" tổng kết công tác đào tạo tiếng Anh trong cơ sở dành cho sinh viên trong vòng 3 học kỳ gần đây. Mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo để giúp sinh viên trau dồi kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, cung cấp lộ trình và hạ tầng học tập để hỗ trợ đạt được năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

Trong quá trình phát triển CTĐT Đại học Bách khoa Hà Nội trải qua nhiều lần kiểm định và khoảng 64% chương trình được chứng nhận chất lượng của các tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế như AUN-QA, CTI, ASIIN. Hiện các CTĐT của Đại học Bách khoa Hà Nội được thực hiện theo quy trình PDCA (Plan – Do – Check – Act) nhằm đảm bảo chất lượng và cải tiến liên tục.

Đáng chú ý, với thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát huy đào tạo trên nền tảng số: Phát triển đào tạo B-Learning; Xây dựng nguồn học liệu số; Đổi mới phương pháp đào tạo ngoại ngữ; Thúc đẩy đào tạo trải nghiệm; Đổi mới công tác đánh giá, thi... Việc nâng cấp hạ tầng CNTT, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ghi hình, ghi tiếng, các phần mềm xây dựng bài giảng, xử lý hậu kỳ phục vụ thầy/cô đào tạo B-Learning đã dần hoàn thiện và đi vào hoạt động.
TS. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Trưởng Ban Đào tạo - báo cáo công tác đào tạo tiếng Anh cơ sở trên nền tảng số tại hội thảo
Theo Báo cáo Tổng kết công tác đào tạo tiếng Anh cơ sở trên nền tảng số của Ban Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, hệ thống dạy tiếng Anh trên nền tảng số của Đại học đã hoạt động ổn định, hỗ trợ cho cả giảng viên và sinh viên. Hệ thống có khả năng triển khai chương trình với số lớp lớn trong các kỳ tiếp theo; Sinh viên có thể tự học tại mọi thời điểm, mang lại tính linh hoạt cho quá trình học tập. Chương trình đào tạo đã đạt được một số hiệu quả trong việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh đối với cả 4 kỹ năng cho sinh viên.

Cùng đó, lãnh đạo Ban Đào tạo đưa ra một số điểm cần chú ý về việc tỷ lệ hoàn thành bài học trong một học phần thường có xu hướng giảm dần theo thời gian. Có các hiện tượng "học đuổi" khi đến gần thời hạn, đặt ra thách thức về tính tự học của sinh viên. Từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật để kịp thời nhắc nhở sinh viên tăng tính tự quản lý thời gian học tập một cách hiệu quả.
Ảnh: Trung Kiên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây